Nhắc đến hòn vọng phu, ai cũng nghĩ đến người thiếu phụ bồng con chờ chồng rồi hóa đá với tình nghĩa son sắt thủy chung. Ở ngôi làng Nam Thọ xưa (nay là khối phố Lộc Phước, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), ngày định mệnh 35 năm trước cũng có nhiều phụ nữ cùng con thơ tựa hòn vọng phu hóa đá ngóng chồng trước biển khơi mênh mông...
Bà Nguyễn Thị Bốn vượt lên khó khăn khi chồng không may qua đời trong cơn bão dữ. Bà quyết tâm ra khơi, làm kinh tế nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Ảnh: H.T.V |
Theo các bô lão sinh sống tại phường Thọ Quang, vào lúc 4-5 giờ sáng ngày 20-4-1989 âm lịch, một cơn bão kèm từng đợt gió lớn bất ngờ nổi lên tứ phía, cuốn trôi mọi thứ từ nhà cửa, tàu thuyền, ngư cụ và 60 ngư dân đang đánh bắt khơi xa. Thi thể 60 ngư dân được tập trung tại bãi Ngang (trước lăng cá ông Vạn Đồng Hiệp), có người đến từ Quảng Nam hay tận Thừa Thiên Huế và cả các vùng lân cận Nại Hiên, Mân Thái, Nam Ô. Riêng làng Nam Thọ có khoảng 20 ngư dân gặp nạn và 20 người vợ rơi vào cảnh góa phụ, con thơ mất cha, nhà đổ sập, vốn liếng không còn…
1. Đến khối phố Lộc Phước vào những ngày tháng Năm, sự nuối tiếc lẫn nghẹn ngào do cơn bão năm 1989 gây ra càng nặng nề khi người phụ nữ vừa làm lễ giỗ cho chồng. Tại lăng cá ông Vạn Đồng Hiệp (phường Thọ Quang) cũng nghi ngút khói nhang của người dân nhớ về những ngư dân xấu số. Quãng thời gian năm 1989, các cụm từ đau đớn, khổ sở, khó khăn… không thể miêu tả hết sự cùng cực của người phụ nữ. Trong giây phút có lẻ, họ bỗng mất tất cả, vợ xa chồng, con xa cha và gánh nặng cơm áo gạo tiền. Tôi trò chuyện cùng họ về chuỗi ngày cơ cực đó. Những giọt nước mắt rơi như thước phim chiếu chậm, hiện rõ mồn một đầy kinh hoàng từ thể xác lẫn tinh thần.
Qua lời giới thiệu của ông Đinh Văn Hưởng (85 tuổi), Trưởng ban phụ trách lăng cá ông Vạn Đồng Hiệp, tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Bốn (70 tuổi) có chồng và em chồng mất trong cơn bão. Gặp bà tại chiếc cổng được sơn màu trắng ngà cùng ngôi nhà khang trang, sân vườn rộng rãi có hướng nhìn ra biển, thấy rõ từng đợt sóng nhấp nhô, bà nói rằng, để kể câu chuyện về cuộc đời, ngẫm một tháng chưa kể xong. Ở cái tuổi cuối con dốc cuộc đời, bà Bốn không ngại khi nhớ về quá khứ bởi trong suy nghĩ bà chưa bao giờ quên.
Bà chậm rãi kể, thời con gái bà cũng như nhiều thiếu nữ khác, cũng lắm niềm mơ mộng, mong muốn có chồng, sinh con. Sau ngày giải phóng đất nước, chạm tuổi 18, bà nên duyên cùng ông Phạm Bốn, người cùng làng, giỏi giang, tháo vát. Gia đình nhỏ thêm trọn vẹn khi lần lượt 5 đứa trẻ ra đời khỏe mạnh. Thời trước, chồng lao động chính bằng nghề đi biển, bà ở nhà quán xuyến công việc nội trợ. Cuộc sống nghèo khó nhưng bà luôn tâm niệm, chỉ cần vợ chồng cùng chí hướng, vun vén trước sau thì sẽ vượt qua. Mười năm lăn lội làm thuê cho tàu cá trong làng, hai vợ chồng bàn nhau vay mượn bà con, bạn bè để đóng tàu đặng ra khơi chủ động và thuận tiện hơn.
Nói là làm, một tháng sau, vợ chồng bà đón nhận chiếc tàu mới với niềm vui khôn xiết. Hạnh phúc chẳng tày gang, sau 3 ngày con tàu rời bờ thì chồng và em chồng bà gặp nạn trong cơn bão. Theo lời bà nói, nghe tin hai anh em chồng mất, bà như chết lâm sàng mấy giờ đồng hồ, khung cảnh lúc đó màn trời chiếu đất bởi chồng mất, tàu chìm, nhà sập, 5 đứa con (lớn nhất 15 tuổi, nhỏ nhất 7 tháng tuổi), nợ nần bủa vây…
Kể đến đây, dưới ánh nắng hoàng hôn sắp khuất sau đường chân trời, như chạm lại nỗi đau ngày 20-4 lần nữa, giọng bà ngắt quãng, bà không đếm nổi bao giọt nước mắt đã rơi, bao lần muốn cùng các con quyên sinh, bao lần lầm lũi ôm con đợi chồng trước biển khơi và không biết bao lần bà giật thót tim gan khi có luồng gió, cơn mưa bất chợt đổ xuống. Thương hơn là đứa con út của bà vẫn chưa một lần gặp để nhớ khuôn mặt hay dáng hình của ba bởi còn quá nhỏ. “Tôi còn nhớ, lúc đó, nhà nước hỗ trợ 7 miếng tôn và cung cấp gạo. Tôi nuôi con bằng gạo được cho và nằm dài 2 năm liền, kiệt quệ tinh thần. Hơn hết, căn nhà sát biển cứ mỗi lần gió dội ngang qua thì lại sập vì chỉ có những cọc tre dựng tạm với tôn. Đôi lần, mẹ con may mắn chạy kịp trong đêm chứ không chắc giờ không còn ngồi đây để mà nhớ, mà kể. Chính vì vậy, tôi nhiều lần nghĩ chuyện dại dột, nhưng chợt nhận ra, nếu có mệnh hệ thì con mình sẽ ra sao. Nhờ đó, tôi tiếp thêm sức mạnh và động lực gượng dậy để sống tiếp”, bà Bốn bộc bạch.
Chồng mất khi bà 33 tuổi, một thân một mình trong căn nhà lụp xụp cùng 5 đứa con, bà làm thuê làm mướn đủ nghề. Vì vậy, bà suy đi tính lại nhiều tháng ròng và nghĩ mình cần làm gì đó để có kinh tế nuôi con. Bà bấm bụng tiếp tục vay mượn tiền đóng tàu và sẽ ra khơi giống chồng. Hoàn cảnh neo đơn, khó khăn chồng chất nhưng bà đi vay ai nấy đều vui vẻ giúp đỡ. Nhờ vậy, bà đóng tàu mới và nhổ neo ra khơi cùng 2 người bạn thuyền. Tôi tỏ rõ sự bất ngờ bởi phụ nữ ra khơi như mồ côi một mình, không người thân, không nơi nương tựa càng không thể đong đếm nỗi vất vả, thậm chí, quan niệm dân gian cho rằng, phụ nữ lên tàu là mang điều xui xẻo. Bà nói rằng, do hoàn cảnh nên phải ra biển bởi lúc đó bà chưa biết làm gì ngoài việc bám víu biển dẫu biết sẽ gặp nguy nan.
Ban đầu, do chưa quen, bà bị say sóng. Ra đó còn phải học nhiều ngón nghề như: kéo lưới, phụ vớt chì, buông câu, lái thuyền, cách nhìn trời, nhìn mây, nhìn gió, nhìn mưa, nhận biết vùng biển có từng loại cá sinh sống… và đối mặt với cái nắng trên đầu, nước dưới chân, mưa dầm, gió lộng đêm lẫn ngày. Nhiều khó khăn nhưng bà quả quyết cứ kiên trì, trời cao ắt dành phần. Cứ như vậy, năm dài tháng rộng trôi qua, chắc có lẽ, trời thương nên những chuyến đi biển ngày hanh thông, thuận lợi, mang về cho bà lợi nhuận để trả nợ và lo cho các con.
“Tôi tự nhủ, dù có khổ, có cực cũng phải cho các con ăn học, có con chữ mới mong cuộc đời tươi sáng hơn. Nay các con đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Đó là điều tôi muốn dành tặng người chồng quá cố bởi khi còn sống, ông có tâm nguyện mong các con ăn học đến nơi đến chốn, không phải vất vả như ba, mẹ”, bà Bốn tâm sự.
Số phận không may mắn đến với cụ bà Nguyễn Thị Nhẫn khi chồng ra đi để lại 6 con. Đến nay, cụ vẫn mưu sinh bằng nghề lượm ve chai để lo cho đứa con trai út bệnh tật. Ảnh: H.T.V |
2. Cùng chung số phận với bà Bốn, hoàn cảnh cụ bà Nguyễn Thị Nhẫn (85 tuổi), có chồng là ông Huỳnh Lự, mất trong cơn bão năm 1989 cũng không ngôn từ nào tả nổi. Đến nay, ở ngưỡng tuổi gần đất xa trời, đau bệnh khắp người nhưng mỗi ngày, cụ vẫn đi lượm ve chai, chắt chiu từng đồng nuôi người con trai út có tuổi nhưng trí óc vẫn như đứa trẻ thơ. Lớn tuổi nhưng cụ nhớ vanh vách từng chi tiết về người chồng mình hết mực yêu thương đã bỏ mẹ con cụ đi xa mãi. Ngày đó, cụ cùng 6 đứa con (đứa lớn 16 tuổi, đứa nhỏ 7 tuổi) ngày ngày ra biển ngóng tin chồng, tựa như hóa đá bởi nước mắt không còn đủ để khóc, chân không còn sức đứng vững. Phải mất 3 ngày tìm kiếm cụ mới gặp lại chồng. Đó là giây phút cụ ngã quỵ trong đau đớn và nhận ra, không có kỳ tích đến với chồng bởi cụ vẫn nhất mực hy vọng ông sẽ sống, sẽ bám cọc ở đâu đó, sẽ quay lại với mình, với con để rộn rã tiếng nói cười nơi góc nhà...
Thời gian sau khi chồng mất, cụ và các con ăn mắm, ăn muối sống qua ngày. Ngày no đủ nhất là ngày có được nắm khoai, củ sắn thêm dăm con cá khô là được bữa cơm ngon lành. Cụ nói rằng, lúc ấy, cụ cũng như nhiều phụ nữ trong làng hầu như có dăm ba bận con nên cuộc sống rơi vào khó khăn là điều thường tình. Hoàn cảnh đó buộc cụ và những người phụ nữ khác phải mạnh mẽ để nuôi đàn con thơ. “Hồi trước, còn khỏe, tôi đi gánh cá thuê, buôn thúng bán bưng. Về sau, tôi đi lượm ve chai cũng được vài chục ngàn đồng nuôi đứa con trai út mất trí nhớ, chậm chạp. 5 con còn lại có gia đình nhưng cuộc sống khó khăn nên tôi nuôi là chủ yếu, họa may đứa nào dư chút gạo, bó rau, hủ mắm thì vẫn phụ nuôi em”, cụ Nhẫn nhìn xa xăm và day dứt chia sẻ, tuổi già ra đi là điều không tránh khỏi nhưng cụ vẫn canh cánh nỗi lo về đứa con út bé bỏng, không biết tương lai con sẽ ra sao.
Hay bà Võ Thị Kha (60 tuổi) cũng có chồng mãi đi xa trong cơn bão dữ khi hai con trai mới chập chững đứa lên 5, đứa lên 6 tuổi. Bà một thân một mình vượt khó sớm tối để nuôi dạy hai con nên người. Mất mát lớn trong đời sống tinh thần nhưng cũng nhờ biển mà hằng ngày mỗi chuyến tàu cập bờ, bà ra biển mua đủ các loại cá, tôm mang ra chợ bán buôn kiếm sống. Ngoài ra, bà còn dành thời gian làm thêm nghề mắm, trang trải cuộc sống.
Ông Đinh Văn Hưởng (85 tuổi) cũng là người trực tiếp ra khơi năm 1989 may mắn sống sót kể rằng, ông vẫn cảm thấy hoảng sợ khi nghĩ lại cơn bão kinh hoàng năm 1989 đã lấy đi gần 60 ngư dân ở khắp nơi. Khung cảnh thi thể xếp từng hàng, đợi người thân đến nhận khiến ông ám ảnh đến tận bây giờ. Chưa kể, làng ông ngày ấy chìm trong đau thương, cứ cách vài ba căn nhà lại có đám tang vì có gần 20 ngư dân bỏ mạng ở khơi xa. Ông nói, người mất đã mất rồi nhưng người phụ nữ ở lại là điều đáng thương vô cùng. Ngày đó, Nhà nước hỗ trợ nhưng đó là giúp cái ngặt, còn lâu dài thì người phụ nữ phải một tay vun vén trong ngoài. Sau ngần ấy thời gian, ông nể phục họ bởi sự chịu thương, chịu khó, nuôi con khôn lớn, một lòng thờ chồng. Giờ đây, những người phụ nữ số ít còn ở lại làng, còn đa số đã di chuyển đến nơi khác sinh sống. “Chúng tôi vừa tổ chức giỗ chung cho những ngư dân xấu số tại lăng. Chỉ biết khấn nguyện trời êm, biển lặng, ngư dân thuận lợi ra khơi, khi về đủ thuyền đủ người là chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Có thể nói, hồi trước, đi biển khá cực dựa vào may rủi. Bây giờ, tôi vui phần nào khi có máy móc, thiết bị hiện đại nên thời tiết, mưa bão dự đoán chính xác, ngư dân nhờ đó cũng biết định vị hướng đi, hướng về, bảo đảm sự an toàn, hạn chế tối đa mất mát cho ngư dân đi biển”, ông Hưởng cho hay.
Hiểu rằng, không có nỗi đau hay giọt nước mắt nào trên thế gian có thể đặt lên bàn cân so sánh, nhưng bà Bốn, bà Nhẫn, bà Kha và nhiều phụ nữ khác đã chịu nhiều nỗi đau cùng lúc, dồn dập quả là quá sức chịu đựng của người phụ nữ chân yếu tay mềm. Họ một thân một mình chống chọi sóng gió cuộc đời nuôi con, thờ chồng, chưa một lần nghĩ đến hạnh phúc cho mình bởi hạnh phúc của họ là nhìn thấy các con no ấm, đủ đầy, còn niềm vui nhỏ nhoi cho mình là trong giấc mơ vội vã có thể gặp chồng, nở nụ cười tươi đã là điều mãn nguyện. |
HUỲNH TƯỜNG VY