Về thăm địa đạo Phú An - Phú Xuân

.

Trong cái nắng oi bức của trưa hè tháng Bảy, chúng tôi chợt cảm thấy dễ chịu khi bước qua khỏi cánh cổng của một khu nhà rộng tỏa những bóng cây rợp mát tựa một khu nhà vườn ở xã Đại Thắng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Đó là khu di tích địa đạo Phú An - Phú Xuân, một trong những căn cứ tiền phương chiến lược của Đặc khu ủy Quảng Đà, được thi công từ năm 1965 đến năm 1966, giữa lúc giặc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam nước ta, tiến hành chiến tranh cục bộ. Hiện nay địa đạo Phú An - Phú Xuân là địa điểm thu hút đông đảo du khách ghé tham quan, tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Du khách tham quan Nhà trưng bày địa đạo Phú An - Phú Xuân. Ảnh: T.T.S
Du khách tham quan Nhà trưng bày địa đạo Phú An - Phú Xuân. Ảnh: T.T.S

Cùng đi với chúng tôi, anh Lê Anh Sáu, nguyên là chiến sĩ du kích từng chiến đấu, gắn bó với địa đạo Phú An - Phú Xuân suốt thời kỳ khốc liệt nhất cho biết: “Do yêu cầu bức thiết giữ vững vùng mới giải phóng, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, tiếp tế lương thực, quân trang, quân dụng, vũ khí, đạn dược từ chiến khu xuống các chiến trường đặc khu Quảng Đà và ngược lại, cuối năm 1965 đến đầu năm 1966, Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà chỉ thị cho Huyện ủy Đại Lộc (lúc ấy giờ là xã Lộc Quý) khẩn trương xây dựng địa đạo Phú An - Phú Xuân.

Nơi đây từng liên tiếp tiếp nhận các nguồn cán bộ và quân chủ lực từ hậu phương bổ sung cho chiến trường. Cơ quan Đặc khu ủy Quảng Đà và Huyện ủy Đại Lộc đóng ở đây từ 1966 đến đầu năm 1968 (sau chiến dịch Mậu Thân 1968) trở về chiến khu. Đặc biệt, đây còn là nơi trú chân an toàn của các đồng chí: Bí thư Khu ủy khu 5 Võ Chí Công; Đại tướng Chu Huy Mân, Phó Bí thư - Tư lệnh Quân khu 5; Đại tướng Đoàn Khuê, Phó Chính ủy khu V; Trung tướng Nguyễn Chánh, Tư lệnh Mặt trận 44 Quảng Đà; Cố Đô đốc Hải quân Giáp Văn Cương, Thường vụ Đặc khu ủy, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Mặt trận 44; Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà Hồ Nghinh cùng nhiều vị lãnh đạo, tướng lĩnh khác đã từng chiến đấu, công tác tại chiến trường Quảng Đà…

Địa đạo Phú An - Phú Xuân được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2002. Giai đoạn 2011-2013, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam triển khai trùng tu, tôn tạo di tích. Song công trình sau trùng tu, tôn tạo đến nay chưa được khai thác đúng mức, nguyên nhân chủ yếu là đường hầm thường xuyên bị ngập trong nước… Sinh thời, ông Phạm Đức Nam, Chủ tịch UBND cách mạng, Chủ tịch Hội đồng tiền phương tỉnh Quảng Đà lúc bấy giờ có lần trở về thăm địa đạo đã nhắc lại công lao, đóng góp to lớn của nhân dân xã Đại Thắng. Cảm kích, biết ơn đồng bào, du kích, Đảng bộ, những người còn sống, những người ngã xuống với mảnh đất anh hùng này, ông đề nghị địa phương quan tâm chăm sóc, tu bổ… để địa đạo Phú An - Phú Xuân mãi mãi tồn tại như một chiến công hiển hách trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, là niềm tự hào của nhân dân Đại Lộc.

Rời khỏi di tích lịch sử quốc gia, chúng tôi còn ghé qua Tượng đài Chiến thắng cầu Ông Nở. Đây cũng là địa chỉ đỏ và giáo dục truyền thống cho các lớp con cháu về một thời quyết tâm đánh giặc giữ làng, giữ nước của cha ông trên mảnh đất Đại Thắng anh hùng. Cầu Ông Nở dài hơn 10m, được làm bê-tông khá vững chắc, vắt ngang qua làng Phú Bình và làng Phú An. Trong số hơn 300 tác phẩm của tập sách “Quảng Nam trong ký họa thời kháng chiến 1960-1975” (Ban Tuyên giáo Quảng Nam ấn hành, 2015), có gần 30 ký họa về vùng đất và con người Đại Lộc. Đặc biệt, trong bức tranh “Cầu Ông Nở”, họa sĩ Giang Nguyên Thái đã cẩn thận ghi chú thêm những thông tin: "Vùng B Đại Lộc, nơi quân và dân ta tiêu diệt đại đội Mỹ trong trận đánh vào tháng 11-1967". Bên dưới là hai câu thơ: "Lấy xác Mỹ xây cầu Ông Nở/ Cho Long An nối lại Phú Bình".

Anh Lê Anh Sáu nói thêm: “Từ ngày ấy (2-11-1967), trận đánh Mỹ lịch sử của bộ đội R20 tỉnh Quảng Đà (nay là tiểu đoàn 1 bộ binh anh hùng thuộc thành đội thành phố Đà Nẵng và du kích Đại Thắng ở cầu Ông Nở đã gần 60 năm. Thế nhưng, trong ký ức, tâm trí của người dân Đại Thắng, từ người trở về trong cuộc kháng chiến và những người chưa từng đối mặt với đạn bom, với quân thù đều tin rằng, chiến thắng tại Cầu Ông Nở là mốc son lịch sử trong ngàn trang sử chói lọi của Đảng bộ, nhân dân Đại Thắng trong cuộc trường chinh đánh giặc giữ nước.

TRẦN TRUNG SÁNG

;
;
.
.
.
.
.