Vì sao cậu bé Trần Đăng Khoa được gọi là thần đồng?

.

Trần Đăng Khoa có thơ đăng báo lúc mới tám tuổi, mười tuổi đã xuất bản tập thơ Góc sân và khoảng trời làm xôn xao dư luận. Góc sân và khoảng trời được tái bản nhiều lần với số lượng lớn, được dịch nhiều ngôn ngữ, được chọn đưa vào sách giáo khoa và ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ độc giả gần 60 năm nay.  

Nhà thơ Trần Đăng Khoa ngày bé và bây giờ. Ảnh: T.L
Nhà thơ Trần Đăng Khoa ngày bé. Ảnh: T.L

Điểm nhìn trẻ thơ

Năm 1968, khi tập thơ Từ góc sân nhà em của Khoa vừa mới ra đời; Khoa Văn, Đại học Sư phạm Vinh mời Xuân Diệu về nói chuyện. Sinh viên lèn kín hội trường, ngồi nghe say sưa. Tôi nhớ nhất đoạn ông bình bài Con bướm vàng. Theo Xuân Diệu, Con bướm vàng được Trần Đăng Khoa sáng tác ngẫu hứng khi đang nấu cơm. Vì đuổi theo con bướm vàng mà nồi cơm chín không đều, bị mẹ la rầy. Con bướm vàng là bài thơ đầu tiên của Khoa: "Con bướm vàng/ Con bướm vàng/ Bay nhẹ nhàng/ Trên bờ cỏ/ Em thích quá/ Em đuổi theo/ Nó vỗ cánh/ Vút lên cao/ Em nhìn theo/ Con bướm vàng/Con bướm vàng…".

Xuân Diệu hỏi: "Các bạn có biết phải đọc hai câu đầu và hai câu cuối bài thơ Con bướm vàng như thế nào cho đúng với ý đồ nghệ thuật của Trần Đăng Khoa không?". Tất cả im lặng. Ngừng một lúc, Xuân Diệu cất tiếng: "Ở phần đầu phải đọc câu trước nhỏ hơn câu sau. Còn ở phần cuối thì ngược lại". Ông hỏi tiếp: "Các bạn có biết vì sao phải đọc như thế không?". Tất cả vẫn im lặng. Xuân Diệu giải thích: "Con bướm vàng ở phần đầu là con bướm vàng bay từ xa đến, nó lớn dần. Con bướm vàng ở phần cuối là con bướm đang bay xa dần, nhỏ dần". Cả hội trường vỗ tay rào rào vì phát hiện độc đáo ấy của nhà thơ.

Bình bài Sao không về vàng ơi, Xuân Diệu so sánh hai đoạn thơ Trần Đăng Khoa tả con chó vàng trước và sau khi mất. Ở đoạn trước: "Tao đi học về/ Là mày chạy xồ ra/ Đầu tiên mày rối rít/ Cái đuôi mừng ngoáy tít/ Rồi mày lắc cái đầu/ Khịt khịt mũi, rung râu…". Còn đoạn sau, Khoa cố ý thêm vào hai tính từ chỉ màu sắc “vàng” và “đen”: "Không thấy mày đón tao/ Cái đuôi vàng ngoáy tít/ Cái mũi đen khịt khịt". Nếu là người bình thường sẽ làm ngược lại. Bởi đoạn trước con chó đang hiện hữu trước mắt, quan sát cụ thể hơn. Ở đoạn sau con chó trong trí nhớ không cụ thể bằng. Nhưng Khoa vì quá thương tiếc con chó vàng nên khi nhớ về nó thì nó hiện về rõ hơn cả khi nó đang đứng trước mặt.

Sự tương giao giác quan

Phải học đến bậc đại học tôi mới biết thế nào là sự tương giao các giác quan. Theo nhà thơ Baudelaire thì mùi hương, màu sắc, âm thanh tương giao với nhau. Còn cậu bé Trần Đăng Khoa khi viết thơ thiếu nhi chưa hề biết Baudelaire và có lẽ cũng chưa từng tiếp xúc với Thơ Mới, thế mà đã sử dụng khá thành công sự tương giao giác quan, quả là một điều vô cùng kỳ lạ! Khoa nhìn thấy trong hạt gạo có: “hương sen thơm”, có “lời mẹ hát”, có “bão tháng Bảy, có mưa tháng Ba”... Khoa thấy được cả mùi hương nhãn đặc lại khi vào đêm (Đêm hương nhãn đặc lại/ Thơm ngoài sân trong nhà). Khoa nghe được cả tiếng thở của trăng (Nghe trăng thở động tàu dừa)...

Trong bài Đêm Côn Sơn có hai câu được nhiều người nhắc nhở: "Ngoài thềm rơi cái lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng". Cái độc đáo của hai câu thơ này chủ yếu nằm trong cụm từ "tiếng rơi rất mỏng". "Mỏng" là hình chứ không phải là tiếng. Tiếng là âm thanh phát ra được nghe bằng tai chứ không thể nhìn bằng mắt. Trong trường hợp này, thông thường người ta viết: "Tiếng rơi rất khẽ như là rơi nghiêng". Nhưng nếu thay "mỏng" bằng "khẽ", thiết nghĩ sẽ không có gì để nói.Khoa đã sử dụng sự tương giao giữa thính giác và thị giác.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa ngày bé và bây giờ. Ảnh: T.L
Nhà thơ Trần Đăng Khoa hiện tại. Ảnh: T.L

Còn đây là hai câu mở đầu trong bài Nghe thầy đọc thơ: "Em nghe thầy đọc bao ngày/ Tiếng thơ đỏ nắng, xanh cây quanh nhà". "Tiếng thơ" mà lại "đỏ nắng, xanh cây"? Thật kỳ lạ! Qua giọng đọc của thầy giáo, Khoa tưởng tượng ra bao nhiêu sắc màu cuộc sống. Phải hiểu sự tương giao giữa âm thanh và màu sắc, Khoa mới viết được những câu thơ xuất thần ấy. Khoa nghe cả tiếng chim bay khi đọc bài thơ của anh trai là nhà thơ Trần Nhuận Minh gửi về từ miền đất mỏ (Nhận thư anh), Khoa nhìn thấy cả tiếng ve ngân trong buổi trưa mùa hè (Hoa lựu)… Điều đó chứng tỏ cậu bé Khoa rất có ý thức trong việc sử dụng sự tương giao giữa các giác quan. Trong tập thơ Góc sân và khoảng trời, khi miêu tả tiếng chim, có ít nhất hai lần Trần Đăng Khoa sử dụng sự tương giao giác quan. Ở bài Hương nhãn, Khoa viết: "Vườn xanh biếc tiếng chim/ Dơi chiều khua chạng vạng/ Ai dắt ông trăng vàng/ Thả chơi trong lùm nhãn…".

Hình ảnh khu vườn xanh biếc tiếng chim khiến chúng ta liên tưởng đến mấy câu thơ của Đoàn Phú Tứ: "Sáng nay tiếng chim thanh/ Trong gió xanh/ Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình" (Màu thời gian). Gió có màu xanh là cái nhìn mới lạ của Đoàn Phú Tứ, tiếng chim có màu xanh biếc cũng là cách nghe mới lạ của cậu bé Trần Đăng Khoa. Ở câu thơ này, Khoa tiếp tục sử dụng sự tương giao giữa thính giác và thị giác. Nhưng ở bài Cầu Cầm thì khác, Trần Đăng Khoa không sử dụng sự tương giao giữa thính giác và thị giác mà sử dụng sự tương giao giữa thính giác và vị giác: "Bạn nhỏ nào đi qua/ Vai bay khăn quàng đỏ/ Tiếng chim hót đâu đó/ Nghe ngọt vị ổi, đào…". Cũng tả tiếng chim, cũng sử dụng sự tương giao giữa các giác quan, nhưng Khoa luôn thay đổi, luôn có ý thức làm mới nghệ thuật thể hiện cho phù hợp với nội dung và cảm xúc của mình trong từng văn cảnh cụ thể.

Chỉ có thần đồng mới làm được những điều mà người bình thường ít ai làm được. Đúng như một số nhà phê bình cho rằng hiện tượng thơ thần đồng Trần Đăng Khoa vẫn còn ẩn chứa nhiều điều huyền bí. Chính Trần Đăng Khoa cũng thừa nhận điều đó. Trong lời Tự bạch, Khoa nói: “Để làm được thơ hay một phần còn do ông giời. Nhưng phần ấy là bao nhiêu? Ông giời ở đâu? Tính khí ông ta thế nào, thì suốt đời y không thể hiểu nổi”.

MAI VĂN HOAN

;
;
.
.
.
.
.