Thủ đô Vienna của Áo tiếp tục giành vị trí thành phố đáng sống nhất thế giới năm 2024, theo báo cáo hằng năm của Economist Intelligence Unit (EIU). Đây là lần thứ ba liên tiếp Vienna đứng đầu danh sách này.
Vienna đạt điểm tuyệt đối ở 4/5 hạng mục thuộc Chỉ số nơi đáng sống toàn cầu (Global Liveability Index). Ảnh: Getty Images |
EIU - cơ quan nghiên cứu kinh tế thuộc tạp chí Economist - đã khảo sát 173 thành phố trên toàn cầu dựa theo 30 chỉ số được sắp xếp thành 5 hạng mục: sự ổn định, chăm sóc sức khỏe, môi trường, giáo dục và cơ sở hạ tầng.
Không có đối thủ
Vienna luôn có vị trí rất cao trên các bảng xếp hạng về thành phố đáng sống trên thế giới và được gọi là “Thành phố của những giấc mơ” vì nhiều tiện ích như: mật độ bao phủ cây xanh, công viên rộng lớn; những tòa lâu đài tráng lệ, nhiều công trình kiến trúc độc đáo; mạng lưới giao thông công cộng phát triển; hệ thống chăm sóc sức khỏe đảm bảo; hệ thống giáo dục uy tín; văn hóa cà phê vốn trở thành đặc trưng…
Hãng tin CNN cho rằng, Vienna được coi là một trong những thành phố đẹp nhất thế giới và dường như không có đối thủ trong danh sách những thành phố đáng sống nhất. Không những thế, thủ đô của Áo còn hấp dẫn cả những người yêu thích lịch sử và âm nhạc.
Theo thông cáo do EIU công bố hồi cuối tháng 6-2024, Chỉ số nơi đáng sống toàn cầu (Global Liveability Index) đánh giá sự thành công của Vienna nhờ 5 yếu tố: sự ổn định, chăm sóc y tế, môi trường, giáo dục và cơ sở hạ tầng. Vienna đạt điểm tuyệt đối ở 4/5 hạng mục với 93,5/100 điểm, bị ảnh hưởng nhẹ ở nhóm tiêu chí văn hóa và môi trường do thiếu vắng các sự kiện thể thao lớn. Xếp sau Vienna lần lượt là Copenhagen (Đan Mạch) và Zurich (Thụy Sĩ). Tiếp đó là Melbourne (Úc), Calgary (Canada) và Geneva (Thụy Sĩ), Sydney (Úc), Vancouver (Canada), Osaka (Nhật Bản), Auckland (New Zealand).
EIU cho biết Melbourne, Sydney và Vancouver lọt vào top 10 năm nay nhưng tụt hạng “trong bối cảnh thiếu hụt đáng kể về nguồn cung nhà ở”. Với lý do tương tự, Toronto tụt xuống vị trí thứ 12 sau khi lọt vào top 10 trong hai năm trước.
Tây Âu là khu vực có thành tích tốt nhất về chất lượng cuộc sống trên toàn cầu, đạt tổng điểm 92/100. Tuy nhiên, chỉ số này đã giảm kể từ năm ngoái do các cuộc biểu tình và tội phạm gia tăng, gây áp lực lên hạng mục ổn định. Bắc Mỹ là khu vực tốt thứ hai, đạt điểm trung bình 90,5/100 và xếp hạng cao nhất về giáo dục. EIU cho hay, cuộc khủng hoảng nhà ở đang diễn ra tại Canada kéo điểm số cơ sở hạ tầng của khu vực xuống.
Châu Á tiếp tục tăng điểm về mức độ đáng sống
Các thành phố châu Á tiếp tục tăng điểm về mức độ đáng sống trên toàn cầu. Trong top 10 có 4 thành phố châu Á: Melbourne và Sydney (Úc) lần lượt xếp thứ 4 và thứ 7; Osaka (Nhật Bản) xếp thứ 9 cùng Auckland (New Zealand). Sau đó là Adelaide (Úc) xếp thứ 11; Tokyo (Nhật Bản) xếp thứ 14; Perth và Brisbane (Úc) xếp thứ 15 và 16; Wellington (New Zealand) xếp thứ 20.
Singapore xếp thứ 26, đánh dấu bước nhảy vọt và là nước tăng trưởng lớn thứ hai trong 12 tháng qua. Quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé này đạt điểm 100 tuyệt đối ở hạng mục chăm sóc sức khỏe.
Nói về thủ đô Tokyo của Nhật Bản, EIU cho biết: “Là thành phố đông dân nhất trong số 20 thành phố hàng đầu, Tokyo xứng đáng được ghi nhận thêm nhờ khả năng duy trì các tiêu chuẩn cao về cung cấp dịch vụ công và an ninh cho lượng dân số khổng lồ”.
Trong khi đó, các thành phố của Ấn Độ đã giảm điểm về mức độ đáng sống, một phần do chất lượng không khí kém ở nước này. EIU đánh giá: “Phát triển cơ sở hạ tầng cũng là một ưu tiên của chính phủ, nhưng với quy mô và vị trí địa lý của đất nước Ấn Độ, sẽ cần thời gian để cải thiện”.
Đáng chú ý, Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận bước nhảy vọt lớn nhất trong bảng xếp hạng năm nay, tăng từ vị thứ 61 lên 50.
Ở cuối danh sách, Damascus (Syria) là nơi khó sống nhất trên thế giới. Ngay phía trên là Tripoli (Libya), Algiers (Algeria) và Lagos (Nigeria). Nghiên cứu của EIU cho rằng, không có thành phố nào trong số 4 thành phố cuối bảng có bất kỳ sự cải thiện nào về điểm tổng thể kể từ năm 2023.
KHÁNH LINH