Vượt lên chính mình

.

Chuyên mục Hướng đến 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam số ngày 21-7 và 28-7, Đà Nẵng cuối tuần trân trọng giới thiệu 2 kỳ bài viết của nguyên Tổng Biên tập Ngô Quy Nhơn, với hơn 16 năm trên cương vị Tổng Biên tập Báo Quảng Nam-Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng (từ 7-1992 đến 11-2007). Trên chặng đường phát triển của Báo Đà Nẵng ngày nay, “Vượt lên chính mình” khắc họa những dấu ấn quan trọng để những người làm báo và bạn đọc cảm nhận sâu sắc hơn giai đoạn Báo Quảng Nam-Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng xuất bản nhật báo.

Đồng chí Trương Quang Được (thứ 3 hàng trước, từ phải sang), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thăm và làm việc với Báo Quảng Nam-Đà Nẵng ngày 22-9-1995. Ảnh: TLh
Đồng chí Trương Quang Được (thứ 3 hàng trước, từ phải sang), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thăm và làm việc với Báo Quảng Nam-Đà Nẵng ngày 22-9-1995. Ảnh: TLh

Mấy mươi năm làm báo của tôi cũng là mấy mươi năm tôi gắn bó, cống hiến cho một tờ báo duy nhất, đó là Báo Quảng Nam-Đà Nẵng. Thật hạnh phúc và tự hào trên chặng đường phát triển của tờ báo, tôi hai lần được chứng kiến giây phút tờ báo “Vượt lên chính mình” để trở thành một trong năm tờ báo Đảng trực thuộc Trung ương ra nhật báo.

Nghề báo, nghiệp báo

Ngày 1-7-1992, đang là Quyền Chánh văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng tôi được điều động về lại Báo Quảng Nam- Đà Nẵng giữ chức Tổng Biên tập. Ngẫm ra, điều này giống như một định mệnh gắn bó tôi với nghề báo, nghiệp báo. Bởi cách đó 5 năm, từ Quyền Tổng Biên tập Báo Quảng Nam- Đà Nẵng theo quyết định của Ban Tổ chức Tỉnh ủy ngày 1-4-1986, thì ngày 1-3-1987 tôi được điều động sang Văn phòng Tỉnh ủy, giữ chức Phó Văn phòng kiêm thư ký riêng cho Bí thư Tỉnh ủy.

Trong buổi liên hoan chia tay với Ban Biên tập và cán bộ, phóng viên Báo Quảng Nam-Đà Nẵng, tôi nghẹn lòng nói lên nỗi buồn phải chia tay nơi mình sống, gắn bó trong công việc hằng ngày với những người anh em đồng nghiệp thân thương và day dứt tiếc nuối trong việc phấn đấu đưa Báo Quảng Nam-Đà Nẵng thành tờ nhật báo…

Trở lại với Báo Quảng Nam-Đà Nẵng, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì cuối cùng được trở về môi trường công tác quen thuộc, được tiếp tục thực hiện hoài bão, ước mơ làm tốt những việc dang dở năm xưa là đưa tờ Báo Quảng Nam-Đà Nẵng trở thành nhật báo. Tuy nhiên, bên cạnh đó trong tôi cũng dậy lên những nỗi lo trước thực tại quá bề bộn và áp lực với những thách thức mới đang chờ đợi mình.

Việc đầu tiên khi trở lại Báo Quảng Nam-Đà Nẵng của tôi là nhanh chóng ổn định tư tưởng, tình cảm của anh chị em trong toàn cơ quan; củng cố và xây dựng lại lòng tin, sự hợp tác giữa lãnh đạo và phóng viên. Được sự đồng ý của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Biên tập và Công đoàn cơ quan đã xem xét kỹ từng trường hợp phóng viên để tiếp nhận sắp xếp và bố trí công việc phù hợp... Ngoài ra, Ban biên tập còn triển khai mạnh mẽ kế hoạch thu hút, đào tạo phóng viên, cộng tác viên mới. Qua nhiều đợt tuyển chọn, báo đã thu nạp trên 10 phóng viên hợp đồng có triển vọng và hàng trăm cộng tác viên từ trong tỉnh và khắp các vùng miền trên cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng Mai Thúc Lân (đứng) thăm Báo Quảng Nam-Đà Nẵng ngày 15-10-1994. Ảnh: Tư liệu
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng Mai Thúc Lân (đứng) thăm Báo Quảng Nam-Đà Nẵng ngày 15-10-1994. Ảnh: Tư liệu

Cơ sở để ra nhật báo

Song song với công tác chỉnh đốn, ổn định lại tổ chức bộ máy, con người, Ban Biên tập cũng đề ra nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng nội dung tờ báo. Năm 1986, Ban Biên tập Báo Quảng Nam-Đà Nẵng chuyển số Báo Quảng Nam-Đà Nẵng Chủ nhật thành số Báo Quảng Nam-Đà Nẵng trẻ, nhưng đến năm 1989 thì số báo này bị đình bản. Cho đến năm 1992 trở lại báo, tôi trực tiếp xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho khôi phục lại số báo Cuối tuần. Và tháng 8-1992, tờ Quảng Nam-Đà Nẵng Cuối tuần chính thức trở lại mang một diện mạo mới với khuôn khổ 29x42cm, 12 trang in offset, bìa 4 màu. Ba số báo thường được mở rộng bề mặt trang lên khổ lớn 58x42cm và được bổ sung thêm nhiều chuyên mục mới về xây dựng Đảng, đoàn thể, phong trào cách mạng của quần chúng; đầu tư nhiều cho mảng đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, tệ nạn xã hội; tăng cường mạnh mục phản hồi ý kiến của nhân dân, bạn đọc…

Có thể nói, những năm 1992-1995 là thời kỳ Báo Quảng Nam-Đà Nẵng có bước phát triển nhanh cả về nội dung, hình thức. Số lượng phát hành cũng được nâng lên cao nhất. Cụ thể các tờ báo thường ổn định từ 5-7 nghìn bản/kỳ, tờ cuối tuần (Chủ nhật) từ 8-10 nghìn bản/kỳ. Mục tiêu của Báo Quảng Nam-Đà Nẵng dần trở nên quang rạng hơn. Và đây, chính là điểm nhấn để Ban Thường vụ Tỉnh ủy có cơ sở thúc đẩy đưa Báo Quảng Nam-Đà Nẵng ra nhật báo vào thời điểm thích hợp, sớm nhất có thể.

Lãnh đạo tỉnh động viên, biểu dương

Theo đó, các đồng chí trong Ban Thường trực và Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm đến vấn đề ra Báo Quảng Nam-Đà Nẵng hằng ngày. Từ những năm 1993-1995, Bí thư Tỉnh ủy Mai Thúc Lân, Chủ tịch UBND tỉnh  Trương Quang Được, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Phát và các đồng chí khác trong Thường trực Tỉnh ủy đã nhiều lần đến thăm cơ quan báo. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh luôn biểu dương, động viên cổ vũ cán bộ, phóng viên hoặc trực tiếp làm việc, giao ban với Ban Biên tập xoay quanh chủ đề về thời gian cho Báo Quảng Nam-Đà Nẵng ra hằng ngày.

Ngày 18-5-1995, trong buổi làm việc giữa Thường trực Thường vụ với Ban Biên tập báo, đồng chí Mai Thúc Lân trực tiếp chỉ đạo làm văn bản xin ra báo hằng ngày và cho ý kiến chỉ đạo cụ thể rằng: Khi có giấy phép, báo sẽ làm thử một ngày, phát hành báo đến từng chi bộ nhỏ và phát hành ra một số địa phương, nhất là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Để đảm bảo cho việc ra báo hằng ngày được thuận lợi, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy còn cho phép Ban Biên tập được tăng thêm hợp đồng; ổn định nhà in và tòa soạn ở địa điểm cũ (25 Lê Hồng Phong) nhưng sẽ cải tạo trong năm 1996 hoặc tìm ra được địa điểm, quỹ đất để xây dựng mới tòa soạn.

Ngày 22-9-1995, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quang Được đến thăm, gặp gỡ toàn thể cán bộ, phóng viên và đối thoại trực tiếp với anh chị em ngay tại tòa soạn báo. Đồng chí cho biết, Thường trực UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đến từng bước phát triển của Báo Quảng Nam-Đà Nẵng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để ra báo hằng ngày như: đang khảo sát, tìm hiểu, quy hoạch cả trước mắt và lâu dài cho việc cải tạo hoặc xây dựng mới tòa soạn cũng như nhà ở cho anh chị em phóng viên; bớt một số khoản kinh phí để hỗ trợ báo tăng thêm trang thiết bị, tính toán để bù lỗ khi báo ra hằng ngày… Cuối buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quang Được khẳng định, UBND sẽ định kỳ gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo cơ quan báo. Ba đồng chí trong Ban Biên tập cần nghe điện thoại trực tiếp với Chủ tịch UBND tỉnh để ông giải quyết những vướng mắc khi cần…

Đầu năm 1996, trong buổi làm việc với Ban Biên tập, đồng chí Mai Thúc Lân nêu ra một loạt những vấn đề cụ thể liên quan đến việc ra báo hằng ngày để Ban Biên tập giải trình. Và sau khi nghe xong giải trình, ông ngồi yên lặng hồi lâu ra chiều suy nghĩ rồi bộc bạch nỗi niềm như lời tâm sự, gửi gắm: “Hiện nay cả nước, trong hệ thống báo Đảng địa phương thì có hai tờ ở miền Bắc là Hà Nội và Hải Phòng; hai tờ ở miền Nam là Cần ThơSài Gòn Giải Phóng đã ra báo hằng ngày. Riêng khu vực miền Trung - Tây Nguyên, chưa có tờ báo Đảng địa phương nào ra hằng ngày cả. Tại sao vậy? Ta đâu có thua kém gì họ! Vậy nên, tôi đề nghị Báo Quảng Nam-Đà Nẵng phải được ra hằng ngày vì đó là niềm tin, lòng mong đợi của đảng viên, của Đảng bộ, chính quyền, của các cấp ủy địa phương và nhân dân trong tỉnh! Tôi tin là các đồng chí sẽ làm được! Và nếu được, các đồng chí cố gắng đến năm 1996, Báo Quảng Nam-Đà Nẵng sẽ ra hằng ngày”. Thay mặt Ban Biên tập, tôi hứa tiếp thu và nghiêm túc thực hiện chỉ thị của đồng chí bí thư. Thời gian trôi nhanh về phía trước và thời khắc lịch sử mong đợi đã đến - Báo Quảng Nam-Đà Nẵng “vượt vũ môn” hóa rồng!

Có thể nói, những năm 1992-1995 là thời kỳ Báo Quảng-Nam Đà Nẵng có bước phát triển nhanh cả về nội dung, hình thức. Số lượng phát hành cũng được nâng lên cao nhất. Cụ thể các tờ báo thường ổn định từ 5-7 nghìn bản/kỳ, tờ cuối tuần (Chủ nhật) từ 8-10 nghìn bản/kỳ. Mục tiêu của Báo Quảng Nam-Đà Nẵng dần trở nên quang rạng hơn. Và đây, chính là điểm nhấn để Ban Thường vụ Tỉnh ủy có cơ sở thúc đẩy đưa Báo Quảng Nam-Đà Nẵng ra nhật báo vào thời điểm thích hợp, sớm nhất có thể.

(Xem tiếp kỳ 2, số báo ngày 28-7)

NGÔ QUY NHƠN

;
;
.
.
.
.
.