ẨM THỰC ĐÀ NẴNG

Để ẩm thực Việt ngày càng tỏa sáng

.

Sự phong phú của ẩm thực được vun bồi góp phần tạo nét di sản văn hóa phi vật thể được hình thành trong dòng chảy văn hóa của địa phương, làm say lòng bao du khách, bạn bè quốc tế khi đến với Đà Nẵng. Không quá ngạc nhiên khi nhiều món ăn như mì Quảng, bánh xèo, bánh tráng thịt heo, bún mắm, hải sản... ngày càng được các thực khách quốc tế ca ngợi và đánh giá cao thông qua những xếp hạng uy tín toàn cầu.

Bánh xèo Bà Dưỡng (K280/23 đường Hoàng Diệu) là địa chỉ ghé đến thường xuyên của thực khách. Ảnh: K.H
Bánh xèo Bà Dưỡng (K280/23 đường Hoàng Diệu) là địa chỉ ghé đến thường xuyên của thực khách. Ảnh: K.H

Ấn tượng ẩm thực Đà Nẵng

Nói về ẩm thực Đà Nẵng, du khách gần xa mỗi khi đến Đà Nẵng đều chung một số nhận xét, ưu tiên đầu tiên phải đi ăn “đồ biển” (hải sản) với những món ăn đa dạng, phong phú, đáp ứng được các tiêu chí: “tươi-ngon-bổ-rẻ”. Sau đó là những món ăn “chỉ có thể là Đà Nẵng” như mì Quảng, bún chả cá hay gỏi cá Nam Ô... Độc đáo hơn là mì Quảng ếch, bánh tráng cuốn thịt heo “2 da”, bánh xèo... Riêng về hải sản, đa số đều nói rằng, không đâu thích bằng cái ngon bổ rẻ của các món ăn chế biến từ đủ loại hải sản từ những hải sản bình dân nhất như chip chip, đến những hải sản cao cấp như tôm hùm, bọ biển... Về yếu tố “quốc tế”, càng ngày ở Đà Nẵng càng xuất hiện thêm nhiều quán ăn món Á-Âu, nhất là các quán ăn món Hàn, Nhật, Trung Hoa... đủ để đáp ứng nhu cầu của du khách nước ngoài. Bên cạnh đó, ẩm thực Đà Nẵng còn tạo ấn tượng với những quán ăn “thuần túy Đà Nẵng”, “thuần túy Việt Nam” nhưng vẫn thu hút được đông đảo du khách quốc tế.

Nằm ở con hẻm nhỏ K280/23 đường Hoàng Diệu (quận Hải Châu), quán bánh xèo Bà Dưỡng có tuổi đời 43 năm là điểm đến được yêu thích của du khách bởi bánh xèo ở đây có nét riêng so với những nơi khác.Bà Trần Thị Kim Quy (SN 1968, Giám đốc Công ty TNHH Bánh xèo Bà Dưỡng) kể rằng, qua hàng chục năm tồn tại, bánh xèo Bà Dưỡng vẫn được duy trì và giữ được tính ổn định. Những chiếc bánh xèo vừa vàng giòn vừa có độ dẻo dai được làm từ bột gạo, nhưng không phải là thứ bột gạo thông thường mà là gạo Xiệc, loại gạo quê làm nên ẩm thực xứ Quảng, tạo nên độ giòn tan và vị thơm thoảng thoảng của nếp. Nước chấm ở đây cũng khác so với những nơi khác bởi vị mặn mà, béo ngậy nhưng rất vừa vặn khi được kết hợp từ những nguyên liệu là các loại đậu, thịt, tôm với một công thức riêng biệt...

Ra khỏi quán bánh xèo Bà Dưỡng, ghé đến đường Trưng Nữ Vương nơi có quán bánh tráng cuốn thịt heo Đại Lộc nổi tiếng (82 Trưng Nữ Vương). Quán mang đến cảm giác gần gũi, thực đơn phong phú với món chủ đạo là bánh tráng cuốn thịt heo nức tiếng thơm ngon, kết hợp hài hòa giữa vị béo của thịt, vị dai giòn của bánh tráng và hương vị đặc trưng của nước chấm chua ngọt thanh đạm. Rau sống đi kèm gồm nhiều loại tươi xanh như xà lách, diếp cá, tía tô... Đặc biệt, nước chấm được pha chế độc đáo, vừa miệng, không quá mặn hay quá ngọt. Sự kết hợp hoàn hảo của các nguyên liệu tạo nên hương vị riêng có để bánh tráng cuốn thịt heo giờ đây đã trở thành món đặc sản của người dân Đà thành...

Có thể khẳng định, đến Đà Nẵng, bên cạnh thả hồn phiêu du cùng những cảnh đẹp mê mẩn, du khách còn hào hứng thưởng thức các món ngon đậm phong vị ẩm thực xứ Quảng và ẩm thực cũng là một trong những lý do giúp thành phố lọt top những đô thị đáng đến nhất khu vực Đông Nam Á. Nhưng, để khai thác “mỏ vàng” này, để nền ẩm thực Việt Nam có thể “khoe” hết “nhan sắc”, còn rất nhiều việc phải làm.

Nâng cấp nền ẩm thực

Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện ước mong nền ẩm thực Việt ngày càng tỏa sáng khắp thế giới, cần có một chiến lược tổng thể, thống nhất. Thiết nghĩ, sự thay đổi đầu tiên cần có là nâng cấp nền ẩm thực để có thêm nhiều món nổi danh như phở hay bánh mì, dù đó chỉ là những món ăn phổ cập trong đời sống. Nhiều món ăn khác, dẫu có thể không phổ biến như phở nhưng vẫn có cơ hội nổi danh nếu như được đầu tư về chất lượng. Cùng với đó là tính ổn định trong hương vị cần được duy trì, cộng hưởng với chính sách về vệ sinh an toàn thực phẩm cần được siết chặt hơn nữa khi Việt Nam sở hữu kho tàng ẩm thực đường phố vô cùng phong phú.

Ẩm thực Đà Nẵng không chỉ là câu chuyện của món ăn mà là câu chuyện của văn hóa, con người Đà Nẵng và con đường di sản văn hóa miền Trung.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh chính sách truyền thông, thực tế chưa có chiến lược quảng bá và phát triển rõ ràng, khán giả thấy thiếu vắng các tác phẩm điện ảnh, truyền hình thực sự đề cao văn hóa ẩm thực Việt. “Đà Nẵng còn có lợi thế là số ít địa phương của cả nước có Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực cùng với những tổ chức liên quan đến ẩm thực như hội đầu bếp, hội nhà hàng... Ngoài ra, ngành du lịch Đà Nẵng rất quan tâm đến ẩm thực và xem đây là một trọng những lĩnh vực góp phần thu hút du khách đến với Đà Nẵng nhiều hơn. Thời gian qua, Sở Du lịch tổ chức khá thành công “Lễ hội ẩm thực quốc tế Đà Nẵng”, quy tụ nhiều đầu bếp của các quốc gia từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ, Úc… Đây cũng là cách làm du lịch lấy ẩm thực làm chủ đề và mang tầm quốc tế, tạo được sự mới lạ, hấp dẫn đối với du khách khi đến Đà Nẵng”, ông Diệp Dân Hùng, thành viên Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Đà Nẵng nhận xét.

Ông Lý Đình Quân, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Đà Nẵng nói rằng, thành phố là trung tâm kết nối văn hóa đa dạng, đặc trưng vùng miền của các tỉnh miền Trung và các quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Những món ăn Đà Nẵng được phổ biến rộng khắp và gần đây có 36 địa điểm ẩm thực được đưa vào danh sách Michelin đã mang lại sự tự hào và niềm vinh dự, uy tín cho Đà Nẵng.

“Với góc nhìn lạc quan và tầm nhìn dài hạn, tôi xem nền văn hóa ẩm thực Đà Nẵng là kho báu, có thể xây dựng thành thương hiệu đi cùng các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bởi các lý do như: Đà Nẵng định vị là thành phố về du lịch, là trung tâm kinh tế lớn và hiện đại tại miền Trung, Trung tâm kết nối thương mại đầu tư quốc tế, là thị trường lớn có thể phát triển về quy mô và đi ra quốc tế dễ dàng, cũng như là nơi khởi đầu để phát triển thành các mô hình ẩm thực quốc gia.

Ẩm thực Đà Nẵng không chỉ là câu chuyện của món ăn mà là câu chuyện của văn hóa, con người Đà Nẵng và con đường di sản văn hóa miền Trung. Ẩm thực Đà Nẵng sẽ nâng cao được giá trị sản phẩm và con người miền Trung. Con người Đà Nẵng và miền Trung chân thành, luôn học hỏi và có khát vọng vươn lên, đồng thời Đà Nẵng có môi trường tốt hội tụ chính sách, tư duy đổi mới sẽ là động lực tốt để tạo ra các tài năng đầu bếp chuyên nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm ẩm thực sáng tạo, có thể đáp ứng cho ngành phát triển vượt bậc, mang sản phẩm trí tuệ, con người tài năng Đà Nẵng đi ra toàn cầu. Chuỗi giá trị ẩm thực từ nông trại đến bàn ăn cùng với các giá trị khoa học công nghệ chưa được khai thác, sẽ là dư địa vô cùng lớn để Đà Nẵng có thể vươn lên thành địa phương có nền ẩm thực phát triển xứng tầm quốc gia”.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.