Trong lịch sử nước Mỹ hiện đại, hiếm có câu chuyện nào gây được ấn tượng mạnh mẽ như câu chuyện của bà Shyamala Gopalan, nhà khoa học và nhà hoạt động tiên phong đã trở thành niềm cảm hứng mạnh mẽ tuyệt vời để con gái bà - đương kim Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, vươn lên phá vỡ các rào cản và định kiến dành cho nữ giới.
Tấm ảnh hiếm hoi của bà Shyamala Gopalan và hai cô con gái Harris và Maya. Ảnh: India Times |
Là người phụ nữ đầu tiên giữ cương vị Phó Tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris vẫn thường xuyên kể về mẹ trong các phát biểu của mình, nhắc đến mẹ như một mẫu hình lý tưởng, người đã truyền cảm hứng mạnh mẽ giúp bà vượt qua nhiều thách thức trong sự nghiệp chính trị.
Người tiên phong trong khoa học
Theo báo Today, bước ngoặt lớn trong cuộc đời bà Shyamala Gopalan là vào cuối những năm 1950 khi đến Mỹ ở tuổi 19. Nằm trong làn sóng nhập cư Ấn Độ đầu tiên tới Mỹ, cô gái trẻ Gopalan khi ấy phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm cả rào cản văn hóa và kỳ vọng xã hội. Bất chấp thử thách, bà Gopalan kiên trì theo đuổi giấc mơ trở thành nhà khoa học và nhận được tấm bằng tiến sĩ ngành dinh dưỡng và nội tiết tại Đại học California, Berkeley (Mỹ). Theo trang Statnews, nghiên cứu đột phá của bà tập trung vào mối quan hệ giữa thụ thể progesterone và ung thư vú, góp phần đáng kể vào sự hiểu biết của giới chuyên môn về cách hormone ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của tế bào ung thư ra sao.
Trong suốt sự nghiệp khoa học, bà Gopalan làm việc không mệt mỏi để thúc đẩy nghiên cứu về bệnh ung thư vú, hợp tác với các tổ chức nghiên cứu uy tín và được ghi nhận cho những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực chuyên môn. Theo đài NPR (Mỹ), công việc nghiên cứu của bà không chỉ tác động đến cộng đồng khoa học mà còn là nguồn cảm hứng cho cô con gái Kamala Harris, người luôn coi sự cống hiến của mẹ cho khoa học và công bằng xã hội như những yếu tố nền tảng trong hành trình chính trị của bản thân. Trong các chia sẻ sau này, bà Harris thường nhớ lại những lời động viên của mẹ, người luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trở thành người tiên phong và niềm cảm hứng để những người khác tiếp nối.
Sự hết lòng của bà Gopalan với công việc cũng hệt như sự tận tâm hết mực của bà dành cho các con. Là mẹ đơn thân, bà nuôi dạy hai con gái là Kamala và Maya với ý thức mạnh mẽ về bản sắc và niềm tự hào về văn hóa của một người gốc Ấn. Theo đài NPR, bà Harris vẫn thường ngẫm nghĩ về hai phương diện song song tồn tại trong suốt quá trình trưởng thành của bà: vừa đối mặt với những phức tạp khi là một phụ nữ da màu trên đất Mỹ (bà Kamala Harris sinh ra tại Oakland, California, có mẹ là người Ấn Độ, bố là người Jamaica), vừa trân trọng và yêu quý bản sắc văn hóa Ấn Độ của nguồn cội gia đình. Mẹ bà đã truyền dạy để hai con gái thấm nhuần về ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của việc hiểu rõ nguồn cội cũng như việc dám lên tiếng để thúc đẩy những thay đổi tích cực trong xã hội.
Ảnh hưởng của mẹ
Câu chuyện về bà Shyamala Gopalan là minh chứng cho thấy các bà mẹ có thể tạo nên tác động sâu sắc lên cuộc sống của con gái họ như thế nào. Sự kiên cường của bà Gopalan khi đối mặt với nghịch cảnh và tinh thần quyết liệt không gì lay chuyển được của người mẹ đơn thân ấy với các mục tiêu đã trở thành hình mẫu mạnh mẽ cho các con. Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, bà Harris vẫn thường chia sẻ về cách mà các giá trị của mẹ đã định hình phương thức tiếp cận của bà đối với sự lãnh đạo cũng như các vấn đề dịch vụ công.
Trong chiến dịch tranh cử giành ghế công tố viên đầu tiên của bà Harris ở thành phố San Francisco, bà Gopalan thường xuyên có mặt để ủng hộ khát vọng sự nghiệp của con. Bạn bè và các nhân viên cũ của bà Harris còn nhớ mãi sự tận tụy của bà Gopalan khi ấy, từ cách bà dán phong bì, gọi điện thoại và tỉ mỉ chăm lo đủ bánh và cà phê cho các tình nguyện viên. Sự tận tụy của bà không chỉ vì người mẹ ấy rất tin tưởng vào tài năng của con, mà còn cho thấy bà hiểu tầm quan trọng của cộng đồng và sự hỗ trợ của mọi người trong việc giúp mỗi người đạt được mục tiêu của mình.
Hành trình trải qua cho tới hôm nay của bà Harris đã có không ít thử thách. Và mỗi khi phải vượt qua thách thức trong chính trường, bà vẫn thường tìm kiếm nguồn sức mạnh từ những lời dạy của mẹ. Lời khuyên của bà Gopalan về việc "hãy bảo đảm rằng con không phải là người cuối cùng" đã có ảnh hưởng sâu sắc tới bà Harris, giúp bà nhận ra tầm quan trọng của việc đại diện và trách nhiệm của một người tiên phong. Sự đồng cảm ấy đã được bà lặp lại một cách sâu sắc trong bài phát biểu năm 2020 sau khi giành chiến thắng cùng Tổng thống Joe Biden và trở thành phó tổng thống Mỹ: "Tôi có thể là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức vụ này. Nhưng tôi sẽ không phải là người cuối cùng". Phát biểu đó cũng mang một hàm ý cam kết của bà sẽ mở đường cho các thế hệ lãnh đạo nữ tương lai của nước Mỹ.
Sau này, khoảng thời gian phải chứng kiến cuộc chiến với căn bệnh ung thư của mẹ cũng đã ảnh hưởng sâu sắc đến quan điểm của bà Harris trong vấn đề chăm sóc sức khỏe và công bằng xã hội. Những ngày cùng mẹ vượt qua bạo bệnh cũng là những ngày bà Harris hiểu rõ thêm về những bất bình đẳng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước Mỹ, từ đó thúc đẩy bà có những cam kết mạnh mẽ hơn trong việc ủng hộ quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách công bằng cho tất cả mọi người. Trong các bài viết của mình, bà Harris đã bày tỏ tầm quan trọng của việc đầu tư vào nghiên cứu y tế và đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cần được nhìn nhận là một quyền chứ không phải là một đặc quyền của con người.
TRẦN ĐẮC LUÂN (tổng hợp)