Chở báo qua sông

.

“Nhiều mặt hàng mới của tổ hợp sản xuất nước mắm Hải Sơn” là tựa đề bài viết của tôi lần đầu tiên được đăng trên Báo Quảng Nam - Đà Nẵng. Tôi nhớ đó là khoảng tháng 6-1975, hơn 3 tháng sau ngày thành phố Đà Nẵng giải phóng.

Phà ngang sông Hàn. Ảnh: ĐÌNH LẠC
Phà ngang sông Hàn. Ảnh: ĐÌNH LẠC

Khỏi phải nói ngày đó tôi vui như thế nào khi lần đầu tiên nhìn thấy bút danh của mình dưới bài báo chạy 4 cột ở trang 3 của tờ báo mà suốt mấy tháng ròng mình gắn bó với nó trong tư cách một phóng viên trẻ mới vào nghề. Cái tựa của bài báo có vẻ hơi thô nhưng có hề gì, tôi chẳng phàn nàn hay buồn bực một chút nào. Trước đó, tôi có một đêm khó ngủ vì rạo rực khi nhìn thấy bài báo của mình được dàn trang trong bản vẽ maquette ở phòng Tòa soạn. Thời đó, để được lên khuôn, một bài báo phải đi qua nhiều công đoạn rất gian truân. Nhà in lúc ấy nằm trên đường Yên Bái nối dài, cách tòa soạn khoảng 500 mét và tôi nhớ mình đã thấy đoạn đường từ nhà in đến tòa soạn chiều ấy mới đẹp làm sao khi anh phó thư ký tòa soạn đạp chiếc xe cọc cạch mang bản vẽ maquette cùng toàn bộ bài vở của số báo đến giao cho nhà in.

Chừng như cả thế giới chữ nghĩa đang nằm trong tay khi lần đầu bài viết to tướng của mình chiếm hoành tráng cả hơn một phần tư trang báo! Tôi hình dung bài báo của mình đang được bạn đọc khắp nơi chăm chú nghiền ngẫm mà mở cờ trong bụng. Những thằng bạn cùng lớp, những cô gái cùng xóm, tất cả dường như cũng đang say sưa dán mắt vào trang báo có bài của tôi! Hình dung kiểu gì tôi cũng nhận ra một cảm giác ngọt ngào mê đắm. Ôi cái bài báo đầu tiên, nó làm ta ngây ngất! Sau này, khi trưởng thành và bắt đầu nếm trải đủ thứ ngọt bùi cay đắng nghiệp dĩ, nhớ lại cảm giác ngày đầu có bài được in báo, tôi hiểu đó không phải là sự háo danh xốc nổi mà chính là nỗi khao khát được khẳng định và được công nhận mà bất cứ chàng trai cô gái nào chập chững vào đời cũng thường trải qua.

Khao khát ấy của tôi có lẽ một phần đến từ suy nghĩ nghề báo là một nghề vinh quang tiếp cận với những giá trị thuộc về tri thức và tài năng, phần khác từ những gian khó, kỳ công qua tác nghiệp của các nhà báo lớp trước (tất cả họ đều vừa từ chiến trường lửa đạn bước ra), đặc biệt qua việc chứng kiến hành trình trầy vi tróc vảy của một mẩu tin, một bài báo từ lúc còn nằm trong sổ tay người viết đến lúc xuất hiện trên trang báo. Trước bài báo đầu tiên này, tôi đã có dăm tin ngắn, vài mẩu chuyện người tốt việc tốt được đăng.

Trong suy nghĩ của tôi lúc ấy, chúng chưa đủ sức chứng minh năng lực của mình như một bài báo dài cả ngàn từ, có kèm ảnh minh họa, được ấp ủ từ những chuyến đi cơ sở khá công phu, tiếp xúc, gặp gỡ đủ người, đặc biệt là phải thức liền mấy đêm với cơ man nào là bản thảo viết đi viết lại vô số lần. Tôi đặc biệt thích thú vì mình vẫn giữ được văn phong riêng dù đó là bài viết về… nước mắm và con đường phục hồi việc chế biến nước mắm của một địa phương nhỏ ở phường Thọ Quang có truyền thống đánh bắt, chế biến hải sản.

Chính một người bạn cùng lớp thời phổ thông trung học đã xác nhận điều này. Trong chuyến từ Thành phố Hồ Chí Minh về quê Đà Nẵng ăn Tết sau đó mấy tháng, Việt - tên người bạn - đã đọc thấy bài báo của tôi khi vào phòng đọc báo ở góc ngã tư Hùng Vương - Yên Bái. Nhìn thấy tên tôi dưới bài báo, hắn ta đã đọc với tất cả ngạc nhiên, tò mò. “Đúng là lối hành văn của bạn mình rồi”, Việt nghĩ thế nhưng anh chàng vẫn bán tín bán nghi vì nghĩ rằng dễ gì một người vừa đỗ tú tài ở đô thị miền Nam, đang học giữa chừng năm thứ nhất đại học như tôi lại có thể làm việc ở một tòa báo cách mạng.

Trước lúc trở lại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt đã tìm đến tôi chỉ để hỏi cho ra lẽ. À, thì ra người bạn cùng lớp phổ thông đã nhận ra “bóng dáng” của tôi qua đoạn kết của bài viết mà hắn bảo không thể lẫn vào đâu được hơi hướng những bài luận của tôi thời lớp đệ ngũ, đệ tứ (lớp 8, lớp 9 bây giờ). Trong nỗi cảm động đến chảy nước mắt, tôi đã nghe Việt đọc vanh vách đoạn kết bài báo đầu tiên của mình: “Ngoài kia, biển Nam Thọ xanh ngắt mây trời, sóng đập vào bờ trắng xóa, những chiếc tàu đánh cá đang về bến…”.

Trong đời làm báo của mình, tôi đã viết cả ngàn bài báo nhưng bài báo đầu tiên ấy thì làm sao mà quên được. Không đơn thuần in đậm dấu ấn chập chững vào nghề, bài báo đầu tiên của tôi còn gói ghém nhiều xúc cảm thời trai trẻ sôi động, hăng hái với không ít ngây ngô vụng dại cùng đủ chuyện buồn vui. Đà Nẵng bây giờ không còn chuyến phà ì oạp sớm chiều lại qua hai bờ sông Hàn nhưng tôi làm sao quên được hình ảnh anh chàng phóng viên chưa qua trường lớp, chỉ vào nghề bằng niềm hăng say vừa làm vừa học ngày ấy là tôi sớm sớm chiều chiều gò lưng trên xe đạp với chồng báo nặng trĩu sau yên xe đến từng con phố heo hút dưới chân núi Sơn Trà, dọc những xóm chài đầy cát nóng vùng biển Phước Mỹ, An Hải Đông hay những mái tranh mộc mạc ở tận Đa Mặn, Non Nước!

Thời đó, với nhiệm vụ thường trú khu vực quận Ba, chàng phóng viên trẻ ấy cùng lúc làm hai phần việc là vừa xuống các xóm phố phản ánh thông tin về đổi thay của phố phường sau ngày giải phóng vừa trực tiếp mang báo đến tận các hộ gia đình phát không cho bà con. Muốn làm tốt phần việc của mình, anh ta phải nhờ bàn tay góp sức của các cán bộ văn hóa - thông tin phường, khối phố. Và nhắc đến điều này, tôi bỗng nhớ đến anh Linh, phụ trách thông tin khối phố Thọ Vinh dưới chân núi Sơn Trà và chú Ba, chủ quán cà-phê ở khu vực này. Họ là những người đọc đầu tiên cầm trên tay tờ báo còn thơm mùi mực in, đồng thời là những cộng tác viên đắc lực mang báo đến tận tay các hộ gia đình. Bằng nỗi háo hức đợi chờ từng trang báo vừa ra lò, chính họ đã thổi vào trái tim hồn nhiên của tôi niềm say mê nghiệp dĩ, lắm lúc giúp tôi xua tan bao nhọc nhằn khi oằn lưng đạp xe trong nắng rát mùa hè hay mưa lạnh mùa đông qua đoạn đường thăm thẳm từ bến phà An Hải đến những xóm làng dưới chân Sơn Trà hay bên kia Ngũ Hành Sơn.

Những xóm nghèo đơn sơ mộc mạc ấy bây giờ không còn nữa. Gương mặt mới của đô thị Đà Nẵng đã xóa hẳn vết tích cơ hàn hoang sơ của cả khu vực ngày xưa. Những nhân vật từng được nêu trong bài viết đầu tiên của tôi ở tổ hợp tác nước mắm Hải Sơn thời ấy hẳn nhiều người đã đi xa. Anh Linh, chú Ba cà-phê chẳng biết mất còn… Nhưng tôi không khỏi nghe lòng mình xao xuyến mỗi lần nhắc đến họ, vẫn thấy như là mới hôm qua hôm kia đây thôi, cái dáng anh Linh mau mắn đỡ lấy chồng báo vừa khi xe đạp của tôi trờ tới trong lúc chú Ba cùng mấy bạn già của chú thì lau vội cặp kính trắng để hăm hở dán mắt vào từng trang báo mới ra lò…

NGUYỄN ĐÌNH XÊ

;
;
.
.
.
.
.