Có hai ông Phan Khôi ở Điện Bàn?

.

Trong quá trình nghiên cứu hành trạng và tác phẩm của nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu Phan Khôi, trong cuốn sách “Tác phẩm Phan Khôi - sức sống diệu kỳ” (NXB Đà Nẵng, 2023), GS, TS Ngô Quang Huy chỉ ra có hai ông Phan Khôi ở Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), để từ đó “giải oan” cho nhà báo Phan Khôi bị cho là phản bội phong trào Duy Tân và cuộc khởi nghĩa vua Duy Tân tại Quảng Nam.

GS, TS Ngô Quang Huy (thứ 2, bên phải sang) trao đổi với biên tập viên NXB Đà Nẵng về nội dung cuốn sách
GS, TS Ngô Quang Huy (thứ 2, bên phải sang) trao đổi với biên tập viên NXB Đà Nẵng về nội dung cuốn sách "Tác phẩm Phan Khôi - sức sống diệu kỳ". Ảnh: N.T

Thực ra, bên cạnh nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu Phan Khôi ở làng Bảo An, việc “xuất hiện” một Phan Khôi ở làng Phong Thử (Điện Bàn, Quảng Nam) trong cuộc khởi nghĩa vua Duy Tân năm 1916 đã được các tác giả Lưu Anh Rô, Nguyễn Trương Đàn đề cập trong cuốn sách “Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ” (NXB Đà Nẵng, 2023).

Theo đó, ở mục “Hồ sơ lưu trữ” do các tác giả khai thác tư liệu của Pháp, trong phần “Bản khai của Phan Thành Tài”, lấy cung vào các ngày 22 và 23-5-1916, nêu rõ: “Sau đây là danh sách những người chịu trách nhiệm mộ lính ở các địa phương: (...) tại phủ Điện Bàn: - Nguyễn Trình, làng Bảo An Tây - Phan Khôi, làng Phong Thử”. Cùng với đó, là “việc phân chia các cánh quân như sau” (...): Phan Khôi, Hồ Tấn người làng Hà Mật, Xã Trì, người làng Hương Quế, huyện Quế Sơn ở tỉnh thành La Qua...".

Nói thêm, trong bài viết “Kỷ niệm 100 năm khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân (1916-2016) - Cuộc nổi dậy tại Tỉnh thành La Qua” của tác giả Lưu Anh Rô do Cổng thông tin điện tử Thị xã Điện Bàn đăng tải ngày 8-2-2016 có dẫn lời kể của cụ Phan Thành Tài: “… Tôi báo cho Huỳnh Côn, Xã Trị, Phan Khôi và Hồ Tân (Hồ Tấn?) đem số người có vũ trang này bố trí ở chỗ cửa Tiền, nhưng Xã Trị và Phan Khôi để số người này ở phía cửa Tả gần rừng cấm của làng La Qua. Đến 18 giờ, Phan Khôi nói với tôi là đã đưa Trần Chương vào trong thành tỉnh để báo tín hiệu. Khi tiếng súng trong thành phát ra mọi người leo thang đã đặt sẵn ở cửa Tiền để vào thành”.

Nhà báo Phan Khôi bị oan ức gì?

Trong cuốn sách “Tác phẩm Phan Khôi - sức sống diệu kỳ”, GS,TS Ngô Quang Huy cho biết, “Đang hăng hái với các hoạt động của phong trào Duy Tân thì Phan Khôi bị bắt và bị giam 3 năm tại nhà lao tỉnh Quảng Nam. Sau khi ra tù năm 1911, Phan Khôi vẫn tham gia công tác bí mật, nhưng năm 1914 ông xin thôi hoạt động chính trị và chuyển sang lĩnh vực văn học nghệ thuật.” Thế nhưng, theo tác giả cuốn sách trên, “Bước ngoặt này có thể để lại cho ông một hậu quả nghiêm trọng. Có lẽ những đồng chí của Phan Khôi trong phong trào Duy Tân không hiểu lý do Phan Khôi xin thôi hoạt động, họ cho rằng ông đã phản bội lý tưởng và phản bội đoàn thể nên họ gán cho ông những tội lỗi nặng nề.” Sự nghi kỵ này cũng được Phan Khôi nêu rõ trong bản “Tự kiểm thảo” viết năm 1953.

Tác giả Ngô Quang Huy dẫn nội dung bài viết “Một nhà nho “tiết tháo”: Phan Khôi” của Phùng Bảo Thạch, nêu “3 cái tội tày trời của Phan Khôi” là “mật báo cho Pháp về kế hoạch khởi nghĩa của vua Duy Tân và các nhà yêu nước Thái Phiên, Trần Cao Vân năm 1916; làm tay sai, mật thám cho một quan chức Pháp tên là Marty; viết báo để bán mình làm tay sai cho giặc”. Còn trong bài “Ông Phan Khôi” đăng trên báo Văn ở Sài Gòn năm 1960, tác giả Hồng Tiêu cho biết, ông được một nhà cách mạng lão thành có trực tiếp tham gia cuộc binh biến năm 1916 kể lại như sau: “Trong cuộc khởi nghĩa của đức vua Duy Tân, ông Phan Khôi cũng giữ một vai tuồng trọng yếu. Việc toàn quốc thì do hai ông Thái Phiên, Trần Cao Vân sắp đặt, mà việc Quảng Nam thì do nhà tân học Lê Đình Dương và các vị sĩ phu khác chủ trì.

Đến ngày Tam Kỳ nổ tiếng súng đầu tiên, ông Phan Khôi, cảm thấy trước sự thất bại, nên tới khuyên Lê Đình Dương xuất thú, để bảo vệ sinh mạng của mình. Nhưng ông Dương nhất định giữ lấy cái chết, không nghe lời. Túng quá, ông Khôi phải tìm cách tự cứu lấy mình. Ông xuống thẳng tòa sứ, xin vào yết kiến viên Công sứ, đúng lúc viên này đã đi Tam Kỳ. Ông liền nhờ một ông Phán chép vào một mảnh giấy rằng: ngày này và giờ này, có ông Phan Khôi đến xin yết kiến. Chính mảnh giấy đó, về sau, đã cứu cái đầu ông Phan Khôi, cũng chính mảnh giấy đó đã cắt đứt sợi dây liên lạc giữa ông Phan Khôi và đám sĩ phu Quảng Nam”.

GS, TS Ngô Quang Huy nhận định: “Việc tin đồn Phan Khôi liên quan đến cuộc khởi nghĩa năm 1916 có thể do sự nghi kỵ của các nhà cách mạng sau khi Phan Khôi thôi hoạt động cách mạng năm 1914, hoặc có thể do mật thám Pháp tung ra để làm mất uy tín Phan Khôi và chia rẽ nội bộ phong trào cách mạng.”

“Giải mã” nỗi oan từ sự khác nhau giữa hai  ông Phan Khôi

Để làm rõ là sự khác nhau giữa ông Phan Khôi làng Phong Thử (xã Điện Thọ) và nhà văn, nhà báo Phan Khôi làng Bảo An (xã Điện Quang), GS,TS Ngô Quang Huy đề nghị gọi ông Phan Khôi làng Phong Thử là chí sĩ Phan Khôi, vì ông tham gia cuộc khởi nghĩa Duy Tân, để phân biệt với nhà báo Phan Khôi. Hai xã Điện Thọ và Điện Quang cùng thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Tác giả căn cứ trên mối quan hệ của ông Phan Thành Tài với 2 ông Phan Khôi để phân tích rõ vấn đề này. Theo đó, về quan hệ giữa ông Phan Thành Tài với nhà báo Phan Khôi: Ông Phan Thành Tài và nhà báo Phan Khôi cùng ở làng Bảo An, thuộc họ Phan phái Nhì, đời thứ 13. Ông Phan Thành Tài sinh năm 1878 còn nhà báo Phan Khôi sinh năm 1887. Ông Phan Thành Tài lớn tuổi hơn nên ông là thầy giáo dạy tiếng Pháp cho nhà báo Phan Khôi.

Ông Phan Thành Tài cũng chắc chắn biết rõ chí sĩ Phan Khôi vì chí sĩ Phan Khôi hoạt động dưới sự chỉ đạo của ông Phan Thành Tài như trong lời khai của ông Phan Thành Tài. Ngoài ra, ông Phan Thành Tài còn làm giáo viên và hiệu trưởng trường nghĩa thục Diên Phong ở làng Phong Thử, xã Điện Thọ, quê của chí sĩ Phan Khôi. Như vậy khi ông Phan Thành Tài viết trong lời khai về ông Phan Khôi làng Phong Thử, xã Điện Thọ không thể có việc nhầm lẫn với ông Phan Khôi làng Bảo An, xã Điện Quang được. Vì vậy chí sĩ Phan Khôi và nhà báo Phan Khôi là 2 người khác nhau. Do đó, nhà báo Phan Khôi không tham gia cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916, đúng như ông đã viết trong hai bài báo “Địa vị của Thái Phiên và Trần Cao Vân trong cuộc biến ở Huế năm 1916” năm 1936 và “Duy Tân khởi nghĩa” năm 1955.

Qua các nội dung trên, có thể thấy căn nguyên những nỗi oan ức, nghi kỵ đối với nhà báo Phan Khôi; đồng thời từ đó cũng gợi mở ra vấn đề, cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu về một chí sĩ Phan Khôi đã tham gia cuộc khởi nghĩa vua Duy Tân năm 1916 tại Quảng Nam để làm rõ hơn nhân vật này.

ANH QUÂN

;
;
.
.
.
.
.