Kỳ nghỉ hè năm 1966, tôi lặng lẽ giã biệt Hội An, giã biệt Trường Trung học Trần Quý Cáp cùng bao bạn bè, người thân... để về quê. Lúc ấy, Hội An ngày càng ngột ngạt bởi không khí chiến tranh. Những đồn bót, trại lính Mỹ - ngụy ken dày, nơi xuất phát nhiều cuộc hành quân càn quét các vùng giải phóng lân cận, trong đó có Điện Dương quê tôi.
Tổng Thư ký hội Nhà báo Việt Nam Lưu Quý Kỳ (người ngồi giữa hàng thứ 2) cùng cán bộ, phóng viên Báo Quảng Nam - Đà Nẵng (tháng 12-1977). Ảnh: LÊ TOÀN |
1. Phải nghỉ học về quê, bởi nếu ở lại Hội An, trường hợp của tôi lúc đó chẳng khác gì "cá nằm trong chậu", vì bọn hội đồng xã lưu vong đều biết rõ quan hệ gia đình tôi với cách mạng. Lưu luyến trường lớp, thầy cô, bạn bè, những ngày cuối cùng tôi lang thang qua từng con phố nhỏ, dừng lại vài phút ngắm nghía những địa chỉ thường tới lui như nhà sách Bình Minh trên đường Cường Để (nay là Trần Phú), nhà sách Nhất Tiếu, chùa Ông, bất chợt nghe giọng ca sĩ Thanh Thúy trầm buồn với nhạc phẩm “Biệt kinh kỳ” mà thấy lòng ngổn ngang bao suy nghĩ. Phố nhỏ, đường nhỏ, tình cờ gặp mấy thằng bạn bảo: “Sao thấy mi lớn phổng?”, tôi càng thêm lo cho chuyện bị bắt đi lính không biết ngày nào!
Ngày càng nhiều những cuộc hành quân đánh phá, vây bắt của quân viễn chinh Mỹ từ Đà Nẵng vào, của quân ngụy từ Hội An ra, làng xóm quê tôi chiến tranh thêm ác liệt. Nhà tôi vừa bị đốt cháy, thì tiếp đến anh trai tôi hi sinh trên đường công tác. Chưa hết, mấy tháng sau, giọt máu duy nhất còn lại của anh đã không thể chào đời vì sinh khó. Cả nhà tôi chung một nỗi đau quặn thắt. Mẹ dẫn tôi chạy vòng vèo lách tránh những đợt quân địch vây ráp, tôi tỏ bày với mẹ ý nguyện muốn vào bộ đội thị xã để được trực tiếp cầm súng chiến đấu giết giặc trả thù cho cha, cho anh. Ngày lại ngày mẹ yên lặng, dẫn tôi vượt thoát những trận càn quét, vượt qua nhiều hiểm nguy. Và cứ thế, tôi đã được thử thách luyện rèn.
Đầu năm 1967, vào một đêm tối trời sau Tết Đinh Mùi, mẹ tiễn tôi đến bến đò Ba Giác (An Bàng, Cẩm An) và dặn: “Con ra đi hữu thân, hữu khổ, phải cố gắng để nên người...". Chia tay con, mẹ không rơi nước mắt. Nhưng phải chăng mẹ đã nuốt nước mắt vào lòng. Và tôi hiểu giờ mẹ phải cắt núm ruột mình để trao đứa con trai cuối cùng cho cách mạng. Theo giao liên đêm đi, ngày nghỉ, tôi và ba người bạn cùng quê Lê Văn Nhành, Phạm Thanh, Phạm Lý được đưa về Ban Tuyên huấn Quảng Đà đang đóng ở xã Lộc Thành (nay là xã Đại Thạnh), còn gọi là vùng B Đại Lộc. Vài ngày sau, tiếp tục sang phía Hà Nha, vượt dốc An Định để vào biên chế Nhà in Giải phóng Quảng Đà, đóng ở một vùng núi gần Phú Bảo, huyện Hiên (nay là huyện Đông Giang).
2. Gần 10 năm, đồng chí, đồng đội với tình cảm cách mạng chân thành, tạo điều kiện cho tôi phấn đấu rèn luyện trong môi trường tập thể giữa thời chiến tranh gian khổ và ác liệt. Trong bộn bề kỷ niệm vui, buồn những năm tháng làm công nhân nhà in Giải phóng Quảng Đà, tôi nhớ có lần phải thức dậy từ rất sớm mang theo súng, cơm vắt và muối hầm, đi bộ cả buổi đường, vượt dốc cao, suối sâu, luồn rừng qua khu vực thường có “Mỹ lết”, để đến Ban Tuyên huấn nhờ anh Hồ Hải Học, anh Nguyễn Đình An cắt bớt chừng hơn 30 chữ nội dung bài xã luận vì khi sắp chữ lên khuôn theo ma-két bị thừa, mà khâu xử lý kỹ thuật tại nhà in đã “hết cách”. Những chuyến đi như thế đâu chỉ mất thời gian và công sức mà đôi khi phải hy sinh cả xương máu, tính mạng của mình.
Sau năm 1975, từ nhà in, tôi chuyển về Báo Quảng Nam - Đà Nẵng. Đang yên tâm với nhiệm vụ tổ chức - trị sự, tôi được Ban biên tập chuyển sang làm phóng viên tập sự. Bài báo đầu tiên được đăng là câu chuyện cảnh giác có tít đề: “Chuyện bất ngờ của một vụ án”. Nội dung bài báo kể lại việc một anh cán bộ bị mất chiếc xe đạp hiệu “Phượng Hoàng” mang từ miền Bắc về (phương tiện tài sản quý hiếm lúc bấy giờ). Thủ phạm là một bé gái lang thang ăn xin tại khu vực Chợ Cồn. Thời gian sau đó, tôi theo học hai năm lớp quản lý kinh tế nông nghiệp tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc 4, từ đó những bài báo tiếp theo tôi thường viết về đề tài nông nghiệp, nông thôn và đặc biệt phong trào hợp tác hóa nông nghiệp đang sôi động ở tỉnh nhà.
Hơn 30 năm theo nghề, tôi không nhớ đã viết bao nhiêu bài báo, bao nhiêu nhọc nhằn gian khổ mình đã trải qua. Nhưng có một điều chắc chắn là đề tài về nông nghiệp chiếm số lượng lớn. Nghề báo là một nghề nguy hiểm, tôi từng có lần bị hăm dọa, đuổi đánh và “bi hài” hơn nữa là rơi vào tình cảnh như con cá nằm “trên thớt dưới dao”. Vì thế, tôi nghĩ người làm báo ít nhiều phải có “khiếu” và cả sự gan dạ, lòng tin, sự dấn thân. Trong “khiếu” này có cả khối óc, đôi mắt nhìn xa, thấy được những điều nên, không nên viết và biết rung cảm trước cái hay, cái đẹp… Cái “khiếu” đó là trời cho, nhưng cũng có phần do mình học hỏi, tạo ra trong quá trình làm nghề.
3. Làm báo cần yêu nghề và lao động hết mình, thậm chí phải khổ công rèn luyện. Với riêng tôi, đó là hành trình đi nhiều, nghĩ nhiều và cố gắng viết nhiều để nâng cao tay nghề. Được cùng nhà báo kỳ cựu Tạ Xuân Linh theo dõi mảng nông lâm - thủy lợi, tôi học ở anh sự “tự thân vận động” lao vào cuộc sống, từ chịu khó học, khai thác tư liệu đến cách hành văn, dùng ngôn ngữ, chi tiết… Thấy mục “Người thăm đồng” do anh phụ trách được nhiều bạn đọc yêu thích, tôi mạnh dạn thử sức mình với các bài viết: “Thủy lợi hóa thủy hại!”, “Nên hay không làm lúa vụ đông?”, "Khu đất hình dấu?”. Ở chuyên mục “Người dọn phố”, tôi có bài “49 gặp 50” hay “Tại mình tại ả, tại cả đôi bên…” với lời văn ngắn gọn, dí dỏm, chân thực. Tôi nhận thấy mình là người chịu khó viết, viết bằng sự rung cảm trái tim. Cùng chia sẻ cái lo của nhà nông khi cây lúa gặp thời tiết rét lạnh kéo dài, lúc gánh chịu nắng hạn thiếu nước bởi gió Tây Nam khô nóng, hoặc khi mưa lũ ngập đồng…
Đầu năm 1997, với sự kiện tái lập tỉnh, Báo Quảng Nam ra đời, tôi cùng 14 anh chị em được phân công xây dựng và phát triển tờ báo Quảng Nam. Sau 27 năm, cùng với sự đi lên của đất nước, Báo Quảng Nam và Báo Đà Nẵng đều có sự phát triển không ngừng. Một lực lượng người làm báo đông đảo được đào tạo chính quy, bài bản, thực hiện thành thạo công nghệ làm báo với sự hỗ trợ của nền tảng internet, chuyên nghiệp và hiện đại hơn. Nhưng tôi nghĩ trong nghề báo, để thể hiện “ưu thế” của báo chí, công nghệ cũng chỉ là phương tiện, quyết định vẫn là con người - những nhà báo có lương tâm và trách nhiệm xã hội, có lý tưởng đấu tranh, kinh nghiệm, sự từng trải, sự đam mê nghề nghiệp.
Để có được những điều ấy, người làm báo phải thường xuyên rèn luyện, trau dồi, bổ sung kiến thức từ thực tiễn. Có người bảo tính cách quyết định số phận, còn tôi hằng tâm niệm cần sống chân thật với mọi người. Bởi cuộc sống có nhiều điều quan trọng hơn của cải, vật chất. Tôi không từ chối cuộc sống đầy đủ, giàu có, nhưng bản thân đã trải qua thời kỳ khó khăn để có thể chấp nhận và vượt qua cám dỗ. Dấn thân theo nghề báo yêu cầu đó càng bức thiết hơn. Bởi chỉ có chân thành với nhân dân, với bạn bè đồng nghiệp, đoàn kết gắn bó thì mới nhận được sự tin cậy, được họ cung cấp những tư liệu thật, để quá trình tác nghiệp tránh được những méo mó sai lệch, từ đó được sống trọn vẹn với nghề.
Nghỉ hưu đã 15 năm, thỉnh thoảng tôi vẫn cố gắng viết những điều mình thích, như một sự “tồn tại”. Nếu có thêm cuộc đời nữa, tôi vẫn theo nghề báo. Bởi với tôi, đó là một nghề hạnh phúc và có nhiều niềm vui.
Sau 27 năm, cùng với sự đi lên của đất nước, Báo Quảng Nam và Báo Đà Nẵng đều có sự phát triển không ngừng. Một lực lượng người làm báo đông đảo được đào tạo chính quy, bài bản, thực hiện thành thạo công nghệ làm báo với sự hỗ trợ của nền tảng internet, chuyên nghiệp và hiện đại hơn. Nhưng tôi nghĩ trong nghề báo, để thể hiện “ưu thế” của báo chí, công nghệ cũng chỉ là phương tiện, quyết định vẫn là con người - những nhà báo có lương tâm và trách nhiệm xã hội, có lý tưởng đấu tranh, kinh nghiệm, sự từng trải, sự đam mê nghề nghiệp. Để có được những điều ấy, người làm báo phải thường xuyên rèn luyện, trau dồi, bổ sung kiến thức từ thực tiễn. |
ĐINH VĂN MÃNH