Tất cả người lớn đều từng là trẻ con nhưng rất ít người nhớ được điều đó (Hoàng tử bé). Thật vậy, trong mỗi người chúng ta ai cũng đều trải qua những năm tháng tuổi thơ chân đất đầu trần, chăn trâu cắt cỏ nhưng rồi khi lớn lên những cơm áo gạo tiền, những vất vả mưu sinh khiến tâm hồn chúng ta cằn cỗi đi, quên mất mình từng có những năm tháng quẩn quanh đồng làng bùn đất, quẩn quanh những gà vịt, ngan ngỗng… Và chính tôi cũng vậy, cho đến khi tôi đọc Vua Ngan xóm Hồ (NXB Kim Đồng, 2024) của nhà văn Uông Triều.
Vua Ngan xóm Hồ là tập truyện dài thiếu nhi lọt vào top 10 chung khảo của Giải Dế Mèn lần thứ 4-2023 do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức. Ấn tượng đầu tiên của tôi là bìa sách đẹp, hình ảnh minh họa in màu sống động, cuốn hút. Tôi nghĩ điều này là điểm cộng của cuốn sách bởi sách viết cho thiếu nhi cần sự trực quan sinh động như vậy mới có thể hấp dẫn trẻ con say mê đọc và nâng niu, giữ gìn.
Câu chuyện xoay quanh vị Vua không ngai - Vua Ngan, được chính cư dân xóm Hồ suy tôn. Vua Ngan là một người nghĩa hiệp, trượng phu, hay giúp đỡ kẻ yếu, bảo vệ bình yên của xóm Hồ với “đông đảo gà, vịt, ngan, chim sẻ, bồ câu... Dưới hồ nước thì đủ loại cá, tôm... Trên bãi cỏ lại đầy cào cào, châu chấu, cóc, nhái, chuồn chuồn...”. Xóm Hồ chính là thế giới thu nhỏ đầy màu sắc với đủ cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố. Ở đó có sự yêu thương nhau, quan tâm nhau, giúp đỡ lẫn nhau nhưng cũng có sự ganh ghét, tranh đua nhau, hãm hại nhau. Tất cả tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn của Vua Ngan xóm Hồ.
Cái tài của nhà văn Uông Triều chính là ở chỗ quan sát kỹ càng, miêu tả tỉ mỉ. Những nhân vật trong tác phẩm hiện lên vô cùng sinh động với những đặc điểm riêng của từng giống loài mà không phải ai cũng có thể miêu tả được. Đó là một Vua Ngan với “dáng đi lạch bạch, tốc độ chậm, cần cổ nghểnh cao, tiếng khàn khàn”. Đó là một Gà Trống lịch lãm, phong độ có tiếng gáy oai lắm, vang lắm. Đó là một Mái Mơ từng là hoa khôi của xóm Hồ với bộ cánh óng ả, mịn màu nhất, chẳng ai mượt mẩy bằng, cái đuôi duyên dáng điệu đà đến cái cổ lóng lánh nhiều màu sắc. Đó là lão Rắn Hổ Mang "mốc meo, thân dài gần bằng chiếc đòn gánh, mình đen, bụng có những khoang trắng trông rất hiểm ác".
Đó là một gã Cá Trê cục mịch dữ tợn, “đầu cứng như đá, nổi tiếng với cú đánh ngạnh sắc kinh hoàng”. Đó là một chú chó Mực bé tí, “lông đen tuyền, mắt tròn toe hoe nhưng tính tình thì lấc khấc, hay trêu chọc các loài vật khác”. Đó là một Diều Hâu - “kẻ săn mồi đáng sợ, ưu thế của Diều Hâu là ở trên cao, tốc độ cao, mắt tinh như ống nhòm, mỏ cứng như thép và móng vuốt như lưỡi câu”. Đó là cô Mèo Mướp đanh đá, hiếu thắng nhưng cũng không kém phần đỏm dáng… Tôi đồ rằng khi đọc những dòng miêu tả này của nhà văn ngay cả những bạn nhỏ chưa từng tiếp xúc với các loài vật ấy cũng sẽ hình dung ra được dáng vẻ, tính cách của từng loài.
Ngoài cách miêu tả những loài vật một cách tài tình, chân thực trong Vua Ngan xóm Hồ còn có nhiều phân đoạn gay cấn, hấp dẫn, cuốn hút người đọc. Độc giả hồi hộp chờ đợi kết quả cuộc hòa giải mâu thuẫn bất phân thắng bại của Gà Trống và cậu Gà Choai, cuộc giải cứu chị Mái Mơ bị đuối nước, Ngan Tồ bị gã Cá Trê bắt cóc thoát khỏi hiểm nguy. Những trận chiến đấu giữa Vua Ngan với Rắn Hổ Mang, Cá Trê, Diều Hâu, gã Chồn được nhà văn kể lại hết sức sinh động, bất ngờ với nhiều tình tiết lôi cuốn, kịch tính. Với lối hành văn rất hoạt, lời thoại có sức hút khiến người đọc không thể rời ra được.
Những nhân vật trong Vua Ngan xóm Hồ được nhân cách hóa, dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn Uông Triều từng con vật hiện lên với đầy đủ tính cách của con người. Xóm Hồ như một thế giới loài người thu nhỏ có bình yên, có nguy hiểm chực chờ. Những con vật có cả tính tốt tính xấu đan xen nhau ví như anh Gà Trống ghen tị với tiếng gáy của Trống Choai, chó Mực và Mèo Mướp tranh công nhau nhưng hơn hết khi cần chống lại kẻ thù thì chúng lại đoàn kết, hỗ trợ nhau, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ bình yên của xóm Hồ. Thông qua từng câu chuyện, tác giả muốn bồi đắp cho các em lòng nghĩa hiệp, sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ người khác.
Nhà báo Công Bắc từng nhận xét: "Tưởng như Vua Ngan xóm Hồ với những kỳ vọng giáo dục của tác giả sẽ khiến truyện đọc trở nên nặng nề. Nhưng không, Uông Triều đã có cách trình hiện thông điệp phù hợp, khéo léo. Không trực diện, khiên cưỡng, các bài học đạo đức được hiển lộ từ diễn biến của tình huống truyện với giọng văn hài hước, mềm mại và dễ chịu. Trong đó, tác giả chú trọng đến yếu tố thoại, mô tả hành động thay vì suy nghĩ của nhân vật". Và tôi cho rằng đó là thành công của tác giả khi viết cho lứa tuổi thiếu nhi - một mảng văn học mà các nhà văn Việt đang bị yếu thế.
Nếu bạn muốn tìm lại tuổi thơ đã mất hãy đọc Vua Ngan xóm Hồ, nếu bạn muốn giữ gìn tuổi thơ cho con hay giúp con hiểu hơn về thế giới loài vật, về những bài học đoàn kết, nghĩa hiệp, biết giúp đỡ lẫn nhau, hãy đọc Vua Ngan xóm Hồ. Và hãy để thế giới loài vật trong Vua Ngan xóm Hồ đánh thức tâm hồn trong trẻo, trẻ thơ trong mỗi chúng ta.
LAM KHUÊ