Dấu xưa Trúc Hà

.

Có một làng quê nằm bên dòng Vu Gia, chẳng những gắn liền với truyền thuyết về vị vua tương lai của triều Nguyễn trong những tháng ngày bôn tẩu “ngàn cân treo sợi tóc” mà còn liên quan đến sự tồn vong của đất Quảng một thời chinh chiến…

Ngày 14 tháng Giêng âm lịch hằng năm, dân làng Trúc Hà tổ chức cúng tế tại miếu Ngũ hành Tiên nương. Ảnh: V.T
Ngày 14 tháng Giêng âm lịch hằng năm, dân làng Trúc Hà tổ chức cúng tế tại miếu Ngũ hành Tiên nương. Ảnh: V.T

Lưu danh sử sách

Trước Cách mạng tháng Tám 1945, Trúc Hà (còn gọi là Trước Hà) là xã (làng) thuộc tổng Đức Thượng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, nay thuộc xã Đại Hưng.

Tương truyền, sau khi quân chúa Trịnh do danh tướng Hoàng Ngũ Phúc chỉ huy đánh chiếm Phú Xuân (Huế), Định vương Nguyễn Phúc Thuần cùng người cháu là Nguyễn Phúc Ánh chạy vào Quảng Nam bằng đường bộ thì gặp cánh quân của Tây Sơn do nữ đô đốc Bùi Thị Xuân chỉ huy truy sát. Một lần, khi quân của Định vương từ Hóc Tướng vượt qua sông Con thì gặp một cánh đồng thuộc làng Trúc Hà bây giờ, ở đó có năm người phụ nữ đang cấy lúa; hỏi đường thì được họ chỉ đi theo hướng tây. Quân Tây Sơn kéo tới tiếp sau đó cũng hỏi đường, họ lại chỉ sang hướng khác. Khi biết bị lừa, quân Tây Sơn quay lại giết chết năm người đàn bà.

Về sau, khi thống nhất giang sơn, nhớ ơn những người đã cứu mạng mình, vua Gia Long sắc phong cho năm bà là Ngũ hành Tiên nương; cho xây một ngôi miếu tại nơi họ tử nạn. Hằng năm, vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch, dân làng Trúc Hà tổ chức cúng tế tại miếu Ngũ hành Tiên nương long trọng.

Trúc Hà xưa vốn là một trong “Chín xã sông Con”- trải dài từ xã Đại Lãnh tới xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc ngày nay. Ai về Chín xã sông Con/ Hỏi thăm Tú Đỉnh có còn hay không? Câu ca ấy nhắc nhớ về căn cứ thứ hai của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam cuối thế kỷ XIX, sau Trung Lộc (nay thuộc huyện Nông Sơn), do Tán tương quân vụ Trần Đỉnh (còn có tên gọi Tán Thừa), quê làng Gia Cốc, tổng Phú Mỹ, huyện Duy Xuyên, nay thuộc thôn Gia Huệ, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, chỉ huy. Từ căn cứ địa Chín xã sông Con, nghĩa quân đã xuất kích, tổ chức những trận đánh Pháp oanh liệt trên cánh đồng Gia Cốc (vùng B Đại Lộc) hay Trà Kiệu (huyện Duy Xuyên), khiến quân thù nhiều phen thất điên bát đảo.

Làng Trúc Hà xưa từng có một ngôi đình lớn, khang trang, uy nghiêm - Đình Trung, được xây dựng vào thời vua Minh Mạng. Đây là một trong bảy công trình văn hóa, lịch sử của làng, tạo thành một quần thể di tích độc đáo khó tìm thấy ở các làng khác trong vùng.

Đình Trung cấu trúc gỗ lim, trính kèo thuộc hạng danh mộc được khắc chạm tinh xảo. Tường xây gạch, mái lợp ngói âm dương, chiều dài 12m, rộng 9m; chia làm 3 gian 2 chái. Đình thờ 4 cấp: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần, Hạ đẳng thần và Nhân hiển thần. Chính diện thờ Thành Hoàng; 2 gian thứ thờ các vị tiền bối hữu công; 2 gian chái thờ những vị có công với làng, với dân. Trung đình là nơi tế tự trong lễ hội. Tiền đình (sảnh) là nơi sinh hoạt, hội họp của các chức sắc trong các ngày đại lễ.

Đình Trung là nơi diễn ra các hoạt động tâm linh của nhân dân địa phương trong việc tế lễ hằng năm. Thời chín năm chống Pháp, Đình Trung là “bản doanh” của chi bộ xã Đại Lãnh và cũng là nơi huyện đội Đại Lộc tổ chức huấn luyện cho lực lượng vũ trang xã Đại Lãnh để bảo vệ vững chắc căn cứ Hồng - Lãnh, một an toàn khu, nơi đứng chân của các cơ quan cấp huyện, tỉnh, khu vực, của các đơn vị bộ đội địa phương.

Các đại biểu bên cây đa cổ thụ hơn 200 năm tuổi tại Đình Trung. Ảnh: V.T
Các đại biểu bên cây đa cổ thụ hơn 200 năm tuổi tại Đình Trung. Ảnh: V.T

Dưới bóng Cây Di sản

Theo các vị cao niên làng Trúc Hà, có một cây đa được trồng vào thời điểm hoàn thành xây dựng Đình Trung, nằm ở vị trí phía đông của đình. Như vậy, tuổi thọ của “cụ” cây đã ngót nghét hai thế kỷ. Hiện gốc rất to, tán rộng khoảng 40m, cao khoảng 30m, nhiều rễ lớn. Cây đa Đình Trung gắn liền với nhiều sự kiện văn hóa tín ngưỡng - tâm linh ở làng Trúc Hà cùng các nghi lễ, các hoạt động văn hóa - văn nghệ.

Điều khá lạ và khó lý giải là trải qua chiến tranh, liên tục bị bom đạn cày xới, Đình Trung bị phá hủy hoàn toàn, song cây đa cổ thụ bên cạnh vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” và xanh tốt đến tận ngày nay.

Có lẽ ít ai ngờ, dưới bóng đa Đình Trung ngày ấy từng có một cậu bé chăn trâu cắt cỏ nhưng rất hiếu học - Đặng Huy Huỳnh. Đặc biệt, cậu rất yêu thiên nhiên, cây cối. Để rồi, sau này, như một cơ duyên, cả cuộc đời học tập, nghiên cứu khoa học đều gắn liền với đam mê này, được ngợi ca là “một đời người - ngàn rừng cây”. Khi mới 14 tuổi, Đặng Huy Huỳnh gia nhập quân ngũ.

Từ đó cho đến hết cuộc kháng chiến chống Pháp, sống và chiến đấu ở chiến trường khu 5 và Hạ Lào, ông hầu như chỉ ở trong rừng. Yêu rừng nên ông chọn gắn bó với lĩnh vực đa dạng sinh học và môi trường sau khi xuất ngũ.

Đặng Huy Huỳnh được Nhà nước cử đi học, đào tạo ở trong nước và nước ngoài, làm nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Tiến hóa hình thái Seversov Moskva thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Khi về nước, ông làm Phó Viện trưởng rồi làm Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam.

Từ năm 1990 đến nay, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh liên tục là Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam.

Ông đã hai lần được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.
Năm 2017, Đặng Huy Huỳnh là người Việt Nam đầu tiên được vinh danh Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN vì có nhiều đóng góp cho đa dạng sinh học ASEAN thông qua các hoạt động, những sáng kiến của mình, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khu vực.

Tháng 6-2023, cây đa cổ thụ hơn 200 năm tuổi tại Đình Trung gắn với tuổi thơ của người anh hùng đất Trúc Hà được vinh danh “Cây Di sản Việt Nam”.

VÂN TRÌNH

;
;
.
.
.
.
.