Đoạn đường mồ côi

.

Năm đó chị 44 tuổi.

Tuổi đó, phụ nữ thường vẫn còn rất mặn mà. Lẽ ra chị cũng được như thế. Vậy mà hai con mắt chị quầng thâm tối đen. Tóc rụng xơ xác. Chị thường xuyên mất ngủ. Những đêm dài trở thành nỗi ám ảnh sợ hãi. Tập thể dục, đọc sách, lướt mạng, ra cửa sổ đứng nhìn xuống đường phố… là những thứ mà một, hai giờ sáng chị còn làm. Tần ngần ngó con hẻm vắng tanh, chị nhớ góc kia có cái ghế đá, ba vẫn hay ngồi mỗi sớm mỗi chiều. Khi chị chạy xe ngang, vẫn hay chậm lại, kêu lên một câu rằng, “ba về nhà đi”, hoặc “ba về ăn cơm tối thôi, cho nóng”…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chị nói với Liên, cô bạn thân, là dạo này mình cảm thấy thiếu ăn thế nào ấy. Liên cực kỳ ngạc nhiên, hỏi chị muốn ăn gì thì cùng ghé quán ngay và luôn thôi, sao phải khổ thế! Thời buổi này rồi mà có người bảo thiếu ăn, thì thật khó hiểu nè trời! Chị cười như mếu, bảo thực ra trong bếp đôi khi còn thừa mứa. Chỉ là cảnh nhà vắng vẻ quá, buồn quá. Lũ trẻ đi học, đi làm thêm, đi chơi với bạn, đi tập thể thao… có mấy khi thấy mặt. Về tới nhà là chui vào phòng riêng, chốt cửa lại. Tới bữa gọi mãi mới thò đầu ra, nhấm nhẳng nói, con không đói, mẹ phiền ghê, mẹ cứ ăn đi! Hoặc có khi chúng xuống úp mì tôm, bới một tô cơm rồi nhanh chóng bưng lên phòng… Hồi còn ba, bếp hầu như ngày nào cũng đỏ lửa. Còn ba, còn bữa cơm nhà, không như bây giờ. Chẳng phải cao sang gì nhưng vẫn đầy đặn, cá kho, thịt kho, khổ qua xào trứng, canh chua bắp chuối bào sợi, dưa cải muối xổi vàng ươm trong hũ… Chị nhớ cái bàn ăn hình tròn, ba vẫn hay ngồi ở vị trí sát tường, có lúc kiểm đếm mớ thuốc thang của người già. Ba đi khuất, cảnh ấy, mới đây thôi mà trở nên xa xôi vĩnh viễn không gặp lại.

Những đêm mất ngủ ấy khiến chị nghĩ rằng bản thân có lẽ đang bị ông trời trừng phạt. Lỗi là của chị. Chị ham ngủ quá nên bây giờ phải thức để day dứt. Lẽ ra tối hôm đó chị đừng đi đám cưới, chị đừng ăn nhiều bánh ngọt rồi ngủ ngon lành như thế. Để khi chị thức dậy, ba đã quá mệt, nhưng không nỡ làm phiền con cái giữa đêm khuya… Trên chuyến xe cấp cứu vội vàng, nước mắt chị cứ thế mà rơi ra, không sao kìm nén được. Chị tự dưng muốn nói với với ba rằng, “ba đừng sợ, có con đây”, mà lời lẽ cùng với giọng nói dường như đã biến đâu mất biệt.

Chị chưa từng nghĩ, ba mình rồi sẽ rời đi nhanh và đột ngột đến thế. Nhiều người bệnh đó họ vẫn có thể sống thêm dăm ba năm thậm chí chục năm cơ mà. Ngay cả lúc một người bà con làm trong ngành y đến thăm và nói nhỏ với chị: Chú nghĩ ba con không qua được năm nay đâu. Chị đã bật cười không tin:

- Chú đùa à!

Chị gởi ba tại một ngôi nhà thờ nhỏ ở ngoại ô thành phố, có khuôn viên xanh bóng cây. Nơi ấy, xưa những dịp lễ lớn ba mới đi tham dự. Chị tự an ủi rằng, giờ đối với ba thì ngày nào cũng là lễ lớn, được thong thả nằm nghe kinh kệ rồi. Dù mỗi lần thắp nhang lên bàn thờ ba, chị lại muốn khóc. Ngày mất ba, chị mới thật sự nhận ra chồng mình cũng từng mồ côi cả cha lẫn mẹ, điều mà trước đây chị chỉ nhìn thấy bằng lý trí, chưa đủ để thấu hiểu. Giờ, chị mới thấm thía việc chồng mình chỉ còn vợ và con là những người thân nhất trên đời, hãy dịu dàng với anh nhiều hơn. Không còn ba mẹ để dựa dẫm, tủi hờn, yếu đuối, phận làm con chỉ đành gắng gượng cứng cỏi đi tiếp con đường của mỗi người…

Chị nhẹ nhàng khuyên Liên hãy cố gắng làm những điều có thể, khi còn có thể. Nhân gian này, rất nhiều thứ mình có thể bù đắp, thay đổi được, ngoại trừ sự mất mát sinh tử. Đừng để bản thân phải hối tiếc nói lên hai chữ “giá mà”. Đó là khi Liên phân vân có nên đi thăm người mẹ năm xưa đã bỏ rơi Liên để đi theo người đàn ông khác. Mặc kệ cha con Liên thui thủi trong căn nhà trống trước hụt sau. Tới khi Liên lớn lên, trưởng thành ổn định rồi, người mẹ ấy bỗng tìm tới, nói lời xin lỗi, muốn Liên gọi một tiếng “mẹ”. Liên bảo, nhiều khi cũng muốn quên nổi giận hờn tủi thân ngày thơ bé để chăm sóc mẹ nhưng sao khó quá! Không còn giận mẹ, nhưng xem như chẳng có chuyện gì thì Liên không thể…

Chiều nay chị rủ Liên cùng đi thăm ba. Ghé tiệm hoa ven đường khi mua một chậu hoa dành dành trắng muốt, chị kể, xưa trong sân nhà có trồng loại hoa này, tỏa hương thơm nức. Liên thắp hương xong thì một mình tần ngần trong sân thánh đường. Qua làn khói hương, chị kể với ba rằng bé Su mới đậu tuyển sinh vào lớp 10, trường tốt lắm. Chị Xíu nay cũng ngoan hơn nhiều rồi. Sau những câu chuyện vu vơ nhỏ nhặt ấy, tay chị chạm khẽ vào khuôn hình, nhớ ba đến xót lòng.

Hai người phụ nữ lặng lẽ trên đoạn đường về. Chẳng biết Liên nghĩ gì, còn chị mải miết hồi tưởng về hôm qua, hôm nay và lo cả mai này. Chị nhớ những lần ba mình chờ cơm, những hôm chị tan ca mỏi mệt cáu bẳn, mắng con, dằn hắt với cả nhà, mà lý do đôi khi chỉ vì lũ trẻ bày bừa hoặc quần áo chưa kịp phơi... Chị ước gì thời gian quay trở lại, để chị kiên nhẫn hơn, dễ dàng hơn, nhẹ nhàng hơn, bao dung hơn.

Tiếc thay, người ta đâu thể nào sửa chữa lỗi lầm của quá khứ.

Đã vài năm trôi qua mà sao chị vẫn không nguôi dằn vặt mình. Mấy đứa em bảo chị đừng tự trách bản thân nhiều nữa, ba sẽ không vui đâu. Chị đã đối với ba hết lòng rồi. Những năm cuối đời ba cũng được chút niềm vui khi sống cùng con cái. Cuộc sống ở phố thật không dễ dàng gì rất nhiều áp lực bủa vây, chị đã cố gắng lắm rồi. Hẳn là ba không hề trách chị điều gì.

Chị lần giở những kỷ vật của ba. Hai chiếc ví, một đã sờn nhiều chỗ, cộng với một chiếc ví da rất mới. Phải nói là mới tinh. Chị nhớ đã dặn kỹ rằng, ba hãy thay cho cái bóp tiền đang xài đã quá cũ. Thế nhưng người già hay để dành, hay tiếc của, hay cho rằng những thứ đang dùng vẫn còn rất tốt, đâu cần lãng phí tốn kém. “Đợi lúc nào có dịp rồi dùng”. Để cuối cùng cái dịp ấy không bao giờ còn kịp nữa. Điện thoại này, cũng là chị sắm cho ba, khi ba đánh mất cái di động cũ lúc đi bộ thể dục. Bữa đó, chị đã cáu gắt trước sự vụng về của một người đàn ông đã gần ở độ tuổi thất thập. Mà quên mất, ba mình cũng xót của, cũng tiếc nuối món tài sản đó, càng rón rén lúc cùng chị chọn điện thoại mới ở tiệm. Người già không nỡ tiêu tiền của con cái, càng áy náy khi làm cho con mình phải tốn kém. Đạo lý ấy, chị nắm rất rõ, mà vẫn vô tâm… Đôi khi, chị thử bấm gọi vào máy của ba, chỉ để nghe hồi chuông cũ, cảm giác quen thuộc cũ, những ngày sum vầy ấm áp cũ…

Có khi giữa đường đông đúc chị bật lên tiếng kêu “ba ơi” thật to. Hoặc chị lén thốt lên câu “Ba ơi về ăn cơm!” để lắng nghe tiếng nói của chính mình, như để vỗ về nỗi niềm thương của chính mình. Những vụn vặt đơn giản thế thôi, mà với chị không bao giờ còn cơ hội nữa.

Hôm nay, chị có cuộc hẹn công việc đến ngôi nhà kia, để tìm xin tư liệu về một ông bác đã ngoài 70. Con gái ông cụ mời chị lên lầu. Căn phòng của người già đôi chút bề bộn, nhưng dễ chịu nhờ chiếc ban công nhìn ra đường, rợp mát dưới bóng cây phượng vỹ. Chị ngồi đó, nghe thấy những trao đổi ân cần giữa hai cha con nhà họ. Tâm trạng chùng xuống, chị phải kìm nén để không bật khóc. Cảm giác như thoáng chút ganh tỵ vô lý khi chị chợt nhớ ra rằng, mình đã là một đứa mồ côi cha…

Đường về, trời đổ cơn mưa rào, chị ghé vội vào cây xăng, tình cờ đứng gần một người đàn ông trông vẻ ngoài hơi lam lũ. Trên chiếc xe máy của ông có treo một túi trứng vịt lộn, thêm một gói gì đó. Tự dưng đầu chị đoán chắc, đấy sẽ là mấy chiếc bánh bao nóng hổi. Ký ức của những ngày gia đình còn sinh sống ở quê ùa về. Mỗi chiều tan làm, ba chị có hôm mang theo bánh bao hay trứng vịt lộn, dặm thêm vào bữa cơm tối của cả nhà. Chị đó giờ luôn cho rằng đây là việc bình thường, là đương nhiên, đâu có gì đặc biệt. Chị đón nhận mà không mảy may hiểu ra, bản thân đã may mắn biết bao khi có một người cha yêu thương mình, quan tâm tới gia đình. Giống như rất nhiều đứa con khác, chị quen trách cứ về những điều mình chưa vừa ý. Cũng giống như khi bạn cho ai đó mỗi ngày một viên kẹo, liên tục trong cả 100 ngày.

Rồi chỉ cần bạn quên một ngày, họ sẽ chỉ nhớ cái ngày bạn quên cho kẹo, mà không mảy may ghi ơn về 100 được nhận ngày kia. Phải chăng những đứa con đối với cha mẹ mình cũng tương tự như vậy, vô tâm và ích kỷ? Chị bây giờ cũng đã làm mẹ của Su và Xíu, đã kịp thấm thía nỗi cô đơn, nỗi bất lực, cảm giác nén tiếng thở dài trước sự vô tâm của con cái. Những đêm dài trong căn phòng vắng vẻ, chị ước gì con mình bớt cắm cúi vào cái màn hình, để hỏi mẹ một câu rằng, sao mẹ buồn thế, sao mẹ ngủ ít thế, sao mẹ lại khóc… Mẹ nhớ ba của mẹ phải không?

Chị về đến cửa thì có tin nhắn. Liên ngập ngừng kể, hôm nay đã đến nhà mẹ... Họ nói chuyện với nhau rất nhiều. Mọi thứ hóa ra đơn giản lắm, chứ không phức tạp như bao nhiêu lần Liên đã tưởng tượng. Hóa ra tình thân ruột rà mãi mãi vẫn là một thứ tình cảm thiêng liêng khó lý giải. Chị mỉm cười với những câu chữ bối rối của Liên, tự dưng thấy lòng nhẹ hẳn. Chị bấm một câu trả lời Liên thôi, là bạn làm đúng rồi đấy!

HOÀNG MY

;
;
.
.
.
.
.