Tôi từng tham dự các hội thảo về điểm đến với du khách Nhật Bản và các tiếp xúc, chia sẻ kinh nghiệm với đại diện du lịch Nga, với giáo sư John Quelch, Hiệu phó trường Business của Harvard với các tỉnh miền Trung từ nhiều năm trước. Bây giờ, sau nhiều năm nhìn lại, mới thấy tất cả vẫn chưa có sự thay đổi nhiều...
Yên Retreat (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) sở hữu khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, yên bình cùng nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị. Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN |
Trước hết là tuy chúng ta được chia sẻ nhiều kinh nghiệm, thời gian qua đã cố gắng tiếp cận một số thị trường tiềm năng nhưng cách làm vẫn cũ. Chúng ta chưa thật bài bản tìm đến các thị trường của họ để biết các nhu cầu, ý kiến của du khách tại các thị trường có tiềm năng mà chờ họ đến, một số kinh nghiệm của họ chia sẻ thì vẫn nằm yên nhiều năm đến vậy!
Tất nhiên ngành du lịch và tình hình kinh tế, và cả chiến tranh đã khiến cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng không phải là tất cả!
Tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc
Các chuyên gia du lịch Nhật Bản khi nói chuyện với các đồng nghiệp Việt Nam vẫn thắc mắc vì sao người Nhật nhiều tiền, thích trải nghiệm, say mê ẩm thực Việt, mua sắm nhiều và mê du lịch văn hóa đến vậy mà mỗi năm đến Việt Nam chưa đến 100.000 lượt và thời gian lưu trú lại quá ngắn. Trong khi đó, Hawaii có nhiều nét tương đồng với chúng ta ở nhiều mặt mà người Nhật tới đó hàng triệu lượt mỗi năm với thời gian lưu trú 4-5 ngày?
Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch toàn cầu, giáo sư Ijima Yukichika có những ý kiến uyên bác không chỉ về việc giới thiệu các đặc điểm của du khách Nhật Bản, mà còn về những đức tính cần thiết đối với những ai kinh doanh trong lĩnh vực du lịch... Ông từng nói Hawaii có sự đón tiếp nồng ấm, có tầm nhìn và mục tiêu cụ thể đối với thị trường du khách Nhật. Nền du lịch Hawaii luôn có sẵn người nói tiếng Nhật và món ăn Nhật ở mọi nơi để đón tiếp bất cứ nhóm hay cá nhân du khách nào đến từ Nhật; sự liên kết chặt chẽ giữa Tổng cục Du lịch bang Hawaii, cơ quan tổ chức các hội nghị, ngành hàng không, hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng... đã hợp thành một thể thống nhất tạo ra sản phẩm du lịch để thỏa mãn khách hàng, họ cũng thể hiện lòng tự hào về xứ sở của họ, nên không có tình trạng cục bộ địa phương.
“Đó là bài học thành công của Hawaii. Người Nhật đi du lịch nước ngoài đa số thường là những người lớn tuổi có đời sống cao, chi tiêu nhiều, nhưng do ngôn ngữ cách biệt, họ thường mua tour ở các công ty lữ hành và rất cần các hướng dẫn viên biết tiếng Nhật giúp đỡ họ...”. Trong lúc đó cả Quảng Nam và Thừa Thiên Huế số lượng hướng dẫn viên tiếng Nhật được cấp thẻ thì quá ít! Giảng viên kinh tế tại Đại học Chukyo, ông Yoshiaki Noguchi vừa là Chủ tịch HĐQT HRInstitute đưa ra khái niệm “ý tưởng du lịch” như một gợi ý cho du lịch miền Trung khi xây dựng chiến lược chung. Đó là một mũi tên dẫn đường cho toàn bộ hoạt động để thực hiện chiến lược cơ bản và chú trọng đến tài nguyên con người, các giá trị văn hóa trong hoạt động du lịch.
“Tại miền Trung Việt Nam, các bạn coi Huế, Hội An, Mỹ Sơn và biển Đà Nẵng là những vùng riêng biệt, nhưng dưới mắt người Nhật, tất cả đều nằm trong một vùng và vì vậy cần có một ý tưởng để làm rõ “đặc trưng vùng” bằng những phối hợp cụ thể, rất cụ thể, để truyền đạt sức hút của vùng này với du khách”. Muốn vậy, giáo sư Yukichika lưu ý: “Người làm du lịch trước hết cần thể hiện tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc của mình với du khách và truyền tình cảm đó đến từng thành viên, nhân viên trong một công ty, mà điều đó không phải ai cũng làm được!”.
Ai đi du lịch Thái Lan vài lần cũng có thể nhận ra cách làm này từ hàng chục năm trước, khi làn sóng du khách Việt tràn qua Thái, họ tuyển lựa ngay các bạn trẻ là Việt Kiều thông thạo cả tiếng Việt và tiếng Thái, huấn luyện chu đáo để đưa đến các điểm đón khách…
Câu chuyện thông dịch viên là cả một vấn đề
Nga là thị trường khách lớn thứ hai của du lịch Khánh Hòa, sau Trung Quốc. Năm 2019, Khánh Hòa đón gần 463.000 lượt khách Nga, tăng hơn 4,5% so với năm 2018; chiếm 71,6% tổng số khách Nga đến Việt Nam (gần 700.000 lượt khách). Ảnh hưởng Covid-19, từ quý 1-2020 dòng khách Trung Quốc gần như ngừng hẳn, khách Hàn Quốc bắt đầu giảm, nhưng lượng khách du lịch Nga đến Khánh Hòa vẫn ổn định. Theo thống kê, đến giữa năm 2020, mỗi tuần đều có 20-25 chuyến bay từ Nga đến sân bay Cam Ranh. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngành du lịch đánh giá Nga là thị trường khách quan trọng và tiềm năng du lịch thành phố. Khách du lịch từ Liên bang Nga vào Việt Nam đạt mức kỷ lục hơn 600.000 lượt trong năm 2018. Lượng khách du lịch Nga đến Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2018 đạt 82.700 lượt và thuộc top 20 thị trường hàng đầu có lượng khách đến Thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi đại dịch xảy ra, mỗi quý đã có khoảng 25.000 khách Nga đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Du khách Nga, theo đánh giá của Anex Việt Nam, có thời gian lưu trú trên 10 ngày, chi tiêu bình quân 1.600 USD, gấp 6 lần khách Trung Quốc, họ đến Việt Nam trong mùa lạnh, từ tháng Mười đến tháng Ba năm sau. Anex thành công là nhờ có đến 500 đại lý khắp nước Nga.
Còn tại vùng di sản miền Trung thì sao?
Từ tháng 3-2012, lần đầu tiên có 200 du khách Nga đến Hội An, mặc dù rất mong đợi vì du khách Nga thường đi chơi theo đoàn, ở lại nhiều ngày và “tiêu tiền như nước”, nhưng cũng như phản ánh trước đó của chính phía Nga, câu chuyện thông dịch tiếng Nga là cả một vấn đề khó ở các resort và khách sạn tại đây. Cả Hội An người nói được tiếng Nga chỉ đếm chưa hết trên đầu ngón tay nên chỉ có thể viết tiếng Nga trên thực đơn, còn nhân viên buồng phòng chỉ biết... ra dấu!.
“Không có người biết tiếng, cảm giác “như ở nhà” sẽ không còn nữa, Sergey E. Korneev, chuyên gia du lịch tại St Peterburg Nga đã nói! Một Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Calypso tại Nga cho biết, “Nếu khách chúng tôi đến Hội An mà thiếu hướng dẫn bằng tiếng Nga thì khá bất tiện, chúng tôi khi đến khảo sát phải nhờ người bạn từng học ở Nga đang dạy học tại Đà Nẵng hướng dẫn. Các bạn hãy sớm đào tạo nhân viên nói được tiếng Nga!”...
Một giám đốc lữ hành tại Hội An nói, khi đào tạo được ít hướng dẫn viên tiếng Nga để phục vụ cho thị trường mới thì Covid-19 đã uy hiếp khắp nơi, thị trường du khách Nga từ tháng 3-2020 đã vắng lặng! Mặc dù vậy, theo phản ánh của đại diện Palm Garden, “Việc đi từng đoàn gia đình, ở lại nhiều ngày và tiêu dùng của du khách Nga thật là béo bở. Đón tiếp họ là mơ ước của chúng tôi...”.
"Quý hồ tinh, bất quý hồ đa"
Trước khi nghe đại diện Nga đến Hội An, tôi đã có hai lần tiếp xúc với giáo sư John Quelch, hiệu phó Đại học kinh doanh Harvard và chuyên gia marketing Rebecca J. Orde cùng đến Quảng Nam, thông qua giúp đỡ của ông Nguyễn An Tuấn là bạn cũ đang làm việc tại Diễn đàn toàn cầu Boston. Họ đi khảo sát đường ven biển từ Đà Nẵng vào Hội An, quan sát các khách sạn, khu du lịch, vào thăm Chu Lai và làm việc với lãnh đạo địa phương...
“Lịch sử, ngôn ngữ, các biểu tượng nghệ thuật và nghi lễ truyền thống... đều có những giá trị quan trọng để quảng bá ra bên ngoài của mỗi quốc gia hoặc mỗi tỉnh...”, nhưng giáo sư Quelch nhấn mạnh, cuối cùng thì con người mới chính là một giá trị gắn liền với các di sản văn hóa mà nhiều nước đã đánh mất. Nếu chúng ta có các di sản riêng và dân chúng đồng lòng gìn giữ để giới thiệu cho thế giới, thì đó là vô giá. Giáo sư Quelch cũng nói rằng cần phải bảo vệ các bờ biển, phát triển những khu nghỉ mát hạng sang và giảm bớt các khách sạn dưới 3 sao. “Làn sóng du lịch ba lô luôn là mối đe dọa đối với sự bền vững của môi trường, cái mà các bạn rất cần và cũng là kinh nghiệm đau xót của nhiều nước đi trước...”.
Trong phát triển du lịch, giáo sư Quelch rất quan tâm đến những vấn đề cụ thể: “Tôi đề nghị các khu du lịch, các khách sạn nên tập hợp các địa chỉ email của mọi du khách để tạo ra sự thăm hỏi, cung cấp thông tin cứ 6 tháng một lần với họ, mời họ quay lại... Đó là một cách quảng bá hiệu quả và tích cực. Từ họ, những lời đồn đại, khen tặng sẽ rỉ tai đến bạn bè họ, thì không có quảng cáo nào tốt hơn...”. Một ý tưởng khác mà vị học giả này lưu ý là tại sao không thấy các slogan in vào vé tham quan Hội An hay Mỹ Sơn, hoặc cả vé máy bay, rằng tại sao khách không đầu tư vào Quảng Nam, Đà Nẵng hay đầu tư vào Chu Lai chẳng hạn! Du lịch hưởng lợi từ các thành tựu chung của xã hội và đồng thời quay lại quảng bá cho cả nền kinh tế. Singapore và Dubai đã làm như vậy!
Bà Rebecca thì cụ thể hơn nữa: “Tôi đến Hội An và Mỹ Sơn lần đầu. Kiến trúc đẹp, món ăn ngon, nhưng tôi nhất định sẽ may một bộ quần áo bằng lụa rất nổi tiếng ở đây... Bà nhấn mạnh rằng, làm du lịch cần chiến lược phát triển khách tiềm năng và phân biệt “nguồn khách không tiềm năng” như du khách ba lô, thường ở rất lâu mà chẳng chi tiêu đồng nào...
Rõ ràng cách tiếp cận như vừa mô tả đã ẩn chứa trong đó một kinh nghiệm quý báu được nhìn từ bên ngoài. Nhưng nhìn lại và suy ngẫm, sau đại dịch những điều đó vẫn còn đúng để ta suy nghĩ lại một cách làm mới hơn, không vội vàng chạy theo số lượng du khách và mạnh mẽ cổ súy cho phát triển văn hóa bản địa và ứng xử của cư dân, tập trung xây dựng và đầu tư các điều kiện khả dĩ, trong đó có khái niệm “đặc trưng vùng di sản” bằng thực chất cho các thị trường du khách tiềm năng mà miền Trung đang hướng tới...
Thời gian núp dịch dài dằng dặc vừa qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành tưởng như phá sản, các hướng dẫn viên du lịch ở không vì không “đi khách”, phải chờ nhà nước hỗ trợ hoặc làm nghề tay trái để kiếm sống. Nhưng đó cũng là thời gian cho ta lắng lại và nghĩ sâu hơn cho một cách làm mới. Tạo ra các ý tưởng và cách làm mới và biết đâu "quý hồ tinh, bất quý hồ đa" lại mở ra một vận hội!
Người làm du lịch cũng cần có tình yêu và niềm hãnh diện về quê huơng mình, là lời khuyên cứ làm tôi ray rứt mãi.
“Người làm du lịch trước hết cần thể hiện tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc của mình với du khách và truyền tình cảm đó đến từng thành viên, nhân viên trong một công ty, mà điều đó không phải ai cũng làm được!”. Giáo sư Ijima Yukichika, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch toàn cầu |
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG