DU LỊCH VÀ ĐẶC TRƯNG VÙNG

Chuyện về những 'đại sứ' du lịch

.

Sự tương tác trực tiếp giữa những người làm du lịch địa phương với du khách sẽ tạo ấn tượng sâu sắc trong chuyến hành trình của họ. Do đó, việc xây dựng đội ngũ du lịch làm việc chuyên nghiệp sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ. Họ trở thành những “đại sứ” ở địa phương, giúp lan tỏa văn hóa ra thế giới.

Hướng dẫn viên du lịch là những “đại sứ” mang văn hóa ra thế giới. Trong ảnh: Hướng dấn viên du lịch thuyết minh về văn hóa Chăm cho du khách Nhật Bản và Hàn Quốc tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ảnh: Đ.H.L
Hướng dẫn viên du lịch là những “đại sứ” mang văn hóa ra thế giới. TRONG ẢNH: Hướng dấn viên du lịch thuyết minh về văn hóa Chăm cho du khách Nhật Bản và Hàn Quốc tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ảnh: Đ.H.L

Làm tốt vai trò “linh hồn” của tour, tuyến

Hướng dẫn viên du lịch là một trong những ngành đặc thù, đòi hỏi có vốn kiến thức hiểu biết rộng và cần có “tâm” với nghề. Từ đầu năm đến nay, khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn đón hơn 1 triệu lượt khách, con số này cho thấy hướng dẫn viên nói riêng và nhân viên khu du lịch nói chung phải thực hiện một khối lượng công việc tương đối lớn. Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết, hiện Ban có hơn 75 cán bộ, công nhân viên, người lao động. Trong đó, 7 hướng dẫn viên chủ yếu sử dụng tiếng Anh và tiếng Việt phục vụ thuyết minh khách tham quan.

Đối với khách đoàn là người nước ngoài thì có thông dịch viên và hướng dẫn viên của đoàn. Tuy nhiên, đội ngũ hướng dẫn viên của Ban quản lý được trau dồi kiến thức chuyên môn sâu nên việc truyền đạt nội dung thường đầy đủ và truyền cảm hơn, từ đó giúp quảng bá vẻ đẹp danh thắng Ngũ Hành Sơn cũng như di sản Ma Nhai đến bạn bè trong và ngoài nước hiệu quả hơn.

Ở khía cạnh khác, hoạt động du lịch còn giúp người dân địa phương thể hiện tình yêu với mảnh đất nơi mình gắn bó lâu dài và phát triển kinh tế. Khi hiểu sâu sắc về văn hóa, lịch sử địa phương, họ sẽ là người có khả năng truyền tải tốt nhất nội dung đó đến du khách và trở thành linh hồn của tour, tuyến. Là người Đà Nẵng làm trong ngành du lịch, chị Trần Mỹ Quyên, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Minh An cho biết, cứ hễ tour nào mang tính chất truyền cảm hứng là đích thân chị làm hướng dẫn. Bởi, chị muốn truyền lửa cho du khách bằng tình yêu quê hương cháy bỏng của mình.

"Hướng dẫn viên và thuyết minh viên là những người khơi gợi ký ức lịch sử hào hùng của dân tộc, về những giá trị vô giá của vùng đất. Vì vậy, họ phải là người địa phương. Những ai đã từng đến đồi A1 Điện Biên Phủ hay Thành cổ Quảng Trị đều rơi nước mắt vì xúc động khi nghe thuyết minh viên ở đây kể chuyện. Tôi hy vọng, du khách đến Đà Nẵng cũng sẽ tràn đầy cảm xúc khi nghe câu chuyện về những di tích cổ như đình Hải Châu với bóng cây bồ đề trên dưới trăm tuổi. Đến đây, du khách có cơ hội hiểu hơn về nhà thờ Kinh An Tự - nơi thờ chung 42 bài vị của 42 tộc họ. Hơn 500 năm qua, các tộc họ ấy đã đặt nền móng và không ngừng đóng góp công sức cho sự hình thành thành phố Đà Nẵng hiện nay. Đình cổ Hải Châu vẫn luôn là một di tích lịch sử Đà Nẵng được người dân nơi đây tôn thờ và gìn giữ cho đến ngày nay.

Hay du khách có thể đến thăm nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) vào buổi chiều tà và lắng nghe câu chuyện không chỉ về ngôi nhà thờ của một làng rộng lớn, có lịch sử lâu đời trên đất Đà Nẵng, mà còn về một nhân vật lịch sử nổi tiếng của quê hương An Hải. Đó là Thoại Ngọc Hầu -  Nguyễn Văn Thoại, một danh tướng lừng lẫy trong Nam ngoài Bắc. Hoặc, qua lời kể của thuyết minh viên, du khách có thể hiểu hơn sự can trường, quả cảm của ông cha ta qua những câu chuyện hào hùng tại thành Điện Hải; du khách còn có thể trào dâng lòng yêu nước khi tham quan Bảo tàng Hoàng Sa. Tôi tin rằng, chỉ những người sinh ra, lớn lên và yêu mảnh đất này thì mới có thể tâm huyết khi trao truyền các thông tin đó đến với du khách", chị Quyên khẳng định.

Theo Hội Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng, hiện thành phố có khoảng hơn 4.100 hội viên, trong đó có khoảng 2.000 hướng dẫn viên tiếng Anh. Mặc dù lượng khách châu Á đến Việt Nam tăng cao trong những năm gần đây như khách Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc..., nhưng vẫn không thiếu hướng dẫn viên các tiếng này do có nhiều sinh viên ra trường từ các trường đại học đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ. Riêng hướng dẫn viên tiếng Đức, Ý, Tây Ban Nha… thiếu hụt do các hướng dẫn viên nói tiếng này đa phần đã lớn tuổi, trong khi nhu cầu đào tạo ở các trường đại học không cao nên chưa đáp ứng nhu cầu thị trường du lịch.

Chật vật tìm người giỏi nghề

Để tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao thì chất lượng của nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực du lịch vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, dẫn đến chất lượng phục vụ du lịch còn thấp.

Nhân sự vẫn là một trong những vấn đề lo lắng nhất của nhiều công ty du lịch khi mới thành lập. Bà Nguyễn Thanh Tình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành Quốc tế Sea Love (Sea Love Travel) chia sẻ, muốn có người làm được việc thì cần phải mất nhiều thời gian đào tạo qua công việc thực tế mới đáp ứng yêu cầu. Mỗi lần tuyển nhân sự có rất nhiều hồ sơ nộp vào nhưng rất ít người đạt yêu cầu. Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, họ lại nhảy việc khiến công ty bị động trong công việc. 

Cùng trăn trở với bà Nguyễn Thanh Tình, ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ du lịch OMEGA cho biết, công ty thường tuyển nhân sự thông qua hai luồng chính là sinh viên và những người có kinh nghiệm làm việc. Đối với sinh viên, công ty cho thực tập một thời gian, sau đó sàng lọc lại. Tuy nhiên, đối tượng này có rủi ro cao vì thường hay nhảy việc. Đối với những người đã có kinh nghiệm làm việc thì họ yêu cầu lương cao. Đặc biệt, nhiều người đã quen với nền nếp, quy cũ ở đơn vị cũ nên dễ xảy ra xung đột trong quá trình làm việc khi ở môi trường mới.

So với các nước trong khu vực, chất lượng nhân lực du lịch Việt Nam nói chung và tại các trung tâm du lịch lớn hiện vẫn còn hạn chế, đã tác động không nhỏ đến việc tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao. Đặc biệt, trong bối cảnh thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề Du lịch (MRA-TP) cho phép dịch chuyển lao động du lịch có tay nghề thuộc khối ASEAN, người làm du lịch nước ngoài có thể tràn vào Việt Nam khiến người làm du lịch địa phương có nguy cơ mất việc ngay trên sân nhà nếu không nâng cao năng lực chuyên môn và thái độ làm việc.

Qua thực tế cho thấy, nguồn nhân lực du lịch thành phố thường xuyên thiếu và bị biến động do hai nguyên nhân chính. Đó là do nhu cầu nhảy việc cao vì chưa đáp ứng được quyền lợi của người lao động và chủ doanh nghiệp. Thứ hai, một số không được đào tạo chuyên môn bài bản làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và chất lượng dịch vụ. Trong thời gian qua, thành phố đã định hướng mục tiêu khai thác thị trường khách MICE. Mặc dù hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú và điểm đến đã được đầu tư nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của đối tượng khách cao cấp này. Do đó, ngay từ bây giờ thành phố cần xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực bài bản và dài hạn thì mới đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành du lịch trong tương lai.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.