Dưới mặt biển sâu là thế giới đầy màu sắc với hàng ngàn loài san hô và sinh vật biển sinh động. Những rạn san hô cứng phát triển qua hàng trăm năm, một vỉa có thể rộng 3-4m. San hô dưới biển giống như rừng nhiệt đới trên cạn, là nơi lưu trữ đa dạng sinh học, hỗ trợ cho nhiều loại cá và các sinh vật biển khác.
Những rạn san hô tuyệt đẹp có ảnh hưởng lớn đến sự bền vững của hệ sinh thái biển. Ảnh: NVCC |
Cảnh quan đó sẽ khiến bạn không thể rời đi được, với những rạn san hô có màu sắc tuyệt đẹp tạo nên hình thù độc đáo, từ "rừng san hô" xanh mướt đến những "bức tường" san hô cao vút. Bên cạnh ngắm san hô, có thể ngắm nhìn những con cá đủ màu sắc và có cơ hội khám phá các loài sinh vật hiếm có.
Gìn giữ các rạn san hô
6 giờ sáng một ngày đầu tháng Tám, chúng tôi có mặt tại bãi biển Mân Thái (quận Sơn Trà), từng tốp người hăm hở kéo những chiếc SUP đủ màu sắc, vượt qua bãi cát mềm mịn dưới chân, tiến về phía vùng biển phía xa. Trong tốp người chèo SUP hôm đó, có nhóm tầm 20 thợ lặn chuyên nghiệp, họ là những người có nhiều kinh nghiệm trong việc gìn giữ các rạn san hô ở vùng biển xung quanh bán đảo Sơn Trà. Sau khi di chuyển bằng ván chèo đến khu vực rạn san hô ở Hòn Sụp, nhóm thợ lặn bắt đầu lặn tìm rác, tháo gỡ những đoạn dây lưới mắc quanh các rạn san hô rồi chuyển vào bờ để xử lý. Sau nhiều năm vệ sinh rác, tháo gỡ dây và lưới ma dính mắc vào rạng gây hư hỏng, đổ vỡ thì hiện nay các rạn san hô được phục hồi tốt, san hô sống khỏe màu sắc tươi đẹp.
Nói về công việc yêu thích này, anh Đào Đặng Công Trung, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Du lịch Mân Thái, vui vẻ cho biết: “Dưới mặt biển sâu là một thế giới khác, đầy màu sắc với hàng ngàn loài san hô và sinh vật biển sinh động. Những rạn san hô cứng phát triển qua hàng trăm năm, một vỉa có thể rộng 3-4m. San hô dưới biển giống như rừng nhiệt đới trên cạn, là nơi lưu trữ đa dạng sinh học, hỗ trợ cho nhiều loại cá và các sinh vật biển khác. Cảnh quan đó sẽ khiến bạn không thể rời đi được, với những rạn san hô có màu sắc tuyệt đẹp tạo nên hình thù độc đáo, từ "rừng san hô" xanh mướt đến những "bức tường" san hô cao vút. Bên cạnh ngắm san hô, có thể ngắm nhìn những con cá đủ màu sắc và có cơ hội khám phá các loài sinh vật hiếm có”.
Cùng với công việc gìn giữ các rạn san hô, nhóm anh Trung còn nghiên cứu sâu về hệ sinh thái biển ở đây, trong đó nêu rõ rạn san hô ở vùng nước ven bờ bán đảo Sơn Trà chủ yếu là các rạn riềm, bãi hẹp và dốc. Tổng diện tích phân bố rạn san hô ở toàn khu vực nghiên cứu là 46,9 ha; đã xác định được 177 loài san hô thuộc 17 họ và 52 giống ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà. Độ phủ trung bình của san hô sống tại các điểm khảo sát đạt khoảng 23% tổng hợp phần nền đáy. Đến nay ghi nhận 130 loài cá trong rạn san hô. Hệ sinh thái biển ở khu vực bán đảo Sơn Trà còn có hệ thảm cỏ biển phân bố thưa thớt, rải rác kiểu da báo ở Bãi Nồm (Bãi Rạn) và Bãi Bụt với tổng diện tích khoảng 1ha.
Thông tin từ Chi cục Biển đảo và Môi trường, với bờ biển dài hơn 89km, Đà Nẵng có hai vùng khai thác thủy hải sản chính là vịnh Đà Nẵng và nam bán đảo Sơn Trà. Ở đây có 104,6ha rạn san hô là nơi sinh sống của các loài thủy sinh vật gần bờ có giá trị cao như tôm hùm giống, cá mú, cá dìa… Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, vịnh Đà Nẵng và khu nam bán đảo Sơn Trà có các rạn san hô ven bờ là nơi sinh sống của các loại giống thủy sinh vật, nguồn lợi thủy sản của thành phố, tuy nhiên, nếu phát triển du lịch quá mức ở khu vực này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển của rạn san hô, gây chuyển biến không tốt đến hệ sinh thái biển. Thời gian gần đây, các ngành chức năng đã có những động thái tích cực bảo vệ rạn san hô, bảo vệ môi trường nước biển khu vực này.
Phát triển bền vững kinh tế biển
Về nguồn lợi thủy sinh vật vùng ven biển, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đưa ra nhiều giải pháp để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường du lịch Đà Nẵng như: phục hồi hệ sinh thái và tạo sinh cư bằng cách thả rạn nhân tạo, tạo ra những hang hốc và sinh cảnh phù hợp cho nguồn giống thủy sinh vật cư trú, sinh sống. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường và khai thác bền vững nguồn lợi; tăng cường quản lý bảo vệ rạn san hô và hệ sinh thái trong khu vực bán đảo Sơn Trà; nâng cao chất lượng mô hình quản lý dựa vào cộng đồng; quy hoạch và xây dựng, cấp phép cho vùng khai thác; quy định đối với nguồn cá giống tại khu vực bán đảo Sơn Trà…
Chi cục Biển đảo và Môi trường nhận định, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững kinh tế biển là mục tiêu chiến lược đặc biệt. Cốt lõi của phát triển bền vững kinh tế biển là sự phát triển kinh tế - xã hội mà không làm tổn hại, gây suy thoái hệ sinh thái, môi trường biển. “Một cách tiếp cận tổng hợp thông minh với khí hậu là tập trung vào các giải pháp “thuận thiên”. Mở rộng và quản lý thật tốt các khu bảo tồn biển, cùng với phát triển hạ tầng ven biển hợp lý sẽ là những yếu tố quan trọng để bảo vệ các cộng đồng ven biển và sinh cảnh biển. Điều này có thể hỗ trợ tăng sản lượng thủy sản, giảm thiểu và thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa biển tại địa phương”, ông Võ Thành Chi, Chi cục phó Chi cục Biển đảo và Môi trường nói.
Tại Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng, sinh kế của người dân, ngư dân các vùng biển phụ thuộc trực tiếp vào nguồn vốn biển tự nhiên. Các dịch vụ hệ sinh thái bị suy giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng lượng, lương thực, an toàn và sinh kế của đại bộ phận dân cư các vùng ven biển. Khu bảo tồn biển (nêu trong Luật Thủy sản năm 2017) được xem là “công cụ” hữu hiệu trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường khả năng phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ các loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng. Ngoài ra, chúng còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và mang lại cơ hội sinh sống, sinh sản cho những loài thủy sản.
Khu bảo tồn biển còn là nơi dành cho giáo dục và nghiên cứu khoa học; tổ chức các hoạt động du lịch và cung cấp sinh kế cho cộng đồng dân cư địa phương, đặc biệt là cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển. Trong môi trường sống ngày càng nhiều áp lực do những vấn đề về kinh tế, môi trường, việc tìm về với thiên nhiên, trong đó có biển đang là một xu hướng tích cực. Giá trị kinh tế của các khu bảo tồn biển đem lại từ hoạt động tham quan, du lịch là rất lớn, do vậy cần phát huy gắn với bảo tồn, giữ gìn để mang tính bền vững, lâu dài.
KHÁNH HÒA