HƯƠNG CÂY MÙI LÁ

Gìn giữ vốn quý thiên nhiên ban tặng

.

Đà Nẵng có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng và phong phú như Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà-Núi Chúa, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân... Trong đó có các loài, nguồn gen quý hiếm có giá trị kinh tế cao. Do đó, việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý và nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học không chỉ góp phần bảo vệ môi trường của thành phố mà còn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

Sơn Trà rực rỡ với nhiều loài hoa càng cuốn hút, gọi mời và quyến luyến bước chân những lữ khách đến Đà Nẵng. Ảnh: X.S
Sơn Trà rực rỡ với nhiều loài hoa càng cuốn hút, gọi mời và quyến luyến bước chân những lữ khách đến Đà Nẵng. Ảnh: X.S

Tập trung nhiều loài động, thực vật quý hiếm

Trở lại khu rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa giữa mùa hè, màu xanh của cây cối làm lòng người dịu lại sau quãng đường dài leo dốc. Vẻ đẹp hoang sơ của Bà Nà - Núi Chúa càng trở nên quyến rũ với những sắc hoa đặc hữu. Ông Nguyễn Thành Tân, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa kể cho chúng tôi nghe về những loài hoa độc lạ và những cây dược liệu quý mà chỉ có những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng mới nhận biết. Đó là hoa đào chuông, lan hài đài cuộn, dó trầm, thất diệp nhất chi hoa (7 lá 1 hoa), hoàng đàn, vàng đắng, sâm nam, sâm dây…

Theo nhiều nguồn tài liệu thống kê, cây đào chuông có mặt ở Bà Nà - Núi Chúa với mật độ cao gần 1.500m so với mực nước biển. Mỗi bông hoa có kích thước khoảng hơn 1cm, nở thành từng chùm với hai màu hồng nhạt và đỏ như chiếc chuông nhỏ treo lủng lẳng trên cành. Chính vẻ đẹp hiếm có này, vào năm 2006 và 2007, Ban Quản lý Khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ cùng sự hỗ trợ của ông Antione Eroute (vùng Nord Pas de Clais, Pháp) đã thực hiện dự án nghiên cứu quy hoạch phát triển và trồng thử nghiệm vườn cây đào chuông để bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm này. Thời gian gần đây, Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng thực hiện bảo tồn bằng cách nhân giống theo phương pháp nuôi cấy mô và bảo tồn chuyển vị.

“Hiện nay, hoa đào chuông vẫn được bảo tồn rất tốt, mức độ khai thác và xâm hại được hạn chế. Vừa rồi, chúng tôi phát hiện ở đỉnh núi Mang - đỉnh núi cao 1.700m nằm giữa ranh giới Đà Nẵng - Quảng Nam và Thừa Thiên Huế có loài hoa đào chuông sinh sống. Chúng tôi cũng phát hiện thêm loài cây ngô đồng đỏ có hoa rất đẹp mọc tại khu rừng đặc dụng này. Đặc biệt, loài lan hài đài cuộn vừa được xác định nằm trong danh mục thông tin thuộc loại quý hiếm”, ông Tân chia sẻ.

Bên cạnh đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa còn có các loài động vật quý hiếm như voọc chà vá chân nâu, sơn dương, chồn bay, rái cá, gấu, trĩ sao… Hiện công tác bảo vệ rất tốt nên có khả năng tái sinh hơn trước.

Mùa hè đến, Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà lại thu hút du khách với nhiều loài hoa bản địa có màu sắc đẹp như thàn mát, hoa chò, lim xẹt… Ông Ngô Trường Chinh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho biết, Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà là nơi giao lưu của hai luồng sinh vật Bắc-Nam nên tập trung nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Qua quá trình điều tra, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà vừa bổ sung thêm 302 loài thực vật và công bố 1 loài mới nâng tổng số loài thực vật hiện có lên 1.451 loài, trong đó có 166 loài nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu. Bên cạnh đó, khu bảo tồn còn có 531 loài động vật, trong đó có 58 loài nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu.

Các loài thú quay trở lại khi rừng ít tác động

Hiện Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa quản lý hơn 26.758ha trên địa bàn 3 xã gồm: Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Phú, trong đó giáp ranh với tỉnh Thừa Thiên Huế 50km và tỉnh Quảng Nam 30km. Đây là một trong những khu vực đa dạng sinh học cao do hội tụ các loài động thực vật ở phía Bắc và phía Nam. Để bảo đảm thực hiện tốt công tác bảo vệ, ban quản lý đã tổ chức 7 đơn vị cơ sở, trong đó có 6 trạm bảo vệ rừng và 1 trạm phát triển giống lâm nghiệp. Mỗi trạm có 6 người trực và đi tuần hằng tuần mỗi nhóm 3 người. Nhân viên bảo vệ rừng đi kiểm tra, tuần tra hầu hết đi bộ và mất từ 2-3 ngày ở lại qua đêm trong rừng. Do các trạm đều nằm ở ngoài khu bảo tồn nên phải gùi theo lương thực và dụng cụ sinh hoạt như chăn mền, thuốc men. Vì vậy, thời gian làm việc của họ gấp đôi thời gian quy định.

Song song với việc làm tốt công tác bảo vệ, thì công tác bảo tồn đa dạng sinh học cũng được thực hiện ngày càng tốt hơn. “Ban quản lý đã giao khoán cho hơn 280 hộ dân ở quanh khu bảo tồn thực hiện tuần tra bảo vệ rừng. Cùng với việc tạo sinh kế cho người dân góp phần giảm gây áp lực lớn vào rừng, việc bẫy bắt động vật cũng giảm xuống đáng kể. Hằng năm, ban quản lý tổ chức xây dựng phương án thu hái, gieo tạo các loài cây bản địa để trồng rừng, phục hồi các loại đất trống để thực hiện trồng rừng thay thế, xúc tiến tái sinh có bổ sung và cung cấp 100.000 cây/năm cho đề án trồng 1 tỷ cây xanh của thành phố. Khi rừng ít tác động thì các loài thú quay trở lại, điển hình như voọc chà vá chân nâu đã xuống tới tận chân núi Bà Nà”, ông Tân vui mừng cho biết.

Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, công tác bảo tồn đa dạng sinh học, lưu giữ và phát triển nguồn gen sinh vật cũng được thực hiện thông qua hình thức nguyên vị và chuyển vị. Qua đó, các hộ gia đình nhận khoán trồng rừng đưa các loài cây quý, hiếm có giá trị về mặt bảo tồn vào gây trồng như dó bầu, sưa đỏ và các loại cây dược liệu…

Theo ông Ngô Trường Chinh, hiện nay chưa có chính sách đầu tư nhân giống, gây trồng phát triển nguồn gen quý hiếm. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2020-2022, kết quả bước đầu của đề tài “Nghiên cứu quần thể loài thực vật bản địa đặc trưng của bán đảo Sơn Trà và khả năng di thực trồng tại công viên, đường phố trên địa bàn quận Sơn Trà” đã cung cấp các giống cây có nguồn gốc từ bán đảo Sơn Trà như thàn mát, trâm, găng cao trồng trên các tuyến đường trên bán đảo Sơn Trà và trong các công viên, khu dân cư trên địa bàn quận Sơn Trà.

Trong 3 năm (2020-2022), Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn tiếp nhận, bắt giữ và tái thả lại rừng 55 cá thể động vật hoang dã lạc xuống khu dân cư như khỉ vàng, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài, trăn đất, trăn gấm, rùa sa nhân, kỳ đà vân, sóc mõm hung, rắn cọp nong, rắn hổ đất nâu và cầy vòi hương. Qua đó cho thấy người dân ngày càng có ý thức cao về bảo vệ động vật hoang dã, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn.

Đặc biệt, việc tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học khi Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn thực hiện hợp đồng khoán bảo vệ rừng cho 26 hộ gia đình là những người dân sinh sống trên địa bàn phường Thọ Quang với diện tích 1.306,17ha. Lực lượng này đã tham gia cùng Hạt kiểm lâm kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên, thực vật, động vật, hệ sinh thái rừng và giá trị đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, hiện nay, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác điều tra, giám sát bảo tồn đa dạng sinh học chưa được đầu tư tương xứng với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà không có trung tâm cứu hộ, vườn thực vật phục vụ công tác cứu hộ động vật hoang dã, cũng như không có đội ngũ cứu hộ động vật hoang dã. Do đó, thành phố cần quan tâm đầu tư để thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn đa dạng sinh học trước tình trạng động vật hoang dã thường xuyên xuống đường và các khu dân cư gây tai nạn.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.