Miếu và Miễu tuy hai mà một?

.

* Mấy cụ làng tôi cho rằng miếu và miễu là hai cách gọi khác nhau của cùng một dạng di tích dân gian. Điều này liệu có đúng không? (Trần Minh, Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam).

Miếu Bà nằm trong cụm di tích Nghĩa trủng Hòa Vang, nay thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L
Miếu Bà nằm trong cụm di tích Nghĩa trủng Hòa Vang, nay thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

- Về từ “miếu”, Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh (NXB Trường Thi, Sài Gòn, 1957) giảng: “Nhà thờ tổ tiên - Nhà thờ thần - Cung điện của vua”.

Sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, khi bàn về việc “Đình Miếu”, tác giả viết: “Miếu là chỗ quỷ thần bằng y, đình là nơi thờ vọng và để làm nơi công sở cho dân hội họp. Miếu thường hay kén những nơi đất thắng cảnh, nhất là trên gò cao, hoặc là nơi gần hồ to sông lớn thì mới hay”.

Về từ “miễu”, Việt Nam tân tự điển của Thanh Nghị, bản in năm 1956, giảng là cái miếu nhỏ.

Trong quyển Thuần phong mỹ tục Việt Nam, nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ nổi tiếng Sơn Nam cho rằng chữ “miễu” là đọc trại từ chữ “miếu” mà ra. Hán Việt tự điển của Nguyễn Văn Khôn (1960) cũng giải thích “miếu” là đền thờ, còn gọi “cái miễu”.

Phóng sự Ai cho miễu lớn hơn đình... đăng trên baodongnai.com.vn (Báo Đồng Nai) cũng đánh đồng miễu và miếu: “Ai cho miễu lớn hơn đình/ Bậu có chồng mặc bậu, bậu vẫn gọi mình là anh”. Câu ca dao xưa bỏ qua nghĩa bóng về mối quan hệ nam - nữ nào đó, còn lại đã phân định rõ vị trí, thứ bậc giữa 2 loại hình cơ sở thờ tự tín ngưỡng dân gian là đình và miễu (còn gọi là miếu)”.

Tuy nhiên, trong thực tế, “miếu” và “miễu” không đồng nhất.

Miếu là những đền thờ uy nghiêm (cũng là những di tích lịch sử) thờ các bậc linh thần, hiển thánh, các vị khai quốc công thần hoặc có công giúp đời. Hằng năm, đến ngày cúng tế ở miếu, khách hành hương về chiêm ngưỡng, lễ bái.

Theo bài viết Sự khác biệt giữa các công trình tâm linh đăng trên galatravel.vn (Công ty TNHH Du lịch & Thương mại G.A.L.A), miếu là một dạng di tích văn hóa trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có quy mô nhỏ hơn đền. Đối tượng được thờ ở miếu rất đa dạng, thể hiện ở tên gọi của miếu - tên gọi theo đối tượng được thờ thường phiếm chỉ và tượng trưng. Ví dụ: miếu Cô, miếu Cậu, miếu thờ thần núi gọi chung là miếu Sơn thần, miếu thờ thần nước gọi là miếu Hà Bá hoặc miếu Thủy thần. Miếu thờ thần đất gọi là miếu Thổ thần hoặc thần Hậu thổ. Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân sinh.

Khác với miếu, miễu nhỏ hơn, được dựng sơ sài có khi bằng tranh tre nứa lá, ít được chăm sóc chu đáo, nhất là các miễu thờ cô hồn “bất đắc kỳ tử” (chết không đúng kỳ hạn, chết thình lình) do tai nạn sông nước, tai nạn giao thông... Ngày trước, tại mỗi cuộc đất, người xưa thường lập miễu thờ Thổ Thần, Thổ Địa để cầu an cư lạc nghiệp riêng cho gia đình mình.

Nếu miếu có dáng vẻ tôn nghiêm, được chăm sóc thờ phượng chu đáo, có bá tánh đến cúng vái, trùng tu thì miễu thường xiêu vẹo, trống trước dột sau, nhiều khi nhang tàn khói lạnh. Tuy nhiên, dù miếu hay miễu, dân gian luôn tin rằng đây là hai nơi linh ứng, có quỷ thần cư ngụ quanh năm. Ngày trước, mỗi lần có điều gì oan ức, người ta hay mang nhau ra ngôi miếu hoặc miễu để thề thốt vì nơi đó có quỉ thần chứng giám lời thề như câu ca dao truyền miệng: “Miễu linh chẳng dám đứng gần/ Đứng xa mà vái, thánh thần chứng tri”.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.