SỨC SỐNG MỚI CHO BẢO TÀNG

Nghề xưa gìn giữ chút này

.

Có gì đặc biệt ở Bảo tàng ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn thôi thúc chúng tôi đến gặp Giám đốc bảo tàng Lê Văn Hòa (45 tuổi), người đã dốc lòng sưu tầm, gìn giữ và hình thành không gian trưng bày, giới thiệu đến du khách hơn 300 hiện vật gắn với làng nghề điêu khắc đá có tuổi đời hơn 400 năm…

Để có được những chiếc đục nhiều kích thước, ông Hòa dành không ít thời gian tìm kiếm ở những cơ sở chế tác đá lâu đời tại địa phương. Ảnh: T.Y
Để có được những chiếc đục nhiều kích thước, ông Hòa dành không ít thời gian tìm kiếm ở những cơ sở chế tác đá lâu đời tại địa phương. Ảnh: T.Y

Ký ức làng nghề

Trong không gian bảo tàng rộng hơn 2.000m2 trưng bày hơn 300 hiện vật, người đàn ông trung niên say sưa nói về nghề điêu khắc đá, như thể mọi cảm xúc của ông lúc này dành trọn cho truyền thống ngôi làng nơi mình sinh ra và lớn lên. Đó là một ngôi làng thơ mộng nằm bên chân núi Ngũ Hành Sơn, nơi những âm thanh vỗ về giấc ngủ tuổi thơ của mỗi người không phải tiếng ru, mà là tiếng gõ lách cách của búa, dùi cui, mũi xó, mũi bạt… miết vào từng thớ đá.

Như nhiều thanh niên trong làng, năm 12 tuổi, ông Hòa khăn gói đến nhà nghệ nhân Nguyễn Sang học nghề. Ông bảo đó là chuỗi ngày cực nhọc nhưng thú vị. Theo thời gian, dưới sự chỉ bảo tận tình của nghệ nhân làng nghề, ông dần nắm vững từng kỹ thuật cơ bản, từng đường nét điêu khắc để tạo ra một sản phẩm hoàn thiện.

“Đôi khi người thợ phải ngồi hàng giờ chỉ để mài miếng đá sao cho đạt được độ trơn, sắc bén hoặc mất cả tuần để hoàn thiện tác phẩm đơn giản. Những lúc như thế, mệt mỏi nhưng lòng tôi vẫn đầy hứng khởi khi từng chi tiết dần lộ ra dưới bàn tay mình. Tôi tin rằng, với người thợ điêu khắc đá, mỗi sản phẩm hoàn thiện không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là kết quả của sự kiên nhẫn, công phu và tâm huyết”, ông Hòa nói.

Tâm huyết với nghề điêu khắc đá, nhưng tới khi nhận ra kỹ thuật làm nghề đang dần thay thế bởi máy móc hiện đại, ông Hòa đã quyết định từ bỏ, chuyển hướng sang làm du lịch. Dù vậy, một lần nữa, những câu chuyện về làng nghề thủ công truyền thống trong lúc thuyết minh, hướng dẫn khách tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn đã kéo ông lại gần ký ức xưa cũ. Ông bảo, mỗi lần kể lại lịch sử làng nghề, ông luôn cảm thấy như được sống lại những tháng ngày tuổi thơ, nơi từng tiếng búa, tiếng dùi đục vang lên hòa nhịp cùng bụi đá. Chính điều này đã thôi thúc ông bắt đầu hành trình sưu tầm và lưu giữ những hiện vật gắn với câu chuyện hình thành và phát triển làng nghề.

Từ khi có ý tưởng, lúc nào có thời gian là ông lại “lê la” đến từng nhà, từng ngỏ, gặp từng nghệ nhân với mong muốn tìm được những dụng cụ gắn liền nghề điêu khắc đá. Ông chia sẻ rằng, mỗi lần gặp món đồ cũ hay công cụ quen thuộc từng gắn bó với làng nghề, lòng ông lại dâng lên cảm xúc kỳ lạ. Bởi đằng sau mỗi hiện vật đó đều chứa đựng một phần ký ức, một câu chuyện về lịch sử hình thành và phát triển làng nghề điêu khắc đá Non Nước. Hơn 10 năm sưu tầm, từ những vật dụng đơn sơ ban đầu, bộ sưu tập của ông dần phong phú hơn với nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa với tuổi đời 50-100 năm.

Trong đó có thể kể đến tấm bia của cư sĩ Huỳnh Mạnh Phủ (một trong những tấm bia đẹp nhất làng Quáng Khái - tiền thân phường Hòa Hải), chiếc búa sắt được gia đình Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Việt Minh giữ gìn qua 3 thế hệ hay cặp cá chim được chế tác từ đá Ngũ Hành Sơn của nghệ nhân Lê Văn Kít…

Điều khiến ông Hòa hài lòng, là số lượng hiện vật tuy ít, nhưng phần nào kể lại được câu chuyện làng nghề, từ lúc sơ khai với vật dụng chế tác đơn sơ, thủ công đến những sản phẩm tâm đắc của nhiều thế hệ nghệ nhân trong làng.
Khi có nguồn hiện vật phong phú, ông Hòa bắt tay vào xây dựng đề án hình thành bảo tàng tư nhân với mong muốn lưu giữ và lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của làng nghề điêu khắc đá Non Nước đến thế hệ mai sau…

Cùng nhau lan tỏa giá trị làng nghề

Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn chính thức hoạt động giữa năm 2023. Tại đây, những hiện vật  trưng bày như một câu chuyện kể. Đó là chiếc cối đá, cối xay gạo đặt ngay lối vào bảo tàng và là những dụng cụ đầu tiên được người thợ làng đá chế tác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình.

Những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật tại bảo tàng còn được thể hiện qua 250 bức tượng và 73 tác phẩm được công nhận di vật quốc gia. Quá trình xây dựng bảo tàng, điều ông Hòa hướng đến không chỉ là nơi lưu giữ những hiện vật quý mà trở thành không gian kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa nghệ nhân và du khách.

Trong số các hiện vật được trưng bày, tấm bia của cụ Huỳnh Bá Quát có tuổi thọ khoảng 385 năm là một trong những hiện vật nổi bật và có giá trị lịch sử lớn. Được đặt trong không gian trang trọng nhất bảo tàng, tấm bia này thể hiện sự tài hoa, tâm huyết của người thợ thủ công qua từng đường nét chạm khắc tinh xảo.

Có thể nói, sự kết hợp giữa giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đã giúp bảo tàng thu hút sự quan tâm của du khách, nghệ nhân làng nghề và cả những nhà nghiên cứu. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Việt Minh, Chủ tịch Làng nghề Điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước nói bản thân ông rất tâm đắc với không gian và những hiện vật trưng bày tại bảo tàng, bởi qua đó, ông cảm nhận được sự trân trọng và tôn vinh dành cho nghề điêu khắc đá mà ông và bao thế hệ nghệ nhân đã gắn bó suốt cả cuộc đời.

“Mỗi hiện vật ở đây đều mang trong mình câu chuyện riêng, là dấu ấn quá trình sáng tạo, lao động miệt mài của những người thợ làng nghề. Khi đứng trước những tác phẩm này, tôi vừa thấy tự hào, vừa cảm nhận được trách nhiệm lớn lao trong việc truyền dạy và giữ gìn tinh hoa của nghề cho thế hệ trẻ” ông Minh chia sẻ.

Nhờ sự quan tâm và ủng hộ từ cộng đồng nghệ nhân, bảo tàng ngày càng khẳng định vị thế của mình như một biểu tượng văn hóa tiêu biểu tại Đà Nẵng. Ông Hòa chia sẻ, thành công của bảo tàng không chỉ là niềm tự hào của riêng ông, mà còn là niềm tự hào của cộng đồng làng nghề đá Non Nước.

Trong tương lai, ông mong muốn địa phương tạo điều kiện mở rộng không gian trưng bày tại khu đất trống dưới chân núi Thủy Sơn, nơi ông có thể hình thành một “khu vườn bảo tàng” giúp người dân và du khách dễ dàng tiếp cận.

Tại địa chỉ mới này, ông sẽ tổ chức các triển lãm chuyên đề cũng như hình thành không gian trải nghiệm chế tác đá. Chưa kể, nếu được gộp chung vé tham quan bảo tàng vào vé tham quan khu danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ tạo điều kiện cho bảo tàng tồn tại và phát triển. “Chúng tôi tin rằng, khi những giá trị làng nghề được công nhận và lan tỏa, thì nghề điêu khắc đá Non Nước mới thật sự được bảo tồn và phát triển bền vững trong tương lai” ông Hòa tâm huyết nói.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.