Tâm tình với người quê chung (*)

.

Dường như cái quê xứ trong ký ức sâu thẳm của mỗi con người, thường bao giờ cũng là tình cố hương hằng trong trí nhớ và ngày mỗi rêu xanh. Không biết từ bao giờ, những câu thơ, những bài thơ như thế của thi sĩ Nguyễn Hoàng Thọ đã in đậm trong trí nhớ tôi: "Bước chiều/ đỏ mắt cố hương/ Bến đợi vô thường/ trắng bóng đò đưa". Dường như những ngôn từ ấy muốn giải mã cho ta về một cõi miền im lặng nhưng lại chất chứa sự chuyển dịch.

Tập thơ
Tập thơ "Còn những giấc mơ" của nhà thơ Nguyễn Hoàng Thọ được NXB Hội Nhà văn phát hành quý II, năm 2024. Ảnh: L.N.T

Im lặng ở đây không là sự tịch ngôn mà đầy ắp tiếng rạn vỡ, tiếng thời gian lở bồi tưởng như triền miên không hồi kết thúc. Lặng im mà bến đợi vô thường/ trắng bóng đò đưa. Lặng im mà nghe thấy thế giới chung quanh cựa mình đánh thức mọi niềm ưu tư: "Chiếc gương hỏi tôi/ người thức hay ngủ/ tôi không có câu trả lời/ Chiếc mùng hỏi tôi/ ngươi có nghe những con muỗi/ bay vo ve ngoài trái đất/ tôi thấy mình ở lưng chừng đời/ Đôi dép dưới gầm giường hỏi tôi/ khi đi ngủ người có bỏ quên đôi chân/ trên con đường tìm kiếm giấc mơ/ tôi úp mặt khóc".

Và rồi cuộc đối thoại bằng thứ thanh âm vừa bí mật, vừa câm lặng kia còn những gì nữa. Vâng, đến lúc: "Nước mắt hỏi tôi/ ngươi có nghe cơn bão vừa đi qua/ tôi chờm hòm ngồi dậy/ người đi biển đứng cao hơn tôi/ trên mặt nước...(Tôi đọc). Có vẻ như, chỉ cần gợi ra bấy nhiêu ngôn từ gai góc, câm lặng mà mê hoặc tưởng như đang bước đi trong thế giới thần tiên. Dù diễn đạt thế nào chăng nữa, thì tất cả cũng đều chứng minh sự hiện hữu của thi sĩ và thế giới. Như cái bến đợi vô thường kia của Nguyễn Hoàng Thọ, cái thanh âm của những chuyến đò đưa trắng bóng hư không ấy, cứ như xé bao lớp sa mù thời gian, như chưa từng chịu gác mái bao giờ.

Thi sĩ Nguyễn Hoàng Thọ sau bao năm tháng đứng trên bục giảng, đã tự mình chiêm nghiệm: "Tay phấn tay khăn dạy bài lịch sử/ Dạy hát dạy nói/ Dạy cấy lúa trồng bông/.../ Dạy biết thêu từng chiếc khăn vàng lụa óng/ Mùi châu thổ thơm/ Lau vết thương người anh hùng lỡ vận...". Vâng, sau tất cả "Để thấy trong tim hồng lên dòng lịch sử", giờ đây, với nhà thơ lại vang hưởng một hành trình chiêm nghiệm. Cũng có thể theo lẽ tự nhiên, tuổi tác hoàng hôn của anh có phần can dự. Nhưng thơ Nguyễn Hoàng Thọ lại mách bảo cho ta, rằng cái phẩm chất thi sĩ của anh giờ đã thành trầm tích, hoặc là lửa hoàng hôn âm ỉ. Lửa ấy không cháy lên thành ngọn, mà quay về soi rọi từng nỗi niềm ưu tư: "Thời gian ngậm ngải luân hồi/ Vuốt mặt hoàng hôn/ Cuộc người dâu bể/ Bước trần ai lặng lẽ cuối trời xa/ Mặt đất lạnh lùng/ Trái tim di trú...". Thơ cứ như là viết giữa cái tâm thế nửa đêm sực tỉnh, thảng thốt, tự vấn. Cũng có thể như là vô thức hối thúc một cuộc chạy đua với thời gian.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của một thi sĩ: "Khi cây đã hóa trầm trong ruột/ Là đủ rồi phải đợi gì hoa (**)". Trong cuộc chạy đua với thời gian thế này, dường như không thấy bóng dáng Nguyễn Hoàng Thọ trong cái giới hạn hằng số "đủ" thường nghiệm ấy. Nói cách khác, thi sĩ đã ở bên ngoài mọi giới hạn đó, xác lập một thế giới riêng như muốn xóa nhòa thực tại được - mất, có - không: "Tôi tìm tôi/ khắp chốn xưa/ Dấu chân tiền kiếp cũng vừa mây bay/ Tôi tìm tôi giữa chốn này/ Con chim ngửa cổ ăn mày lời ca/ Tìm nhau chi/ Cõi ta bà/ Có - không/ Được - mất nhập nhòa thực - hư". Vâng, dấu chân tiền kiếp cũng vừa mây bay. Bay đi chưa phải là chấm dứt, là hết. Mà là khép cánh cửa cuộc đời này để mở ra cánh cửa một cuộc đời khác. Mới hơn. Mê say hơn. Tên gọi của nó giống như buổi đầu tiên Nguyễn Hoàng Thọ bước lên đò qua sông, ôm ấp, hoài vọng: Còn cả giấc mơ!

Nhà thơ Nguyễn Hoàng Thọ (SN 1944), hiện ở quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Ông là cựu sinh viên Đại học Huế (1968-1972), hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng. Tác phẩm đã xuất bản: Ngày quật khởi (tuyển thơ Tổng hội Sinh viên Huế, 1971); Phù sa rưng rưng (tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2015); Ngăn kéo thời gian (tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2020); Còn cả giấc mơ (tập thơ, NXB Hội Nhà văn , 2024).

NGUYỄN NHÃ TIÊN

(*)  Đọc "Còn cả giấc mơ", thơ Nguyễn Hoàng Thọ.
(**) Thơ Chế Lan Viên

;
;
.
.
.
.
.