Thơ

.

Hồ Sĩ Bình

Quê quán: Võ Thuận, Triệu Phong, Quảng Trị. Tốt nghiệp Ban Việt Hán, Trường Đại học Sư phạm Huế. Làm việc tại NXB Hội Nhà văn (Chi nhánh miền Trung và Tây Nguyên), hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Hình như với các nhà thơ, trong đời thơ của mình đều hơn một lần viết về dòng sông. Đó là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận, dạt dào cảm xúc. Hồ Sĩ Bình cũng vậy, anh viết nhiều về đề tài này, mỗi dòng sông trong thơ đều gắn bó với một quãng đời, một giai đoạn trong đời. Dòng sông Thạch Hãn đối với anh là hình bóng của quê nhà xứ sở luôn réo gọi trở về trong tim của người xa xứ. Sông Hàn là nơi anh đang sống, gắn bó hơn 30 năm. Trong thơ là ký ức của những chuyến phà sang sông của tình yêu mộng mị thời tuổi trẻ. Sông Hương của những tháng năm ở giảng đường đại học với giấc mơ vào đời, tình yêu chưa dám ngỏ lời đầy tiếc nuối...

 

Uống rượu giữa rừng

(nhớ chị H., những ngày điền dã ở Tây Nguyên)

Người đàn ông hát bài ca mời rượu

đá cuội nằm im lơ đãng

đứa trẻ bơi qua sông bẻ bắp

người đàn bà vẽ đời mình trên bông lau nơi rừng cũ

 

những mẩu chuyện chuyền nhau bằng cần rượu

chiếc lá vừa rụng nằm chờ con suối nơi khe đá trôi đi

cơn gió thấy mình không còn trẻ thơ

dưới dòng sâu đục ngầu một đóa hoa vừa nở

người phụ nữ ngồi hát về giấc mơ mưa bụi

những cơn mưa bụi không có thật

 

bên những bức tượng nhà mồ bị đánh cắp

đôi mắt đen huyền âu lo những nhát rìu phiên bản

những cây gỗ chỉ ngồi đợi một lần trong đời

khi linh hồn sống lại lang thang không có đường về

trên những sân khấu đèn vàng thiếu vắng trời xanh và chim chóc

múa may bằng chiếc mặt nạ với vũ khí hái lượm hồng hoang lạ lẫm

 

người đàn bà lại hát u. ơ... u. ơ mời lợn về ăn cơm

bếp lửa còn muốn tỏ tình mắt đêm sâu hút

từ đống tro tàn phục sinh một loài chim trong kinh thánh

rượu không còn hương chỉ còn mùi khói chín đầy chăn gối

người phụ nữ Ê Đê bỏ lá cây gì gửi vào trong vò rượu nỗi nhớ

dài rộng mênh mang đại ngàn đi đâu chồng cũng đừng quên về nhà

chớ nghe gió rủ rê mà quên buôn làng

 

người đàn ông cứ hát bài mời rượu

không cần biết mọi người đã ngủ.

 

Sóng sông Hàn

Sông đã lạnh từ muôn năm cũ

sao giữa khoang chiều khói vẫn bay

người đi buổi ấy về vay mộng

để trả nợ hoài áo hoa lay

 

vai trần tóc ướt bên cầu rộng

động đậy nơi ta lộng chuyến phà

ngọn đèn hột vịt chênh chao gió

mấy thuở mạn thuyền vịn ước ao

 

trèo lên núi biếc chong mắt nhớ

biển cũng cuồng lên sóng chém bờ

ngày xưa thân phụ trao gươm báu

đứng trấn cửa sông vững tuyến hào

 

chuyện núi sông chưa lần từ nhiệm

cớ chi mà nghĩ chuyện trăng sao

nhiều năm ngồi nhẩm màu lưu biệt

níu sông vơi cạn nỗi tương phùng

 

chén khuya ta rót vào dâu bể

người có cùng ta một tấc lòng

trăng lèn song cửa vờn thắp nến

sông hóa tình nhân chén rượu hồng.

 

Dòng sông đá chặn trên nguồn

Tôi nhốt tôi vào bóng

bên cầu đứng lặng

nhốt vào tiếng sóng

những thang âm chìm nổi...

 

bầy cá lúi nào gọi hồn mẹ trong mưa lụt

con bống nào đánh thức mùa hạ trong veo trên đá

con cá ngạnh nguồn thương mãi chút măng chua

bát canh chắt chắt con nuốt hạ nguồn

trái dưa tròn những ngày khát bỏng

mẹ nuôi ta ngọt ngào vị giác

 

chiếc thuyền đêm nao mẹ bỏ nhà theo cha mịt mờ số phận

nhưng sao mẹ đi mãi không về quãng sông tím ngắt nơi cù lao vật vờ đứng đợi

 

làm chi có mồ hôi trên đá trong mắt người thuở ấy

gió thổi ù ù một đời sông vật vã đá chặn trên nguồn

trong tiếng ầm ào nước ngược sức người mái đẩy

sông ném lửa lên trời một màu phượng cháy

sông oằn lại tự chảy máu mình duyền lên lịch sử những dấu son sử ký

nằm lại những tuổi thanh xuân bên ni bên nớ

dòng hoa đăng ngày hội như lời hẹn em về

mùa bình yên ai thả theo dòng nước những ánh mắt lửa

nơi bến cũ mây trắng đùn về nỗi nhớ nôn nao

 

sông hát mãi một bài ca mở nước phương nam

bến giang đầu sa khứ như lửa đốt miền đất dinh trấn

tôi đi tìm sâu trong cát những dấu tích vang vọng

những dấu chân của người đi mở đất...

tưởng như bình yên nước biếc ngàn lau
mà ủ ấp trường giang những cuộc trường chinh

hào khí dậy sóng lưng trời

 

sông xanh mãi để ngày về trắng tóc

con đò nào tôi đứng gọi mẹ ơi

ngọn đèn nào hiu hắt chùng ngư phủ

đi hết một đời luân lạc

e chỉ gặp lại sông thôi...

;
;
.
.
.
.
.