Thuốc lá Cẩm Lệ

.

* Trong câu ca dao “Thanh Hà vẫn gạch bát nồi/ Thuốc thơm Cẩm Lệ mấy đời lừng danh”, thì thuốc thơm Cẩm Lệ là loại thuốc như thế nào mà “mấy đời lừng danh”? (Trương Văn Bảy, Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

Nhờ đặc sản thuốc lá mà Cẩm Lệ đã trở thành một địa danh nổi tiếng cả nước. Ảnh: V.T.L
Nhờ đặc sản thuốc lá mà Cẩm Lệ đã trở thành một địa danh nổi tiếng cả nước. Ảnh: V.T.L

- Sách Đại Nam nhất thống chí có chép về núi Cẩm Lệ và sông Cẩm Lệ ở hai huyện Diên Phước và Hòa Vang. Trước khi quận Cẩm Lệ (trực thuộc thành phố Đà Nẵng) được thành lập (năm 2005), địa danh Cẩm Lệ hầu như rất ít xuất hiện trong các văn bản hành chính hiện hành, ngoài hai tên gọi chợ Cẩm Lệ và cầu Cẩm Lệ đã được trùng tu, xây dựng.

Trên vùng đất Quảng Nam, hai làng Cẩm Lệ và Phong Lệ cùng nằm dọc theo sông Cẩm Lệ nhưng chỉ có Cẩm Lệ được đặt tên sông và đi vào sử sách. Vì sao? Sự phồn thịnh của vùng đất đã làm cho địa danh nổi tiếng.

Được lợi thế từ giao điểm của đường sông và đường bộ (trước năm 1962, quốc lộ 1A còn đi qua làng Cẩm Lệ, nay là đường Ông Ích Đường), nơi này một thời tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền, bán buôn sầm uất, thổ sản khắp miền xuôi ngược đều quy tụ về chợ Cẩm Lệ, trước khi xuôi dòng sông xuống chợ Hàn. Ngày trước, so với Miêu Bông, Thanh Quýt thì Cẩm Lệ phồn thịnh hơn nhiều, nhờ ngôi chợ khá rộng và cách không xa Đà Nẵng bao nhiêu.

Cẩm Lệ là vùng đất nằm bên con sông cùng tên, câu ca dao xưa đã đưa sản vật địa phương thành hàng đặc sản: Thanh Hà vẫn gạch bát nồi/ Thuốc thơm Cẩm Lệ mấy đời lừng danh.

Thuốc lá Cẩm Lệ vào Nam ra Bắc, một thời lừng danh khắp nước, đó là điều không phải bàn cãi.

Với người “hàng xóm” bên kia đèo Ải, đặc sản lừng danh này, sau khi du nhập vào đất Thần kinh (khoảng thời kỳ 1940-1960), đã trở thành vật bất ly thân của hầu hết người dân nơi này, đặc biệt là các bà, các cô. Kể cũng lạ, trong khi mì Quảng đến nay vẫn không “trụ” được với vùng đất sông Hương núi Ngự, thì thuốc lá Cẩm Lệ đã từ lâu làm chết mê chết mệt người dân nơi ấy. Đến nỗi, chợ Đông Ba phồn hoa đô hội là thế mà vẫn phải mở rộng cửa để cho một người dân xứ Huế mở tiệm bán đặc sản xứ Quảng và “chết tên” là thuốc lá Cẩm Lệ Bà Cửu Ới!

Một người, có lẽ “nghiện” thuốc lá Cẩm Lệ, dưới bút danh Ông Cai Trường, đã ra một câu đố độc đáo đăng trên đặc san Quốc Học - Đồng Khánh xuất bản ở Nam California (Mỹ) năm 1998: Bà chi tên tuổi thường kêu/ Văn giai cửu phẩm, bạn nhiều mụ tra/ Bảng đề trước chợ Đông Ba/ Phì phèo, bập bập, ai qua cũng dòm?

Và, có lẽ cũng chỉ những ai từng “phì phèo, bập bập” mới có câu trả lời chính xác chẳng chê vào đâu được: Tên bà Cửu Ới khó quên/ Thuốc lá Cẩm Lệ Huế mềnh lạ chi/ Đông Ba dừng lại một khi/ Mua vài ba gói mệ, dì hút chơi.

Theo thời gian, tuy thuốc lá Cẩm Lệ nay không còn lừng danh như trước, nhưng câu ca xưa thì vẫn ghi vào dân gian dấu ấn một thời hoàng kim của đặc sản chẳng nơi nào có được này. Nhờ đặc sản thuốc lá mà Cẩm Lệ đã trở thành một địa danh nổi tiếng cả nước của tỉnh Quảng Nam xưa. Tuy nhiên, đến nay việc chế biến loại thuốc lá đặc biệt này gần chỉ còn cầm chừng để phục vụ nhu cầu cho một số ít những người lớn tuổi.

Hiện nay, nói về đặc sản Cẩm Lệ, ngoài thuốc lá, có thể kể đến bánh tráng cuốn thịt heo ở Khuê Trung nổi tiếng với quán Mậu và bánh khô mè Cẩm Lệ với thương hiệu Bà Liễu. Đây là hai đặc sản địa phương đã góp phần đưa tên tuổi Cẩm Lệ đi khắp nơi.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.