Chúng tôi về thăm căn cứ Thượng Đức (thôn Hà Tân, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Thượng Đức (7-8-1974 - 7-8-2024), nghe những nhân chứng đã “vào sinh ra tử” với vùng đất anh hùng này kể chuyện năm xưa mà ngỡ như được xem những thước phim tài liệu chân thực.
Ông Nguyễn Hữu Phương (trái) và ông Phan Thanh Minh nhớ lại thời điểm vận động người dân đi sơ tán khỏi Thượng Đức. Ảnh: X.S |
Thượng Đức là chi khu quân sự nằm bên sông Vu Gia, có đường chiến lược 14B chạy ngang, cách Đà Nẵng 50km về phía tây nam. Nơi đây có vị trí chiến lược rất lợi hại với lưng dựa vào núi, hai bên là sông Côn và sông Vu Gia bao bọc. Vì vậy, ngay sau Hiệp định Pa-ri, xác định đây là “cánh cửa thép bảo vệ Đà Nẵng”, quân địch cho xây dựng Thượng Đức thành căn cứ quân sự kiên cố, có hệ thống hầm ngầm bằng bê-tông cốt thép và sân bay. Từ tháng 6-1974, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Đại Lộc tiến hành công tác chuẩn bị chiến dịch Thượng Đức với tinh thần bí mật, khẩn trương, quyết tâm chiến thắng.
Hồi ức nửa thế kỷ
Trong ký ức ông Nguyễn Văn Hai (SN 1954, thôn Mậu Lâm, xã Đại Hưng), ở nơi này 50 năm trước “không có ngày, đêm nào không có tiếng pháo rền”. “Hồi trận Thượng Đức diễn ra, tôi là Xã đội trưởng Lộc Bình. Tôi tham gia du kích trước chiến dịch Thượng Đức”, ông Hai nhớ lại. Những năm tháng ấy, lương thực, thuốc men hoàn toàn thiếu đói cộng với bệnh sốt rét có lúc lên cơn ác tính. Có người không kiên định được lý tưởng đầu hàng địch. Dân vùng Thượng Đức nghe tiếng trực thăng của địch bay quần thảo trên bầu trời quê nhà. Người du kích có những lúc đói rã người mà vẫn bám địch, bám dân xây dựng cơ sở trong dân. Bản thân ông Hai đã nhiều lần “vào sinh ra tử” dưới làn đạn của địch.
“Mẹ tôi và các gia đình bị kẻ thù gọi là liên can cộng sản, họ bị những tên ác ôn ở địa phương bắt, đánh đập dã man để gây áp lực, ép buộc phải gọi người thân theo cách mạng ra hàng. Khi mẹ tôi rời khỏi nơi tạm giam thì em tôi đang ở cảnh không mảnh áo lành che thân”, ông Hai nhớ lại trong nỗi xúc động.
Chiến dịch Thượng Đức nổ ra lúc ông Hai hoàn thành lớp xã đội trưởng tại Trường Quân chính mặt trận 4. Về lại Lộc An, ông nhận nhiệm vụ phân công làm xã đội trưởng, chỉ huy du kích phối hợp chiến đấu và giải phóng Thượng Đức. Trưa 7-8, ông Hai cùng các đồng chí du kích chốt chặn tại thôn 14. Trước đó, do tạo được thế kìm chế địch từ Ba Khe vòng qua sông Vu Gia đến Đông Nam cứ điểm Thượng Đức, sau 10 ngày bao vây đánh lấn quyết liệt, Sư đoàn 304 làm chủ hoàn toàn chi khu Thượng Đức.
Đúng 8 giờ 30 ngày 7-8-1974, quận lỵ Thượng Đức được hoàn toàn giải phóng. Thất thủ ở Thượng Đức, địch mở đường máu vượt sông Côn chạy về thôn 12 rồi rẽ qua cánh đồng về phía Gò Cẩm. Dù được kêu gọi đầu hàng để hưởng chính sách khoan hồng của cách mạng, chúng vẫn ngoan cố bỏ chạy và bắn lại. Sau nhiều loạt nổ súng của ông Hai và đồng đội, du kích của ta tiêu diệt và làm bị thương 50 tên… Đúng 16 giờ chiều cùng ngày, lực lượng du kích tiếp quản Thượng Đức vượt qua cầu Hà Tân vào nhà thờ Hà Tân - nơi xảy ra cuộc chiến đấu ác liệt nhất giữa ta và địch trước khi địch mở đường máu bỏ chạy.
Những chuyến đò dưới làn đạn
“Lúc này vô cùng khó khăn về lương thực, khoai sắn chia nhau, thực phẩm chỉ dựa vào phần lương thực của bộ đội hỗ trợ, du kích phải tổ chức sản xuất lúa, rau màu nuôi quân để chiến đấu và phục vụ chiến đấu, phân công tải đạn, chuyển thương lên chốt cho bộ đội rồi tải thương và đưa thi hài các liệt sĩ về chân đồi Gò Cấm. Từ đây, cha tôi chèo đò đưa thi hài các anh về sông Vàng (nay là sông Côn) chôn cất”, ông Hai nhớ lại. Cha của ông Hai là ông Nguyễn Giới, thành viên lực lượng ghe tải của xã. Gọi là lực lượng nhưng thực chất chỉ có một chiếc ghe nan bơi ngược dòng sông Vàng. Ghe có 2 người điều khiển, một người chống lái, một người chống mũi. Mỗi chuyến vượt sông về núi như thế tròm trèm 3-4 giờ và có thể lâu hơn khi chiếc ghe chở nặng.
Chiến thắng Thượng Đức không chỉ chặt đứt cánh cửa thép bảo vệ vòng ngoài Đà Nẵng mà còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng vào thời gian này - Đó là thước đo về sự so sánh giữa lực lượng vũ trang ta và quân chủ lực ngụy. Từ thực tiễn đó đã góp phần cho Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương có những nhận định mới, đề ra những quyết sách đúng đắn và quyết định trong chiến lược tổng tiến công và nổi dậy vào mùa xuân lịch sử năm 1975”. (Cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công) |
Những chuyến ghe chở thi hài liệt sĩ vượt sông ngược núi về nơi an nghỉ và đưa người dân sơ tán khỏi vùng đạn bom đã in sâu trong ký ức ông Nguyễn Hữu Phương (SN 1954, xã Đại Lãnh) và ông Phan Thanh Minh (SN 1955, còn gọi là ông Ba Minh, xã Đại Lãnh) như mới hôm qua. Ông Phương làm du kích từ năm 14 tuổi, đến năm 1972 thì chuyển sang làm nhiệm vụ diệt ác. Năm 1974, 3 ngày trước trận Thượng Đức, ông vận động người dân thôn xóm gánh nước đổ vào lu để chuẩn bị nguồn nước uống vì không có giếng, dự phòng trước viễn cảnh “máu sẽ đổ thành sông ở Thượng Đức”. Khi các thôn 12, 13, 14 và 15 được giải phóng, địch dồn lại ở đồn Hà Tân, phía ta có chủ trương đưa dân sơ tán bằng ghe. Người già, trẻ nhỏ, phụ nữ được ưu tiên di chuyển, thanh, thiếu niên trẻ tuổi ở lại hỗ trợ mang đạn. Cả xã Lộc Bình chuẩn bị được 2 chiếc ghe, họ đào hào ven sông, vận động người dân lên đường. Ông Minh cùng 2 chị em trong xã nhận nhiệm vụ lái đò.
“Mỗi ghe chở được chừng mười mấy người, dân được đưa qua xã Đại Hồng rồi theo đường núi về cánh Thạnh Mỹ, Nam Giang. Để tránh địch phát hiện, chúng tôi di chuyển vào ban đêm. Những chuyến đò đưa dân cứ thế liên tục trong 2 đêm, gần 1.000 người được sơ tán. Chèo liên tục có lúc mệt nhưng vẫn hăng vì đây là nhiệm vụ lớn của mình với đất nước, quê hương”, ông Minh nhớ lại.
Theo tư liệu của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc, ngay trong đêm 30-7-1974, khi địch còn cố thủ ở Thượng Đức, phía ta đã tổ chức sơ tán người dân các thôn 12, 13, 14, 15 của xã Lộc Bình vượt qua làn pháo bắn cầm canh của địch, theo đường khe sông Cùng và đường Gò Trao lên Hiệp (Hiên). Tại cánh Lộc Vĩnh, ta đưa dân lên Đầu Gò, Thạnh Mỹ, Thác Cạn. Mấy đêm sau, tiếp tục đưa dân lên khoảng 200 người nữa.
Tại đây, người dân Đại Lộc được đồng bào Cơtu ở hai huyện Đông Giang và Nam Giang tận tình lo chỗ ăn, chỗ nghỉ. Sau khi ta tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch, làm chủ hoàn toàn chi khu thì nhân dân 3 xã Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Lộc Ninh tiếp tục thu dọn tài sản, chuẩn bị gánh gồng theo lệnh của Ủy ban quân quản Thượng Đức lên đường di tản để tránh tổn thất, đề phòng địch sẽ phản kích tái chiếm Thượng Đức.
Chiến sĩ du kích Nguyễn Văn Hai nhớ lại những năm tháng đấu tranh khốc liệt trên chiến trường Thượng Đức. Ảnh: X.S |
Đất nở hoa
Từ nhà ông Minh và ông Phương, có thể phóng tầm mắt nhìn về phía cao điểm “đỉnh máu” 1062 - một trong những nơi mà ta và địch giành nhau từng tấc đất, từng mỏm đồi sau trận Thượng Đức. Trong chiều 10-8-1974, địch ném bom tọa độ vào đò Ba Bến và cơ quan Hội đồng xã. Tình hình lúc này ngày càng quyết liệt, địch đưa sư đoàn dù, sư đoàn 3 chiếm cao điểm 383 và cao điểm 1062 hòng tái chiếm Thượng Đức. Tại đây, Trung đoàn 24, Trung đoàn 66 thuộc Sư đoàn 304 và Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 324 chiến đấu quyết liệt với Sư đoàn dù của quân đội Sài Gòn trong suốt tháng 10 và đầu tháng 11-1974. Đó cũng là nơi ông Minh leo dốc, lội bùn, mang đạn tiếp tế… Cuộc chiến giằng co chấm dứt vào cuối tháng 11. Thượng Đức đã đứng vững, khẳng định sức mạnh của chủ lực quân ta lúc bấy giờ.
“Thắng lợi Thượng Đức cho ta hiểu hơn và càng yêu mến về nhân dân mình, họ đã góp máu xương, tài sản và tình cảm cho công cuộc chống kẻ thù”. (Trung tướng Nguyễn Chánh, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5) |
Trở về thời bình, những nhân chứng như ông Hai, ông Phương gắn bó với công tác địa phương, hội đoàn thể trên nhiều vai trò. Họ nhớ ngày nhiều thanh niên tình nguyện từ Hòa Cường, Hòa Khánh của thành phố Đà Nẵng về Thượng Đức kết hợp thanh niên địa phương giúp dân khai hoang vỡ hóa, sản xuất lương thực tự cung tự cấp trên tinh thần “bắt tấc núi phải quỳ, bắt đất ì phải dậy”. Nhớ giai đoạn lực lượng dân quân ra quân phá gỡ bom mìn còn sót lại sau trận chiến lịch sử. Không quên lúc công an xã giữ gìn an ninh trật tự, triệu tập các binh lính, tề ngụy ra hàng, cho đi giáo dưỡng và cải huấn tại chỗ cho đến ngày thống nhất đất nước.
Ông Hai vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng vào ngày 26-9-1973 tại khe Nước Nóng. Lời thề trước Đảng năm ấy, ông mang theo mãi bên mình: “Tuyệt đối trung thành với Đảng, đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nhiệm vụ nào khi Đảng cần dân gọi, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng". Đón chúng tôi hôm nay, cùng đi qua những con đường khang trang, gặp gỡ bà con thuần hậu, nhìn xóm làng yên vui, ông Hai tự hào rằng thế hệ của mình, trong đó có những người đồng chí, đồng đội đã ngã xuống đã góp một phần công sức cho hòa bình của quê hương. Để hôm nay, đất đã nở hoa...
XUÂN SƠN