Ẩn mình trong khu vườn khá rộng lớn, mát mẻ đầy bóng cây xanh bên đường Tôn Đức Thắng, phường Tân An, thành phố Hội An là một ngôi chùa cổ kính, rêu phong. Ngôi chùa được xây dựng theo lối kiến trúc “tiền Công, hậu Quốc” (1), kết hợp hài hòa giữa truyền thống với hiện đại, bao phủ màu thời gian của sự tĩnh lặng, yên bình. Đó là chùa Chúc Thánh, dân gian thường gọi Tổ đình Chúc Thánh.
Tam quan chùa Chúc Thánh và mái che nối các dãy nhà bên trong theo hình chữ Quốc. Ảnh: T.M - V.T.L |
1. Ngôi chùa này được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1991 bởi mang theo mình những giá trị văn hóa tín ngưỡng tiêu biểu của dòng thiền phái Lâm Tế ở Hội An cũng như Việt Nam.
Theo nội dung bản “Phiếu kiểm kê bước đầu về thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh Hội An” ngày 25-3-2014 của Phòng Quản lý di tích, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An thì năm 1558, chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ vùng Thuận Hóa, mở đầu cho việc cai quản xứ Đàng Trong cũng như các chúa Nguyễn kế tiếp đều sùng bái, tôn thờ Phật giáo. Tuy các chúa Nguyễn không lấy đạo Phật làm quốc giáo như thời Lý, Trần nhưng lại ban nhiều chính sách ưu ái để Phật giáo tự do phát triển và làm chỗ dựa cho việc an dân, trị quốc.
Theo trào lưu tín ngưỡng này, dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An cũng bắt đầu ra đời. Đây là một trong những dòng thiền ở Trung Quốc được truyền bá vào Đàng Trong theo sự khuyến khích của các chúa Nguyễn. Đó là vào đầu năm Ất Hợi 1695, các thiền sư (tên gọi về sự tôn kính bậc cao tăng, danh đức Phật giáo) Lâm Tế gồm: Minh Hải, Minh Vật, Thạch Liêm, Nhất Tri, Tử Dung, Minh Lượng… nhận lời thỉnh cầu của chúa Nguyễn Phúc Chu sang Đàng Trong truyền giáo. Họ khăn gói bước xuống thuyền buồm tại cảng Hoàng Phố, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và cập bến Cửa Đại, Hội An vào ngày 28-1 âm lịch năm ấy. Cả đoàn thiền sư Trung Quốc nhanh chóng lên đường ra Thuận Hóa để thưa trình chúa Nguyễn.
Chúa Nguyễn Phúc Chu đã ân cần tiếp đón họ rất trọng thị, sau đó mời họ về nghỉ ngơi tại chùa Thiền Lâm, ngôi chùa tuy đơn sơ nhưng được cho là lớn nhất xứ Đàng Trong lúc bấy giờ. Ngày 1 tháng 4 âm lịch năm 1695, giới đàn (2) đầu tiên của đoàn được khai mở cho 1.400 người. Riêng chúa Nguyễn Phúc Chu được Hòa thượng Thạch Liêm truyền riêng một giới đàn. Đến ngày 28-6 âm lịch năm 1695, cả đoàn thiền sư vào lại Hội An để chờ thuyền trở về Quảng Đông, Trung Quốc.
Trong thời gian chờ đợi, họ đến trú ngụ tại chùa Di Đà và thể theo nguyện vọng của các chư tăng, thiền sư Thạch Liêm đã lập giới đàn truyền dạy cho hơn 300 người tại đây, sau đó họ ra đảo Cù Lao Chàm để giong buồm về nước, song bị vướng gió chướng, cả đoàn phải quay vào lại đất liền Hội An. Hay tin đoàn bị thiên tai gây trở ngại, vẫn chưa về cố quốc nên ngày 12-10 âm lịch cùng năm, chúa Nguyễn tiếp tục mời họ trở lại Phú Xuân để lập đàn truyền giới tại chùa Thiên Mụ cho đến ngày 24 tháng 6 năm Bính Tý 1696 thì thiền sư Thạch Liêm cùng một số người lên đường về nước, số thiền sư khác xin ở lại xứ Đàng Trong để mở mang dòng thiền Lâm Tế. Các thiền sư Tử Dung khai sơn chùa Ấn Tông ở Thuận Hóa, thiền sư Minh Lượng khai sơn chùa Vạn Đức và thiền sư Minh Hải khai sơn chùa Chúc Thánh, Hội An.
2. Như vậy, thiền sư Minh Hải chính là người đã có công tạo dựng nên chùa Chúc Thánh, Hội An, được chư tăng ni các thế hệ tôn kính là Tổ đình Chúc Thánh. Tên thật của ông là Lương Thế Ân, sinh giờ Tuất, ngày 28-6 năm Canh Tuất 1670 tại làng Thiệu An, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc. Thân phụ là Lương Đôn Hậu, thân mẫu Trần Thục Thận, là con thứ trong gia đình có ba anh em. Mới 9 tuổi, ông được cha mẹ cho xuất gia vào chùa Bảo Tứ ở Phước Kiến để tu học, đúng 20 tuổi ông được thọ giới (nghi lễ thụ phong) pháp danh Minh Hải, tự Đắc Trí, hiệu Pháp Bảo, nối pháp đời 34 dòng Lâm Tế.
Năm 1684, ông chọn mảnh đất làng Thanh Hà, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nơi chùa Chúc Thánh tọa lạc ngày nay, bấy giờ chỉ là những cồn cát trắng hoang dã mênh mông. Lúc đầu, chùa chỉ là thảo am tranh tre đơn giản để ông tinh tu phạm hạnh. Theo thời gian, chùa tu sửa nhiều lần nhưng cũng chỉ mang tính tạm thời che mưa, tránh nắng. Theo giải nghĩa của nhiều người, sở dĩ thiền sư Minh Hải lấy tên chùa Chúc Thánh ngay từ lúc sơ khai bởi vì thiền sư thấy các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong rất quan tâm, ngưỡng mộ Phật giáo, do đó ông muốn thể hiện tình cảm của mình đối với các chúa Nguyễn nên đã đặt tên chùa Chúc Thánh, nghĩa là chúc cho thánh thượng mọi điều tốt lành.
Ngày 7-11 năm Bính Dần 1746, thiền sư Minh Hải viên tịch, thân nhập bảo tháp trong khuôn viên chùa Chúc Thánh. Thế là từ đây, trong dòng chảy lịch sử Phật giáo có thêm một dòng phái mới là Lâm Tế Chúc Thánh Hội An ở xứ Đàng Trong, sau đó phát triển ra cả nước, nhất là các tỉnh phía nam.
Năm 1845, Hòa thượng Quán Thông, trụ trì chùa Chúc Thánh cho đại tu, chuyển hướng chùa từ tây sang tây nam cho phù hợp với địa thế, phong thủy. Từ năm 1892 đến năm 1967, các trụ trì Quảng Viên, Chứng Đạo, Quảng Đạt, Phố Bảo, Thiện Quảng… xây dựng thêm tiền đường chính điện cùng nhiều hạng mục khác, nâng cao nền, xây tiếp nhà đông, nhà tây, mở rộng thêm diện tích của chùa như hiện nay. Xung quanh chùa có 16 ngôi tháp mộ của những vị sư đã từng trụ trì tại chùa này, trong đó tháp mộ của Tổ sư Minh Hải cao 12 mét như một biểu tượng nhằm đề cao người có công tạo dựng ra ngôi chùa cổ kính cũng như truyền bá thiền phái Lâm Tế vào xứ Đàng Trong.
Vào ngày 7-11 âm lịch hằng năm, chư tăng thiền phái Chúc Thánh cử hành tưởng nhớ ngày Tổ sư Minh Hải viên tịch và cứ bốn năm một lần cũng vào ngày này, con cháu thiền phái Lâm Tế trong cả nước lại tề tựu về Tổ đình Chúc Thánh Hội An để nhắc nhớ công đức của ông.
THÁI MỸ
.......................................
(1). Kiến trúc “tiền Công, hậu Quốc”: phía trước xây theo hình chữ Công 工, phía sau xây theo hình chữ Quốc 国 (chú giải của ĐNCT)
(2). Một sự kiện quan trọng và thiêng liêng trong sinh hoạt của Phật giáo, là hoạt động để truyền trao giáo pháp.