Về các địa danh Tý, Sé, Kẽm, Răm, Ri, Liêu

.

* Chuyên mục Cửa sổ Tri thức trên ĐNCT số Chủ nhật 18-6-2023 có nói về các địa danh Răm, Ri, Liêu trong câu đối của chí sĩ Trần Quý Cáp “Lúc lắc đò đưa Tý, Sé, Kẽm/ Gập ghềnh chân bước Răm, Ri, Liêu”. Vậy các địa danh này gốc gác ra sao và thuộc địa phận nào ở tỉnh Quảng Nam ngày nay? (Nguyễn Quang Ta, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

Tý, Sé nay thuộc xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, ở về phía dưới của Hòn Kẽm - Đá Dừng. TRONG ẢNH: Tham quan Hòn Kẽm - Đá Dừng. Ảnh: V.T.L
Tý, Sé nay thuộc xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, ở về phía dưới của Hòn Kẽm - Đá Dừng. TRONG ẢNH: Tham quan Hòn Kẽm - Đá Dừng. Ảnh: V.T.L

- Địa danh thường gắn liền một hay nhiều truyền thuyết, sự kiện hay nhân vật nào đó, mà mỗi khi ta nhắc đến hay trực tiếp đặt chân đến nơi này sẽ lắng đọng chút suy tư xen lẫn tự hào về một địa danh vùng đất.
Về câu đối mang nhiều địa danh “Lúc lắc đò đưa Tý, Sé, Kẽm/ Gập ghềnh chân bước Răm, Ri, Liêu”, một số tác giả cho rằng tác giả là chí sĩ Trần Quý Cáp. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu khác lại cho đó là của Hoàng Trung, một nhân sĩ người Phú Yên, chẳng hạn như Lâm Quang Thự trong cuốn “Quảng Nam - Địa lý, Lịch sử, Nhân vật” (Ban liên lạc đồng hương tỉnh Quảng Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa xuất bản, 1974, tr.19).

Các địa danh trong câu đối trên đã được PGS.TS Bùi Trọng Ngoãn (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) phân tích trong bài viết “Tý, Sé, Kẽm và một số địa danh ở huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam” đăng trên tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống số 6b (327)-2022. Theo đó, tác giả cho rằng, khá nhiều ý kiến xác nhận Tý, Sé, Kẽm, Râm/Răm, Ri, Liêu là địa danh tiếng Chăm.

Ở trang 18 sđd, tác giả cho biết Tý, Sé nay thuộc xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Tý là một địa chỉ ở về phía dưới của Hòn Kẽm - Đá Dừng. Tác giả cho rằng Tý rất có thể là địa danh gốc Champa với âm gốc có thể là “jih”, nghĩa là mí nước, mực nước bên sông (theo Bùi Khánh Thế, Từ điển Chăm - Việt, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội).

Sé là tên một thôn nằm bên tả ngạn Thu Bồn. Hiện nay, “Sé” vừa là một địa danh biểu thị địa bàn dân cư, vừa là một thủy danh: khe Sé, bến Sé. Tác giả bài đã dẫn tin rằng địa danh “Sé” đang có là từ “Chheh” (cũng viết là “sseh”), trong tiếng Chăm, nghĩa là “xinh đẹp, đẹp đẽ”. Như vậy, có thể hình dung địa danh “Sé” theo nghĩa “xinh đẹp” là cách tri nhận của người Chăm thuở trước về vẻ đẹp sơn thanh thủy tú của một vùng nước non Thu Bồn.

Về địa danh “Kẽm” trong câu ca “Ngó lên Hòn Kẽm - Đá Dừng”, cuốn “Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng” (Thạch Phương, Nguyễn Đình An, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010) đã dẫn lời tác giả Lê Ngọc Trụ để giải: “Núi mang tên Hòn Kẽm để chỉ địa hình nơi đây “hai bên là vách núi dựng đứng, ở giữa là dòng sông”.

Trong câu đối đã nêu ở trên, thì ở vế thứ hai, có bản chép “Râm”, có bản chép “Răm”. Theo tác giả bài đã dẫn, cả hai đối tượng được từ “râm” và từ “răm” biểu thị đều là địa bàn núi non hiểm trở, cây cối rậm rạp. Vì thế, chủng tôi tin rang Râm/Răm đều là từ tiếng Chăm, có nghĩa là rừng rậm.

Bài viết “Nông Sơn - đi qua những địa danh” đăng trên Cổng thông tin điện tử huyện Nông Sơn cũng cho rằng những địa danh nằm ven đôi bờ Thu Bồn như: Đá Ngang, Đá Mài, Đá Bàn, Dùi Chiêng, Tý, Sé, Cà Tang... vốn là tên địa danh do người Chăm đặt. Vùng núi hùng vĩ này còn tồn tại một tảng đá ghi ký tự Chăm nằm dưới chân Kẽm, chỉ nhìn thấy khi mùa nước cạn.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.