Với các bạn Thái Lan

.

Trong quá trình hoạt động và phát triển của Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng, Ban Biên tập và nhiều phóng viên của Báo Đà Nẵng có các cuộc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với nhiều nhà báo nước ngoài, phần lớn là với đại diện truyền thông của Liên đoàn các nhà báo ASEAN, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Trung Quốc... nhưng có lẽ gần gũi và ấn tượng hơn cả là mối quan hệ với Hội Nhà báo Thái Lan.

Ông Bandit Rajavatanadhanin (ở giữa), nguyên Tổng Biên tập Bangkok Post, nguyên Chủ tịch Liên đoàn báo chí ASEAN đón đoàn công tác Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan) vào tháng 11-2010.  Ảnh: THU THỦY
Ông Bandit Rajavatanadhanin (ở giữa), nguyên Tổng Biên tập Bangkok Post, nguyên Chủ tịch Liên đoàn báo chí ASEAN đón đoàn công tác Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan) vào tháng 11-2010. Ảnh: THU THỦY

Sự giao lưu có từ khá sớm

Thái Lan là đất nước may mắn không bị chiến tranh tàn phá, nên có điều kiện để tăng trưởng, là một trong ít nước có nền kinh tế phát triển mạnh của ASEAN, trong đó đặc biệt là nông nghiệp. Gạo là mặt hàng xuất khẩu số một thế giới. Hoạt động báo chí cũng có bước phát triển mạnh mẽ, các cơ quan truyền thông, thuộc Chính phủ hay tư nhân đều tiếp cận với công nghệ hiện đại, nói chung có vai trò đặc biệt trong đời sống xã hội.

Thời điểm ra đời của báo chí hiện đại Thái Lan cũng tương tự Việt Nam, cách đây khoảng 160 năm, các nhà báo chuyên nghiệp của Thái Lan xuất hiện, tạo một không khí phấn chấn và lan tỏa tin tức một cách nhanh nhạy. Giống như Việt Nam, nền báo chí “Quốc ngữ” xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX và trong hơn một thế kỷ ấy đã có sự phát triển rực rỡ.

Sự giao lưu giữa các nhà báo Việt Nam và Thái Lan có từ khá sớm nhưng phát triển mạnh mẽ là từ sau Đổi mới (năm 1986), có nhiều đoàn nhà báo xứ Chùa Vàng đến Việt Nam, Đà Nẵng và ngược lại, các nhà báo thành phố cũng có nhiều cuộc tham quan, tìm hiểu hoạt động báo chí và khảo sát thực tế phát triển kinh tế và du lịch các tỉnh, đặc biệt tại Chiangmai (Thái Lan), một tỉnh trù phú, nhiều danh lam thắng cảnh ở phía Bắc.

Có nhiều đoàn của hai nước và của hai địa phương trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Các nhà báo Đà Nẵng khi đến Bangkok, hay các địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc Thái Lan đều được sự tiếp đón ân cần và tạo điều kiện tham quan các cơ sở kinh tế, văn hóa, tòa soạn và trụ sở các đài truyền hình, phát thanh của bạn, trong nhiều đoàn báo chí ấy thường được phía bạn bố trí gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Thái Lan, kể cả được gặp Thủ tướng hay bộ trưởng ngoại giao, hoặc một thượng nghị sĩ đương chức, các lần tiếp xúc đó để lại ấn tượng sâu sắc về một đất nước hiền hòa, tôn trọng lễ nghi và hoạt động truyền thông hiệu quả.

Tin cậy, hữu nghị

Nhiều điều tại Thái Lan tạo sự ngạc nhiên thú vị, nhiều nhà báo Thái Lan để lại dấu ấn gần gũi, thân thiết. Một Bangkok sầm uất, phát triển nhưng cũng dễ dàng thấy những bất cập về quản lý đô thị, nhất là tình trạng tắc đường. Các bạn đã dành cho các nhà báo Đà Nẵng những thông tin hữu ích, nhất là về vai trò của truyền thông đối với sự ổn định và phát triển. Khi thăm các tòa soạn báo, ví dụ như Bangkok Post hay Thairat sẽ thấy cụ thể vai trò của công nghệ nghe nhìn trong bối cảnh khoa học phát triển. Các bạn cũng đang tập trung giải quyết tình trạng báo giấy không còn vai trò như cũ, số lượng phát hành báo giấy và nguồn thu từ quảng cáo sụt giảm nghiêm trọng.

Một câu hỏi mà chúng tôi thường quan tâm: làm sao thông tin đến được độc giả hiệu quả nhất? Làm sao bảo đảm nguồn dịch vụ quảng cáo khi sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nền tảng số diễn ra trên phạm vi toàn cầu? Nguồn lực, phương tiện có thể khác nhau nhưng giữa các nhà báo có một quan tâm chung: người đọc, phương cách đọc thay đổi, nhà báo phải thích nghi với sự bùng nổ thông tin mới, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau.

Đà Nẵng là thành phố phát triển ấn tượng nhất của miền Trung, cũng là trung tâm của khu vực, lại có đường bay trực tiếp đến Chiangmai (trước khi Covid-19 bùng phát) nên thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, du khách và giới truyền thông của bạn. Báo Đà Nẵng được Hội Nhà báo tạo điều kiện nhiều lần đón các đoàn báo chí Thái Lan, có thể đó là đoàn thuộc Hội Nhà báo Thái Lan, Liên đoàn các nhà báo địa phương Thái Lan hoặc các nhà báo khu vực phía Bắc (Thái Lan)..., cơ quan báo có thể khác nhau nhưng tất cả đều có sự tin cậy, gần gũi và rất hữu nghị.

Tuy không nhiều nhưng những lần ông Bandit Rajavatanadhanin (1938-2023), nguyên Tổng Biên tập Bangkok Post, một tuần báo tiếng Anh lâu đời và có uy tín bậc nhất khu vực, nguyên chủ tịch Liên đoàn báo chí ASEAN đến Đà Nẵng để lại ấn tượng sâu sắc về một nhân cách của một nhà báo lớn, ông chu đáo và nhất là tình cảm chân thành. Còn nhớ một lần vào tháng 11-2010, khi đoàn nhà báo Đà Nẵng đến Bangkok, ông giản dị và ân cần đón chúng tôi. Bữa cơm trưa tại một nhà hàng sang trọng giữa thủ đô sầm uất không gây ấn tượng cho chúng tôi bằng một túi bánh chuối chiên mà ông mang đến “Thấy Việt Nam cũng phổ biến món này nên mời các bạn ăn thử”.

Cánh cửa tích cực cho sự gần gũi

Với tư cách là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố tôi được tiếp hầu hết các đoàn của bạn đến Đà Nẵng, ngoài các buổi làm việc, gặp lãnh đạo thành phố, tôi cũng có dịp đưa bạn thăm các di tích và thắng cảnh của miền Trung. Bà Nà mát lành đúng là đường lên tiên cảnh, lăng tẩm cố đô Huế khiến bạn trầm trồ về một thời hoàng thành uy nghiêm và lộng lẫy, nhưng có lẽ ấn tượng sâu sắc với các bạn là những lần đến bên cầu Hiền Lương, nơi con sông hiền lành trở thành ranh giới cho hơn hai mươi năm phân tranh ác liệt, bạn ngạc nhiên và thán phục khi đi dưới lòng địa đạo Vinh Mốc... nghe giới thiệu về sự ác liệt của chiến tranh và sự chiến đấu dũng cảm cũng như sự hy sinh to lớn của nhân dân ta trong kháng chiến, bạn xúc động vô cùng và càng ngạc nhiên khi thấy sự hồi sinh và phát triển kỳ diệu hôm nay.

Một lần khi đưa các bạn thăm động Thiên Đường (Quảng Bình), tất cả mọi người đều sửng sốt trước sự kỳ vĩ của thiên nhiên. Ông Amnat, Chủ tịch Hội nhà báo Chiangmai, trưởng đoàn nói với tôi “Thái Lan mà có quần thể hang động như ở đây thì sẽ chinh phục cả thế giới”. Tôi hiểu ý mà đôi mắt mẫn cảm của một nhà báo kỳ cựu này chăm chú nhìn ngắm và thật sự lắng lòng khi ông nói: Ở Việt Nam mỗi địa phương sát nhau nhưng đều có sắc thái khác nhau, Đà Nẵng khác Huế, và ngay cả Huế cũng khác Quảng Bình, dĩ nhiên là Hà Nội rất khác với Thành phố Hồ Chí Minh… mỗi địa phương là một đặc điểm, đó là sự phong phú của tài nguyên du lịch mà không phải nước nào cũng có. Tôi nghĩ nhận xét này rất đáng để suy ngẫm.

Tiếc là dịch bệnh khiến mối giao lưu giữa các nhà báo Việt Nam - Thái Lan bị chững lại, không còn được thường xuyên như trước. Mục tiêu đến năm 2015 ASEAN trở thành cộng đồng dần trở thành hiện thực. Một lần chúng tôi đến Kanchanaburi, một tỉnh sát Chiangmai, tiếp xúc với các cơ sở dịch vụ chúng tôi ngạc nhiên và xúc động vô cùng thấy nhiều bạn nói rõ những chữ “Xin chào”, “Cảm ơn”... Tìm hiểu, được biết Tổng cục Du lịch Thái tổ chức các lớp tiếng Việt cho các nhân viên trong tỉnh, là hành động cụ thể nhắm đến mục tiêu xây dựng cộng đồng khu vực. Về phía Việt Nam, thông qua Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam (Hà Nội) cũng tổ chức các khóa tiếng Thái cho phóng viên. Tình hữu nghị trước hết phải được thiết lập trên cơ sở hiểu, nếu không hiểu nhau thì sẽ khó có tình bạn chân thành. Báo chí trước hết và quan trọng nhất là cầu nối đặc biệt trong việc thông tin, yếu tố đầu tiên của sự hiểu đó.

Nhớ năm 2010, một lần các bạn nữ của các cơ quan báo chí Thái đến Đà Nẵng, trước đêm giã bạn, các bạn Báo Đà Nẵng lấy size và gọi thợ đến cắt may làm quà lưu niệm. Nhìn các bạn nữ Thái ấy xúng xính và duyên dáng trong những chiếc áo dài, đẹp và thướt tha. Sau nhiều năm khi gặp lại, hỏi bạn nhớ gì ở Đà Nẵng nhất? “Áo dài” và các món ăn. Tình hữu nghị sâu sắc là thông qua văn hóa, kinh tế và sự giao lưu. Báo Đà Nẵng tự hào là cánh cửa tích cực cho sự gần gũi giữa Đà Nẵng - Chiangmai cũng như của Việt Nam và Thái Lan.

Một lần khi đưa các bạn thăm động Thiên Đường (Quảng Bình), tất cả mọi người đều sửng sốt trước sự kỳ vĩ của thiên nhiên. Ông Amnat, Chủ tịch Hội Nhà báo Chiangmai, trưởng đoàn nói với tôi “Thái Lan mà có quần thể hang động như ở đây thì sẽ chinh phục cả thế giới”. Tôi hiểu ý mà đôi mắt mẫn cảm của một nhà báo kỳ cựu này chăm chú nhìn ngắm và thật sự lắng lòng khi ông nói: Ở Việt Nam mỗi địa phương sát nhau nhưng đều có sắc thái khác nhau, Đà Nẵng khác Huế, và ngay cả Huế cũng khác Quảng Bình, dĩ nhiên là Hà Nội rất khác với Thành phố Hồ Chí Minh… mỗi địa phương là một đặc điểm, đó là sự phong phú của tài nguyên du lịch mà không phải nước nào cũng có. Tôi nghĩ nhận xét này rất đáng để suy ngẫm.
ĐNCT: Nhằm thiết thực kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2025), chuẩn bị xuất bản kỷ yếu Báo Đà Nẵng - 65 năm trưởng thành (dự kiến phát hành vào đầu năm 2025), từ ngày 23-6-2024 Đà Nẵng cuối tuần mở mục “Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam”. Nội dung tập trung phản ánh quá trình xây dựng, chiến đấu và phát triển Báo Quảng Đà, Cờ Giải Phóng, Quảng Nam - Đà Nẵng và Báo Đà Nẵng qua các thời kỳ, khắc họa các bước phát triển và những đóng góp quan trọng của các thế hệ những người làm báo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là cơ quan của Đảng bộ, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Xin được giới thiệu đến bạn đọc và mong nhận được sự cộng tác của các đồng nghiệp, cộng tác viên xa gần. Trân trọng.

MAI ĐỨC LỘC

;
;
.
.
.
.
.