Vào tháng 5-2023, chỉ vài ngày trước khi tốt nghiệp Đại học Yale, cuộc sống của Ali Truwit, cô gái 24 tuổi người Mỹ, đã rẽ sang một hướng không thể ngờ tới.
Ali Truwit đã có được tấm huy chương bạc đầu tiên của cô tại Thế vận hội Paralympic Paris 2024. Ảnh: Andrew Canridge/Reuters |
Chuyến lặn ngắm san hô để ăn mừng tại vùng biển ngoài khơi quần đảo Turks và Caicos (thuộc Vương quốc Anh) của Truwit đã biến thành cuộc chiến giành sự sống khi cô bị một con cá mập tấn công. Tai nạn đã cướp đi bàn chân trái và một phần chân trái của Ali Truwit.
Sức mạnh từ lòng biết ơn
Điều mà có lẽ không mấy ai có thể tưởng tượng được, chỉ 18 tháng sau khi bị cá mập tấn công, cô gái từng là vận động viên bơi lội cấp Division I (cấp cao nhất trong thể thao đại học tại Mỹ) này đã có thể giành quyền thi đấu tại Thế vận hội Paralympic 2024 ở Paris, đánh dấu một hành trình kiên cường và truyền cảm hứng mạnh mẽ.
Nhớ lại giây phút kinh hoàng đó, Truwit chia sẻ: "Tôi biết ngay rằng mình đang chạy đua với thời gian. Ưu tiên hàng đầu của tôi là quay trở lại thuyền trước khi mất đi ý thức". Với sự bình tĩnh đáng kinh ngạc, Truwit và bạn cô đã bơi 75m quay về thuyền trong khi con cá mập vẫn còn lảng vảng gần đó. Khi lên được thuyền, người bạn cùng nhóm nhanh chóng lấy tấm ga-rô sơ cứu cho cô trước khi đưa tới bệnh viện.
Sau vụ tấn công, Truwit đối mặt với cả nỗi đau thể thất lẫn cú sốc tinh thần. "Trong tích tắc, tôi trở thành người khuyết tật suốt đời", cô chia sẻ trong buổi phỏng vấn gần đây với tạp chí Forbes. Sự thay đổi đột ngột buộc cô phải đối mặt với thực tế hoàn toàn mới. "Liệu tôi còn có thể được cảm thấy mình là một vận động viên nữa không?", Truwit tự hỏi.
Giữa những thử thách ấy, Truwit đã tìm thấy sức mạnh từ lòng biết ơn. "Khi bạn thực sự hiểu được sự mong manh của cuộc sống… tôi đã chọn để lòng biết ơn dẫn dắt mình", cô giải thích. Tinh thần này, cùng với sự hỗ trợ không ngừng từ gia đình và bạn bè, đã trở thành nền tảng cho quá trình hồi phục của cô. "Tất cả những gì tôi đạt được đều nhờ vào sự giúp đỡ của rất nhiều người đã luôn ở bên tôi", cô nói.
Vượt qua số phận
Lan tỏa hy vọng và niềm tin Hành trình phi thường này đã định hình cách nhìn nhận cuộc sống và mục tiêu của Truwit: "Chúng ta không thể kiểm soát những gì xảy ra với mình, nhưng chúng ta có thể kiểm soát cách chúng ta phản ứng và làm cho nó có ý nghĩa… Tôi đang ở đây, tôi còn sống và tôi sẽ làm mọi thứ để tạo ra ý nghĩa từ cuộc đời mình". Triết lý này, cùng với sự quyết tâm không lay chuyển, giờ đây là kim chỉ nam cho cả sự nghiệp thể thao và công tác vận động của Truwit, biến bi kịch cá nhân thành nguồn cảm hứng cho những người khác. "Tôi hy vọng câu chuyện của mình có thể lan tỏa hy vọng và truyền cảm hứng cho những ai đang trải qua khó khăn thấy rằng họ cũng có thể vượt lên nghịch cảnh”, Truwit chia sẻ. |
Chỉ một tháng sau khi bị cắt cụt chân, Truwit đã trở lại hồ bơi, đối diện với hàng loạt khó khăn. Cô phải học lại kỹ thuật bơi và thích nghi với tình trạng mới của cơ thể. Hồ bơi, nơi từng xoa dịu cơ thể cô trong những giờ tập luyện, giờ đây trở thành chỗ gây đau đớn khi các đầu dây thần kinh của cái chân bị cắt cụt phản ứng mạnh với nước. Truwit còn phải vật lộn với những ký ức khủng khiếp được gợi lại từ âm thanh của nước. Tuy nhiên, quyết tâm của cô chưa bao giờ lung lay. "Tôi không cho phép nỗi sợ hãi điều khiển cuộc sống của mình", cô kể lại. "Tôi đã có cơ hội thứ hai, và tôi quyết tâm sẽ tận dụng nó".
Những tiến bộ của Truwit đã vượt qua mọi kỳ vọng khi từng chiến thắng nhỏ trong đường đua xanh đã tiếp thêm động lực cho cô. Đứng trước lựa chọn giữa việc tiếp tục kế hoạch sau tốt nghiệp hay nhắm tới đội tuyển Paralympic, Truwit đã chọn theo đuổi thách thức thể thao. "Đó là một cơ hội có một không hai để đại diện cho đất nước mình và cho phong trào Paralympic", cô giải thích.
Quyết định này đã mang lại những kết quả đáng kinh ngạc. Chỉ 6 tháng sau vụ bị cá mập tấn công, Truwit đạt được một cột mốc lớn, mở đường cho giấc mơ Paralympic của mình. Tại kỳ thi thử Paralympic vào tháng 6-2024, cô đã giành ba huy chương vàng, lập kỷ lục quốc gia Mỹ và đạt thành tích thuộc top 3 thế giới.
Việc đạt được những thành tựu này ở thời điểm chỉ một năm sau khi bị thương nghiêm trọng đã khiến nhiều người ngỡ ngàng, kể cả chính bản thân cô. "Thật phấn khích khi cảm thấy mình mạnh mẽ, có năng lực và có thể cạnh tranh sớm như vậy trong quá trình hồi phục" Truwit nhớ lại. "Ngay cả bản thân tôi cũng ngạc nhiên với thành tích của mình".
Đối với Truwit, Thế vận hội Paralympic 2024 không chỉ là một thành tựu cá nhân. Đây còn là cơ hội đặc biệt để cô nâng cao nhận thức và thúc đẩy phong trào thể thao dành cho người khuyết tật. "Paralympic không chỉ là về thể thao hay huy chương", cô nói. "Đó còn là cơ hội để lên tiếng về những vấn đề quan trọng, tăng cường nhận thức và giáo dục về thành tựu và nhu cầu của những người khuyết tật”. Với nỗ lực phi thường, cô đã xuất sắc giành huy chương bạc ở nội dung bơi 100m tự do dành cho nữ hạng thương tật S9 tại Paralympic 2024.
Chỉ trong 18 tháng ngắn ngủi, Truwit không chỉ trở thành một vận động viên khuyết tật đẳng cấp thế giới mà còn trở thành người phát ngôn đầy nhiệt huyết cho một cộng đồng mà cô từng biết rất ít. "Các vận động viên Paralympic thực sự xuất sắc," cô nhận xét. "Tôi chưa bao giờ thực sự hiểu hết sự nhanh nhẹn và kỹ năng của họ ở cấp độ cao nhất. Đó là một điều mở mang tầm mắt, và tôi cam kết sẽ giúp mọi người thấy được những gì tôi đã nhận ra”.
TRẦN ĐẮC LUÂN (theo Forbes)