Trên nền tảng công nghệ nói riêng và hành trình trưởng thành nói chung, con trẻ cần lắm sự đồng hành của nhà trường và xã hội để tích lũy kiến thức, kỹ năng, từ đó có thể tự bảo vệ mình; song song đó là sự sẻ chia của gia đình để trẻ tin cậy và có sự hỗ trợ kịp thời khi cần.
Trẻ em cần được tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều hơn là không gian mạng. Ảnh: X.S |
Những hệ lụy từ công nghệ
Lá đơn cầu cứu của một người cha ở Đà Nẵng gửi cơ quan chức năng hồi tháng 4-2024 khiến nhiều phụ huynh giật mình. Trong đơn, anh phản ánh câu chuyện con gái mình - bé N.D là nạn nhân của một vụ cắt ghép ảnh “nóng”. Tại đây, kẻ xấu gửi đường link truyện tranh đồi trụy, yêu cầu cô bé sinh năm 2012 phải đọc lại nội dung qua cuộc gọi video; thậm chí, ghép mặt em vào những bức ảnh nhạy cảm và đe dọa tung lên mạng nếu không làm theo yêu cầu… Quá sợ hãi, bé D. không hề giấu kín việc này mà đã chủ động kể lại với gia đình. Vụ việc sau đó được lực lượng công an tiếp nhận, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Là giáo viên và là một người mẹ, chị Trần Nguyễn Thùy Trang, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, bày tỏ lo ngại khi thế hệ trẻ đang tiếp xúc quá nhiều thông tin xấu độc, trào lưu tiêu cực hay thói quen không tốt thành hình từ mạng xã hội. Chỉ cần truy cập vào một nền tảng video ngắn, không khó để bắt gặp nhiều video trẻ em, thanh- thiếu niên nhảy các điệu nhảy gợi cảm không hợp lứa tuổi hay bình luận những câu nói tục tĩu, thể hiện tư tưởng sai lệch…
Trong việc giảng dạy môn Ngữ văn, chị Trang cũng không ít lần chứng kiến học sinh thay vì vận dụng kiến thức và tư duy để học tập thì lại lạm dụng internet, công nghệ AI để làm bài tập, viết văn. Với nhiều phụ huynh khác, ảnh hưởng của công nghệ số không chỉ từ những nội dung trên mạng mà còn từ những thiết bị xung quanh con trẻ.
Trên đây là một trong số nhiều câu chuyện được đề cập về mặt trái của công nghệ số ảnh hưởng đến độ tuổi trẻ em, thanh-thiếu niên… Bên cạnh những tác động tích cực như giúp thế hệ trẻ tiếp cận thế giới, hỗ trợ học tập, phát triển kiến thức, sự phát triển liên tục của nền tảng này cũng đòi hỏi phụ huynh lưu tâm hơn trong việc bảo vệ trẻ trên không gian ảo. Môi trường này được Th.S Tâm lý học Trần Minh Phúc, Trung tâm tâm lý Tuệ Minh (Đà Nẵng) ví như một “biển lớn” về thông tin. Ở đó, có thông tin tích cực, chính xác trong vùng nước hiền hòa; cũng có những luồng thông tin độc hại nằm trong vùng nước sâu, nước xoáy. Trẻ em, thanh thiếu niên và đôi khi là người lớn có thể bị “cuốn” vào những luồng thông tin này nếu như không có định hướng đúng đắn.
Dành thời gian bên con trẻ nhiều hơn
Theo Th.S Trần Minh Phúc, nhiều trường hợp trẻ em, thanh-thiếu niên bị kẻ xấu đe dọa trên không gian mạng đã chủ động báo ngay với gia đình, thầy cô hoặc liên hệ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111) và nhiều cơ quan khác ở địa phương để tìm sự hỗ trợ. Tuy nhiên, cũng có nhiều em chọn cách giấu vấn đề đi vì “sợ kể ra thì gia đình sẽ la mắng”. Tâm lý này bắt nguồn khi trẻ không cảm nhận được sự thấu hiểu từ gia đình. Do đó, gia đình cần tạo sự an toàn, tin tưởng cho trẻ; cần đồng hành với con trẻ, khi con chia sẻ vấn đề thì thay vì la mắng, mà hãy bình tĩnh cùng con xử lý.
“Internet như đã nói là một thế giới phức tạp, là “biển lớn”. Việc các em “bơi” trên đó ra sao sẽ tùy thuộc vào sự quan tâm, giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội. Nên đưa những nội dung về bảo vệ trẻ trên không gian mạng và sử dụng internet văn minh, đúng đắn vào trường học như một môn học để các em tiếp thu, hình thành nhận thức”, Th.S Phúc chia sẻ.
Đồng hành với con trẻ trong thời đại số là cách làm mà nhiều phụ huynh đang thực hiện. Chị Nguyễn Thị Hương (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) kể, vì hiểu được những mặt tốt và xấu trên internet, nên khi con chào đời tới lúc con vào lớp 1, chị tuyệt đối không cho con tự ý sử dụng các thiết bị thông minh, không có việc dỗ con ăn bằng cách cho xem điện thoại. Trong khoảng tuổi đó, bé chỉ được xem tivi trong thời gian vừa phải, với phần mềm YouTube đã cài đặt chế độ kênh cho trẻ dưới 18 tuổi, hạn chế những nội dung độc hại. Đến nay, khi bé vào lớp 2 và bắt đầu tò mò những ứng dụng trên điện thoại, vợ chồng chị Hương dạy con dùng internet đúng cách.
“Vợ chồng mình hay cùng con xem tivi, xem truyện cổ tích, xem phim hoạt hình rồi tương tác với bé những câu hỏi để kích thích tư duy... Theo mình, việc con cái xem kênh gì thì nên để con lựa chọn khi con đã đủ nhận thức. Và tất nhiên, để chọn được kênh thông tin tốt, lành mạnh thì cần có một tư duy đúng đắn ngay từ ban đầu, tư duy đó được trau dồi từ chính gia đình, những người gần gũi với bé”, chị Hương chia sẻ.
Cùng ý kiến, anh Lê Minh Nhân (phường Bình Hiên, quận Hải Châu) cho rằng: “Việc cho con tiếp cận internet, xem điện thoại hay tivi cũng chỉ là một phần nhỏ để giải trí. Quan trọng nhất vẫn là cha mẹ phải dành thời gian cho con, chơi cùng con, học cùng con để con không cảm thấy cô đơn, không phụ thuộc vào tivi, điện thoại để giải khuây”. Còn với chị Hoàng Thị Nhã Phương (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê), tốt nhất là cho trẻ tiếp xúc với bên ngoài nhiều hơn thông qua các chuyến đi chơi cùng gia đình thay vì dành nhiều thời gian trên thế giới ảo. Điều này kích thích sự tìm tòi, khám phá của trẻ.
Với cô giáo Trần Nguyễn Thùy Trang, trong quá trình dạy học, chị hạn chế cho học sinh dùng thiết bị công nghệ trong làm việc nhóm hay kiểm tra viết. Việc sử dụng internet chỉ được giáo viên gợi ý trong những bài tập cho phép tra cứu, tham khảo tài liệu… “Các em cần nhận thức đúng sự “trợ giúp” của mạng internet, của AI trong việc hỗ trợ học tập; tuy nhiên cần có ý thức tự lập, tự chủ, bởi khi đối mặt với những kỳ thi, không ai có thể giúp đỡ các em ngoài những kiến thức và kỹ năng của chính em”, chị Trang cho biết.
Trên nền tảng công nghệ nói riêng và hành trình trưởng thành nói chung, thế hệ con trẻ cần lắm sự đồng hành, sẻ chia của gia đình, nhà trường và xã hội, để không cảm thấy cô đơn.
XUÂN SƠN