CHO CON

Chắp cánh đam mê

.

Tôi nhớ mình đọc ở đâu đó một câu nói đại khái rằng: “Khi con dám theo đuổi đam mê thì con đã là “nhà vô địch”. Đam mê là nguồn động lực mạnh mẽ thúc đẩy chúng ta tiến lên và sống trọn vẹn hơn. Những người sống với đam mê thường thấy cuộc sống tươi đẹp và truyền tải năng lượng tích cực cũng như những thông điệp tốt đẹp ra xã hội. Và cuối cùng, hành trình thực hiện đam mê là phát triển bản thân, để khi vượt qua những khó khăn đó, chúng ta sẽ có những bài học quý báu.

Bạn Nguyễn Bạch Dương (lớp 4, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh) được mẹ ủng hộ, nuôi dưỡng niềm đam mê với mỹ thuật. Ảnh: M.H
Bạn Nguyễn Bạch Dương (lớp 4, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh) được mẹ ủng hộ, nuôi dưỡng niềm đam mê với mỹ thuật. Ảnh: M.H

1. Khi dẫn con đến đăng ký lớp học năng khiếu ở Cung Thiếu nhi thành phố, tôi có dịp trò chuyện với phụ huynh Nguyễn Thị Thu Hoa (43 tuổi, sống bằng nghề buôn bán nhỏ) có con học lớp 4 trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hải Châu), chị chia sẻ mong muốn con có điều kiện tiếp cận với nhiều môn năng khiếu từ nhỏ với hy vọng từ đây sẽ giúp con sớm nhận ra đam mê và thế mạnh của bản thân, từ đó phát huy năng khiếu cũng như tạo cho con sự tự tin. Chị Thu Hoa và nhiều phụ huynh khác khi tôi tiếp cận đều có chung một suy nghĩ là luôn ủng hộ, hỗ trợ con nuôi dưỡng niềm đam mê của bản thân thông qua các môn năng khiếu. Bởi, đây là nền tảng để các em có những trải nghiệm nghệ thuật thú vị, bồi đắp tư duy thẩm mỹ và giúp các em có thêm niềm vui sau những giờ học chính khóa.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra niềm đam mê của con cũng như hiểu được tầm quan trọng của nó trong cuộc sống, để từ đó có những phương pháp hữu hiệu cùng con nuôi dưỡng đam mê. Đam mê có thể mang lại nhiều ý nghĩa trong cuộc sống. Nhờ có đam mê, chúng ta sẵn sàng dấn thân, vượt qua những khó khăn, trở ngại để thực hiện điều mình theo đuổi. Đam mê là hạnh phúc, là sự hài lòng. Chị Lê Thị Ngọc Ba (59 tuổi, quận Sơn Trà) luôn tự hào về hành trình gần mười năm chị cùng các con nhận diện đam mê và nuôi dưỡng chúng.

“Tôi nghĩ rằng, bước đầu tiên trong hành trình nuôi dưỡng đam mê của con cái đó là giúp con tìm kiếm những điều mà con thực sự thích. Đó có thể là một bộ môn hoạt động thể thao, âm nhạc, nghệ thuật... Thông thường, với một chút trợ giúp, con có thể phát hiện ra rằng những nhiệm vụ mà hầu hết trẻ ghét lại là những nhiệm vụ con thích nhất. Bằng cách giúp con làm bài tập ở trường, bạn có thể phát hiện ra sở thích khác thường của con”. Với chị Ngọc Ba, đam mê là hạnh phúc, là sự hài lòng và nhìn con để tự ngẫm lại mình. “Còn nhớ, thời trẻ, bản thân tôi cũng ấp ủ cho mình đam mê và hoài bão riêng. Nhưng đứng trước áp lực cuộc sống và áp lực về đồng tiền, mấy ai giữ vững được quyết tâm rực lửa ban đầu”, chị Ngọc Ba chia sẻ.

2. Cô Nguyễn Thị Vui (giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Du, quận Hải Châu) bộc bạch, một khi bạn nhận thấy các kỹ năng bẩm sinh của  con, bạn phải khuyến khích chúng phát triển. Tài năng nội tại của mỗi đứa trẻ cần được thừa nhận và khuyến khích. Ngay cả khi con không phát triển niềm yêu thích với những kỹ năng vốn có, bạn vẫn có thể quan sát xem chúng liên quan đến những sở thích và khả năng khác như thế nào. Điều này sẽ hướng dẫn con đến chương trình học phù hợp sở thích của con.

Nhiều khi, cuộc sống đặt ra những thử thách quá sức đối với con, đó là lúc cha mẹ cần hỗ trợ vô điều kiện. Nếu con không rõ về mục tiêu tương lai của mình, cha mẹ cần động viên khuyến khích  con trong giai đoạn phân vân ngập ngừng này. Nếu con có vẻ mất hứng thú với sở thích, bạn phải cố gắng hiểu lý do tại sao con bạn từ bỏ sở thích đó và tiếp tục động viên con mình.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất của hành trình tìm kiếm đam mê là không áp đặt sở thích hay đam mê của bạn lên con. Không có gì sai khi khuyến khích con khám phá một hoạt động mà bạn có chung sở thích, nhưng đặt sở thích của chúng lên trên sở thích của bạn sẽ giúp chúng khám phá ra đam mê thực sự.

Tuy nhiên, với nhiều người, niềm đam mê sẽ thay đổi theo thời gian. Con người chúng ta luôn phát triển không ngừng và luôn sẵn sàng học hỏi điều mới. Quả thật, rất khó để nói liệu đam mê của bạn với công việc nào đó có phai nhạt theo thời gian. Tôi không thể nào quên được những chia sẻ từ chị Thu Hoa , đó là, đánh mất niềm đam mê và ước mơ là một trong những niềm nuối tiếc, thấy cuộc đời mình trôi qua, chỉ để lại trong mình những tiếc nuối và “nếu như”. Mình phát hiện ra rằng sự bất hạnh của mình bắt nguồn từ việc mình thiếu đam mê và mình dần dần bắt đầu kiểm soát được. Thấu hiểu như vậy để có cách hỗ trợ con mình đi đúng đường.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.