CHO CON

Đồng hành với con: Kỳ vọng ít, kỳ công nhiều

.

Một năm học mới bắt đầu không chỉ là cơ hội để học sinh tiếp thu kiến thức mà còn là thời điểm khơi dậy niềm vui học tập và khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo trong từng đứa trẻ. Để thúc đẩy điều này, thầy cô và cha mẹ cần trao đi sự quan tâm, thấu hiểu, thay vì đặt thêm “gánh nặng thành tích” lên vai các em…

Mang lại một môi trường giáo dục với tinh thần kỳ vọng ít, kỳ công nhiều sẽ giúp trẻ có cơ hội phát triển toàn diện, hạnh phúc. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu) tham gia hoạt động vui chơi, dã ngoại tại bãi biển Mỹ Khê. Ảnh: T.Y
Mang lại một môi trường giáo dục với tinh thần kỳ vọng ít, kỳ công nhiều sẽ giúp trẻ có cơ hội phát triển toàn diện, hạnh phúc. TRONG ẢNH: Học sinh Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu) tham gia hoạt động vui chơi, dã ngoại tại bãi biển Mỹ Khê. Ảnh: T.Y

Đừng tạo thêm áp lực cho trẻ

Cách đây không lâu, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng tiếp nhận điều trị một bệnh nhi tên T. 10 tuổi với chẩn đoán rối loạn học tập. Bệnh nhi gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức hay thực hiện các kỹ năng học tập cơ bản. Dù đã trải qua chương trình giáo dục bậc tiểu học, T. vẫn gặp khó khăn trong việc nghe, hiểu nội dung sách giáo khoa. Bên cạnh đó, kỹ năng viết của em cũng “có vấn đề” khi thường xuyên lẫn lộn mặt chữ, khó viết một đoạn văn ngắn đúng ngữ pháp, chính tả.

Chị Nguyễn Thị T.H (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), mẹ T. cho biết chị chỉ thật sự nhận ra con mình có những dấu hiệu bất thường trong dịp hè năm nay. “Trước đây, tôi cứ nghĩ những vấn đề học tập của T. là do con thiếu chú ý hoặc lười biếng. Nhưng khi thấy con ngày càng gặp khó trong cả việc đọc, viết và đặt phép tính cộng, trừ, nhân, chia, tôi nhận ra con mình không như những đứa trẻ bình thường khác”, chị H. buồn bã nói.

Sau khi các bác sĩ chẩn đoán T. mắc chứng rối loạn học tập, chị H. đã nghiêm túc phân tích nguyên nhân và nhận ra trước đây mình đã quá kỳ vọng cũng như tạo áp lực cho con. Từ khi lên 4, sau một tuần học bán trú ở trường mẫu giáo, T. phải theo chân mẹ đến trung tâm ngoại ngữ, tham gia các lớp học đàn, cờ vua, toán tư duy, bơi lội… vào hai ngày cuối tuần. Lịch học dày đặc khiến cơ thể T. suy nhược, thiếu tập trung.

Sau khi được bác sĩ tham vấn, chị H. thấy rằng mình đã đặt quá nhiều áp lực lên vai con với hy vọng giúp con phát triển toàn diện. Tuy nhiên, điều này chẳng những không mang lại kết quả như mong đợi mà còn gây ra sự căng thẳng và mệt mỏi cho con. Nhận thức được điều đó, chị bắt đầu thay đổi cách tiếp cận và điều chỉnh lịch trình học tập của T. Theo chị, việc đưa ra những thay đổi này không dễ dàng, nhưng chị tin rằng nếu giảm bớt lịch học và áp lực thành tích sẽ giúp con có cơ hội phát triển tốt hơn trong môi trường học tập.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng tiếp nhận không ít bệnh nhi có biểu hiện rối loạn học tập mà nguyên nhân sâu xa xuất phát từ việc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào thành tích của con. Tại hội thảo khoa học “Rối loạn học tập đặc hiệu ở trẻ em” diễn ra vào tháng Tám ở Đà Nẵng, bác sĩ Đỗ Tuyết Nhi, Khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho rằng cần nhìn nhận trẻ rối loạn học tập khác với trẻ mang hội chứng tự kỷ hay khuyết tật trí tuệ để có biện pháp can thiệp sớm, kịp thời.

Theo bác sĩ, trẻ bị rối loạn học tập thường có biểu hiện mệt mỏi, buồn chán, kém tập trung, dễ nổi nóng, cãi lời cha mẹ, thầy cô dẫn đến thành tích học tập giảm sút. Trong khi đó, tâm lý chung của cha mẹ là mong muốn con học giỏi nên vô tình gia tăng thêm áp lực lên con. Để hỗ trợ điều trị, ngoài uống thuốc theo toa, điều quan trọng là gia đình cần tạo môi trường học tập tích cực, nơi trẻ cảm thấy được khuyến khích và hỗ trợ, thay vì bị ép buộc để đạt thành tích cao.

Theo bác sĩ Nhi, nuôi dạy trẻ không chỉ tập trung vào thành tích học tập, mà cần giúp các em cảm thấy tự tin, vui vẻ và khỏe mạnh. Kỳ vọng ít, kỳ công nhiều và trên hết là sự hiểu biết cũng như đồng cảm sâu sắc từ cha mẹ, sẽ là chìa khóa để trẻ phát triển toàn diện và hạnh phúc trong suốt hành trình học tập, trưởng thành.

“Việc cha mẹ, thầy cô đặt quá nhiều kỳ vọng, áp lực lên con có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất trẻ. Sự căng thẳng này làm giảm khả năng tập trung, hiệu quả học tập cũng như dễ khiến trẻ gặp các vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm và rối loạn hành vi”, bác sĩ Nhi phân tích.

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Cảm thấy lo lắng khi con thường xuyên bận rộn với bài tập về nhà cũng như tham gia các cuộc thi, các lớp học thêm dẫn đến tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, nhưng không nhiều phụ huynh dám bước ra khỏi vòng tròn thành tích đó. Nguyên nhân, theo chị Nguyễn Thị Trà, Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm khai vấn, giáo dục giá trị sống Happy House (quận Sơn Trà), là do cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con. Chưa kể, việc chia sẻ thành tích học tập, thi đấu của con lên mạng xã hội như một trào lưu cũng khiến nhiều ông bố, bà mẹ sốt ruột và ngay lập tức muốn con mình cũng-bằng-con-họ.

Cũng theo chị Trà, chị từng gặp trường hợp một học sinh cấp 3 lo lắng đến mất ăn, mất ngủ vì bản thân thích theo nghề đầu bếp, nhưng phụ huynh nhất quyết yêu cầu em thi vào ngành công nghệ thông tin để “tương lai có việc làm”. Chính sự áp đặt này của ba mẹ khiến em cảm thấy trống rỗng và không còn động lực học tập. Chưa kể, trong suốt năm tháng học phổ thông, ba mẹ luôn yêu cầu em đầu tư thời gian, công sức cho các môn toán, ngoại ngữ, thay vì học âm nhạc, hội họa, thể thao để phát triển tư duy, thể chất.

Theo chị Trà, kỳ vọng của thầy cô và cha mẹ càng lớn, số lượng bài tập ôn luyện và thời gian có mặt tại “lò luyện thi” của các con càng dày. “Việc nhồi nhét quá nhiều kiến thức vào đầu trẻ không phải là cách tốt nhất để con phát triển. Bởi mỗi đứa trẻ đều cần thời gian để nghỉ ngơi, chơi đùa và khám phá thế giới xung quanh. Hoạt động này không chỉ giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội mà còn tạo điều kiện cho trí não thư giãn và tái tạo năng lượng”, chị Trà nói.

Một năm học mới đã bắt đầu, nhiều trường học hướng tới mục tiêu mang lại môi trường giáo dục lành mạnh, nơi trẻ được trải nghiệm cảm giác “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Câu khẩu hiệu này trở thành thông điệp quan trọng của ngành giáo dục những năm gần đây. Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, các trò chơi giáo dục nhằm phát triển kỹ năng xã hội, tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề. Điều này giúp cho việc học trở nên thú vị, đồng thời giúp trẻ xây dựng sự tự tin và kỹ năng giao tiếp hiệu quả.

Bà Thuận cũng lưu ý rằng mong muốn tạo ra một môi trường học tập tích cực còn bao gồm việc giáo dục cha mẹ về cách tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của con. Như cha mẹ cần hiểu rằng sự hỗ trợ và khuyến khích từ gia đình là rất quan trọng và đôi khi việc giảm bớt áp lực học tập có thể mang lại kết quả học tập tốt hơn. “Cha mẹ nên là người bạn đồng hành trong hành trình học tập và khôn lớn của con, chứ không nên là người đặt áp lực lên vai con. Trong suốt quá trình đó, hãy cùng con vui chơi, học tập và khám phá trong một môi trường giáo dục không quá ràng buộc bởi thành tích và những mong muốn cá nhân” bà Thuận nhấn mạnh.

Có thể nói, với sự phối hợp giữa trường học, gia đình và cộng đồng, cùng một tinh thần học tập tích cực, vui vẻ, trẻ có thể phát triển toàn diện và hạnh phúc hơn trong suốt hành trình học tập của mình. Và hơn hết, một năm học mới không chỉ là cơ hội để học sinh tiếp thu kiến thức mà còn là thời điểm khơi gợi niềm vui học tập, cũng như khuyến khích sự sáng tạo trong mỗi đứa trẻ.

Kỳ vọng ít, kỳ công nhiều và trên hết là sự hiểu biết cũng như đồng cảm sâu sắc từ cha mẹ, sẽ là chìa khóa để trẻ phát triển toàn diện và hạnh phúc trong suốt hành trình học tập, trưởng thành. Việc cha mẹ, thầy cô đặt quá nhiều kỳ vọng, áp lực lên con có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất trẻ. Sự căng thẳng này làm giảm khả năng tập trung, hiệu quả học tập cũng như dễ khiến trẻ gặp các vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm và rối loạn hành vi. Bác sĩ Đỗ Tuyết Nhi, Khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.