“Tôi là một trong những tác giả thuộc thế hệ nối kết những người nghệ sĩ đàn anh của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ với những nghệ sĩ đương đại. Là gạch nối của tư duy sáng tạo nghệ thuật giữa thế kỷ XX và thế kỷ XXI”.
Nhà điêu khắc, họa sĩ Đinh Gia Thắng nói rằng, ông luôn có ý thức kết hợp âm nhạc với các tác phẩm điêu khắc như một phong cách riêng. Ảnh: NVCC |
Đó là chia sẻ của nhà điêu khắc, họa sĩ Đinh Gia Thắng (SN 1957, hội viên Hội Mỹ thuật thành phố, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam) khi nhìn lại hành trình sáng tạo nghệ thuật gần 30 năm, mà ông gọi đó là con đường khá dài, nhiều biến động và nhiều thay đổi trong tư duy sáng tạo. Từ phong cách hiện thực, sang phong cách pha trộn giữa hiện thực lãng mạn và tượng trưng.
Kết hợp hài hòa giữa truyền thống và đương đại
Bằng sự học hỏi và nghiên cứu sâu về lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, yếu tố phong thủy trong thiết kế quy hoạch cảnh quan, họa sĩ Đinh Gia Thắng tích lũy cho mình những kinh nghiệm quý về phương pháp tư duy đối với nghệ thuật tượng đài và các tác phẩm điêu khắc.
Hành trình sáng tạo của ông là chuyển thể hình ảnh đẹp của những người chiến sĩ, anh hùng liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc, làm thành biểu tượng giàu chất thi ca. Với tiêu chí cao nhất là làm sao để tác phẩm đi được vào lòng công chúng, tạo hiệu ứng cao nhất về thị giác cũng như cảm xúc thẩm mỹ. Và thông điệp mà tác phẩm chuyển tải phải khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc.
Do có kiến thức về kiến trúc và quy hoạch cảnh quan, ông luôn khảo sát kỹ địa hình nơi đặt tượng đài để tính toán phương án thiết kế, tỷ lệ, tìm tòi phom dáng, cấu trúc tượng đài sao cho khả năng chiếm lĩnh không gian (nơi đặt tượng đài) đạt hiệu quả cao nhất. Kết hợp hài hòa giữa điêu khắc truyền thống và tinh hoa của điêu khắc đương đại. Để hàng thế kỷ sau công trình vẫn luôn mang tính thời sự.
Nổi tiếng nhất và cũng được yêu thích nhất trong số các tác phẩm của ông là cụm tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở đỉnh núi Cấm (thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Cụm tượng đài lấy từ nguyên mẫu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ (Quảng Nam), là tác phẩm mang về Giải thưởng Nhà nước năm 2022 cho nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng. Đây là cụm tượng đài ông dành nhiều tâm huyết, bắt nguồn từ ý tưởng hình tượng người mẹ Việt Nam nhẫn nại, hy sinh, bao dung, giản dị. Qua hình ảnh của mẹ cũng thể hiện được tinh thần dân tộc Việt Nam, một dân tộc yêu chuộng hòa bình, giàu lòng nhân ái và vị tha. Nền tảng tư tưởng đó cũng được ông thể hiện rõ nét qua các tác phẩm điêu khắc lớn, nhỏ khác như các tượng đài “Chiến thắng Khâm Đức”, “Khởi nghĩa Trà Bồng và Miền Tây Quảng Ngãi”, “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, “Huyền thoại Trường Sơn”...
Cụm tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở đỉnh núi Cấm (thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: NVCC |
Đưa chất nhạc vào ngôn ngữ điêu khắc
Là người đam mê và am hiểu âm nhạc, chơi thành thạo piano vì thế nhà điêu khắc, họa sĩ Đinh Gia Thắng luôn có ý thức kết hợp âm nhạc với các tác phẩm điêu khắc như một phong cách, tạo thành ngôn ngữ mới cho tác phẩm tượng đài, tránh được lối mòn, công thức gò bó trong tư duy sáng tác tượng đài trước đây.
Được biết, ông là con nuôi của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và học được từ người nhạc sĩ tài hoa này nhiều điều. “Bố Phan Huỳnh Điểu là người luôn lao động hết mình để có những tác phẩm xuất sắc, là người luôn động viên và tin tưởng vào sự thành công khi xem các tác phẩm của tôi. Lợi thế về âm nhạc khiến tôi muốn đưa chất nhạc vào ngôn ngữ điêu khắc, tạo thành những tác phẩm sử thi. Cảm xúc trong quá trình tôi làm tượng đài đều đến từ âm nhạc. Vì vậy các tác phẩm của tôi thường không giống ai bởi có những hình khối chuyển động như những giai điệu của một bản nhạc”, ông bộc bạch.
Không ngừng tìm kiếm và định hình hướng đi mới, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng gửi gắm đến thế hệ trẻ không nên làm tượng đài theo kiểu đơn đặt hàng mà nó phải thực sự là một tác phẩm nghệ thuật. Người nghệ sĩ phải tìm tòi, nghiên cứu, tìm hiểu sâu chứ đừng làm tượng đài như kiểu sắp các nhân vật lên sân khấu. Hay khi làm mảng phù điêu, cấu trúc phải thay đổi, đừng để nhóm nhân vật na ná nhau sẽ gây nhàm chán cho người xem.
Thế hệ điêu khắc trẻ tuổi hiện nay luôn vận động, đi tìm những hình thức thể hiện đa dạng, có xu hướng tìm tòi những cái mới trong phong cách, hình thức nghệ thuật cũng như chất liệu. Cũng có một số tác giả trẻ với những ý tưởng khá mới mẻ đã tạo được dấu ấn, làn gió mới trong nền nghệ thuật đương đại. Tuy nhiên, đa phần vẫn chịu ảnh hưởng của các nghệ sĩ tên tuổi trên thế giới. Bên cạnh đó, tính tư tưởng trong tác phẩm có xu hướng bị nhạt dần. Đây là điều mà những nghệ sĩ trẻ, cần điều chỉnh hài hòa giữa nội dung tư tưởng và hình thức, ngôn ngữ nghệ thuật để các tác phẩm có được giá trị đích thực, đóng góp cho kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
Được những người trong nghề nhìn nhận và đánh giá cao ở sự cá tính, có “chất riêng” trong sáng tạo nghệ thuật và năng lực chuyên môn, nhà điêu khắc, họa sĩ Đinh Gia Thắng có nhiều đóng góp xuất sắc đối với lĩnh vực điêu khắc đương đại ở Việt Nam với nhiều công trình gây tiếng vang. Như chia sẻ của ông, quá trình đi tới và đạt được thành công gặp nhiều trở ngại nhưng bằng bản lĩnh của một người nghệ sĩ thực thụ, ông đã vượt qua mọi rào cản để hiệu quả, giá trị nghệ thuật của các công trình tượng đài, điêu khắc được công nhận và khẳng định được chỗ đứng của riêng mình.
KHÁNH HÒA