Mùa biển động diễn ra từ tháng Chín âm lịch đến tháng Hai năm sau, khi xuất hiện những cơn sóng lớn, gầm gào suốt ngày đêm kèm theo mưa phùn và gió rét. Ra khơi mùa biển động như đánh bạc với trời, hiểm nguy rình rập. Dù khó khăn vất vả là vậy nhưng những ngư dân Đà Nẵng vẫn ra khơi bởi đây là thời điểm đem về nhiều lộc biển.
Chồng bà Đặng Thị Hồng chuẩn bị cho chuyến biển. Ảnh: Đ.H.L |
“Một ngày vãi chài bằng mười hai ngày phơi lưới”
Quệt những sợi tóc lòa xòa trên gương mặt ướt đẫm mồ hôi, bà Đặng Thị Hồng (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) chia sẻ: “Mùa này biển động, ngư dân cũng ít đi. Biết là vậy nhưng cũng phải ráng đi chút rồi về”. Bà Hồng nói “đi chút” nhưng thực ra một lần đi lộng, chồng bà đi nhanh lắm cũng chiều tối mịt mới về, còn những ngày biển lặng thì đi qua đêm đến sáng hôm sau mới cập bờ.
Mấy năm trở lại đây, khu vực gần bờ càng ngày càng ít tôm cá, nhất là những ngày sóng lớn do ảnh hưởng mưa kéo dài. Vì vậy, việc đánh bắt gần bờ không mang lại hiệu quả cao và chỉ phù hợp với những lao động không đủ sức vươn khơi.
Theo kinh nghiệm của những ngư dân đi biển lâu năm, những ngày biển động thì tôm cá ngoài khơi nhiều hơn mùa biển lặng. Đây cũng là động lực để nhiều ngư dân cưỡi sóng đạp gió bám nghề nhằm tăng thêm thu nhập bởi “Một ngày vãi chài bằng mười hai ngày phơi lưới”.
Vừa trở về sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, ông Huỳnh Văn Lành (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cho biết, trừ những ngày bão ông mới chịu ở nhà, chứ mùa biển động vẫn ra khơi bình thường dù sóng to gió lớn. Những ngày biển lặng, mỗi tháng đi được 2 chuyến, mỗi chuyến kéo dài 10 đến 15 ngày thì những ngày biển động mỗi tháng chỉ đi từ 1 đến 2 chuyến, mỗi chuyến chỉ tầm vài ngày.
“Mùa này cá nhiều hơn mùa hè. Đặc biệt, mùa đông có nhiều rong rêu, nước đục nên cá bơi đi ăn nhiều hơn. Biết nguy hiểm nhưng sinh nghề tử nghiệp nên vẫn phải bám biển. Hiện chúng tôi đi tàu công suất 220CV. Mỗi chuyến đi khoảng 12 người và đánh bắt trên vùng biển theo đúng quy định. Để bảo đảm an toàn thì trước khi đi, chúng tôi phải nghe dự báo thời tiết và kiểm tra máy móc, chuẩn bị lương thực kỹ lưỡng”, ông Lành cho biết thêm.
Không chỉ giàu kinh nghiệm mà còn nắm vững luật
Ra khơi mùa biển động, ngư dân không chỉ có sức khỏe tốt mà phải gan dạ, can trường. Bởi bên cạnh vượt qua những cơn sóng cao 1 đến 2m, họ còn phải đối mặt với giông lốc bất ngờ xảy ra. Chỉ cần phán đoán và quyết định sai thì thiệt hại sẽ khó lường, thậm chí còn ảnh hưởng đến tính mạng. Đó là chưa kể việc ra khơi mùa biển động, nguy hiểm luôn rình rập. Chuyện lật thuyền trong những ngày mưa bão vẫn thường xảy ra.
Có lẽ vì vậy mà người dân vùng biển có câu, “Ra khơi bữa có bữa không/ Lạy trời đừng để tố giông cho mình”. Vào mùa mưa bão, không chỉ người ngoài khơi lo lắng mà những người thân ở nhà cũng nơm nớp lo sợ và luôn cầu mong mưa thuận gió hòa để những chuyến tàu cập bến bình an.
Với nhiều năm kinh nghiệm đi biển, ông Đặng Văn Cu (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết, tàu cá của ông có công suất 740CV, chủ yếu đánh bắt ở khu vực vịnh Bắc Bộ và gần quần đảo Hoàng Sa. Tàu ông làm lưới vây và đi theo luồng cá nổi, mỗi mẻ lưới thu 3-5 tấn cá nên thời gian kéo lưới kéo dài 10 đến 12 tiếng trở lên.
“Ngoài kinh nghiệm của bản thân, chúng tôi còn trang bị máy giám sát hành trình và nắm bắt thông tin kịp thời từ các cuộc họp, tập huấn của lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương các cấp. Bên cạnh đó, tham gia tổ đoàn kết sản xuất trên biển để hỗ trợ nhau khi gặp sự cố ngoài khơi và thông tin cho nhau khi phát hiện luồng cá nhằm đánh bắt đạt hiệu quả và sản lượng cao. Đặc biệt, những lúc gặp sự cố về máy móc, các thành viên trong tổ sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ lai dắt tàu cá vào bờ. Nhờ đó giảm được rủi ro và tránh thiệt hại cao nhất có thể”, ông Cu chia sẻ.
Theo ngư dân địa phương, hằng năm vào khoảng cuối tháng Tám âm lịch trở đi, các loại cá đối, cá cồi, cá chang, cá chim, cá cu... vào gần bờ tìm mồi, nhất là những lúc sóng biển ngả màu vàng đục. Tầm tháng Mười, tháng Mười Một âm lịch thì đến mùa khai thác cá trích, qua tháng Mười Hai âm lịch trở đi thì đánh bắt cá khoai, tôm bạc...
Nếu trúng luồng cá, mực có thể thu được vài triệu đồng mỗi ngày. Gặp may, mỗi thuyền lớn có thể thu về vài chục triệu đồng, nhưng gặp hôm sóng to gió lớn thì có khi trở về tay không. Đặc biệt hiện nay, nhiều thanh niên trẻ tập trung vào làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp. Do đó, lực lượng ngư dân đi biển có tuổi đời trung bình khá cao, sức khỏe yếu nên khả năng chống chọi với sóng gió trong mùa mưa bão cũng khó khăn và vất vả hơn trước.
Để bảo đảm an toàn trong việc khai thác thủy sản giữa mùa biển động, trước khi ra khơi ngư dân cần theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết để chủ động trong đánh bắt; tuyệt đối không được ra khơi khi có bão, áp thấp nhiệt đới, hoặc khi biển động mạnh từ cấp 5, cấp 6 trở lên.
Trong quá trình hoạt động trên biển phải mặc áo phao. Song song đó, các cơ quan chức năng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, nhắc nhở người dân kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh để đề phòng sự cố bất ngờ xảy ra trên biển.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG