Dì Xuân

.

Em gái Thêm vừa lọt lòng thì mẹ mất. Ba nó ngày không ăn, đêm không ngủ... Năm đó Thêm mười hai.

Khi gà vỗ cánh phành phạch gáy trên đụn rơm thì Thêm đã nấu xong nồi cơm. Nó dạo ra vườn hái thêm mấy trái cà tím lùi vào bếp lửa. Ba nó cũng lục đục thức dậy. Dạo rày ba nó lạ lắm. Chỉ sau một lần đi bệnh viện về thì đột nhiên thay đổi hẳn. Không chỉ cưng con Tím hơn mà còn chăm lo nhà cửa, vườn tược. Ông còn bày cho Thêm cách luộc thịt, xào rau, kho cá. Ăn uống xong, ông chở con Tím đến nhà trẻ gửi rồi đi lên thị xã phụ hồ, còn Thêm thì đến lớp. Chiều về lại lo cơm nước rồi mới ngồi vào bàn học bài. Khuya nó còn phải dậy hai ba chặp pha sữa, thay tã. Mấy hôm nay, em nó lại thêm cái bệnh khóc đêm.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Người già mách nước lấy đuôi cá hố khô để đầu giường, đeo vòng gỗ dâu tằm, dắt búa dưới gầm giường. Nó làm tất nhưng cũng chẳng đỡ hơn. Mẹ mất mấy tháng mà Thêm trở nên gầy sọp, xanh xao như tàu lá chuối. Nó thèm ngủ còn hơn ăn cơm. Có hôm ngồi ở sau hè canh đuổi mấy con chim ăn lúa sạ, nó đánh giấc say sưa. Cho đến khi có bàn tay xoa lên chỏm tóc đuôi gà nó mới giật mình hét lớn. Ba nó đứng trước mặt cười khà khà mà khóe mắt ông đỏ hoe.

Ngày giáp năm của mẹ, ba nó dắt về một người đàn bà lạ. Có lẽ là một người thành phố. Da trắng mịn nõn nà, mái tóc dài buông xõa ngang vai, chân mày kẻ chì đậm, bờ môi bóng loáng ánh hồng. Bà con phía nhà ngoại Thêm giận dữ ra mặt. Phía nhà nội xì xầm, bàn tán. Ông vẫn tỏ ra bình thản. Nó trân trân nhìn ba bằng đôi mắt căm phẫn. Đứa em bên hông trèo trẹo khóc, hai chân đạp giẫy dụa. Thêm gắt gỏng “Có im ngay không?” rồi bỏ ra sau hè.

Bữa đó Thêm không ăn gì cả. Cô nó bồng đứa em ra ngoài đút cho bát cháo, còn nó nằm lỳ trên giường. Trước khi về, người cô thì thầm: "Tao nghe ba mày bảo kiếm người về phụ cơm nước, lo cho chị em mày. Thế nhưng mặt mũi, tay chân thế kia thì làm trò trống gì được”.

Xế trưa, mọi người lần lượt ra về. Nhà chỉ còn bốn người. Ba nó ngồi bên bàn thờ mẹ đốt thuốc. Nó giận ba nên bỏ mặc con Tím bò khắp nơi. Người đàn bà ngồi trên chiếc chiếu mỏng, mắt vẫn không rời khỏi đứa nhỏ. Thỉnh thoảng mỉm cười, nựng nịu nó. Bàn tay sơn móng đỏ vừa nhọn vừa sắc. “Ngộ nhỡ xước da con bé thì sao?”,  nó hậm hực bồng em quay ngoắt đi.

Hơn mười một giờ khuya, trăng lên cao soi vằng vặc trước sân nhà. Con Tím cứ dụi đầu vào tấm ngực phẳng lỳ của Thêm rồi giẫy nãy lên. Tiếng khóc mỗi lúc một to, nó bất lực rưng rưng nước mắt. Người đàn bà rón rén lại gần, chìa tay ra. Thấy Thêm tỏ vẻ bực bội, ba nó sốt ruột: "Con đưa dì Xuân bế cho”.

Không còn cách nào khác, nó đành nghe theo. Dì Xuân đón lấy em nó một cách vụng về. Thấy dì luống cuống, nó vội vàng giật lại. Hết bồng đứng đến nằm, vỗ mông, xoa lưng, ru đến khan cả cổ con Tím mới chợp mắt. Lúc này Thêm mới ngả lưng xuống chiếu. Nghe tiếng lộp cộp, nó nhướn người dòm ra cửa. Người đàn bà đang ngồi trên chiếc giường nhỏ kê sát vách, soi đèn bấm móng tay. Mái tóc buộc hững hờ sau lưng y hệt mẹ Thêm lúc mang thai. Nó trở mình. Hai dòng nước mắt chảy dài xuống tai lạnh ngắt. Tiếng côn trùng rỉ rả sau vườn, mấy con mọt trèo trẹo đục gỗ trên tủ, tiếng ho húng hắng của ba nó vọng lại sau bức rèm. Thêm trằn trọc mãi vẫn không ngủ được.

Sáng hôm sau, Thêm dậy trễ, quýnh quýu bước xuống giường thì thấy bếp đã nhóm lửa. Nồi cơm dằn ngay bên cạnh ấm nước chè xanh đang sôi ùng ục. Dì Xuân mặt mày lấm lem, mái tóc kẹp búi lên cao rối bời đang loay hoay đuổi mấy con vịt xuống ao. Ba nó gác cái cuốc lên giàn bí, vừa rửa tay vừa giục nó dọn cơm ăn để kịp chuyến xe lên thị xã.

Ba người ngồi trên bàn. Bữa ăn có cá chiên, rau luộc. Nhìn chén cơm khê khét, con cá cháy đen cứng ngắc, đĩa rau muống mềm nhão, Thêm nhăn nhó: “Thế này làm sao mà ăn?”. Nó đứng dậy, lục lấy gói mì tôm đổ nước sôi trong phích ra ăn vội. Ba nó hết bát cơm, bốc một nắm thuốc tây uống rồi cũng lo đi làm. Dì Xuân ngồi khui khui con cá, gắp một miếng đưa lên mũi ngửi rồi thở dài bỏ xuống.

Mặt trời lấp ló sau bụi tre trước nhà. Con đường ấm lên nhờ nắng. Dì Xuân bế đứa em đi trước, Thêm thủng thẳng theo sau. Nó đi thật chậm, giữ khoảng cách chỉ đủ nhìn thấy em nó đến nhà trẻ an toàn. Khi ngang qua sạp bán thịt của cô ruột, mấy người đàn bà đang xúm xít nhau bàn tán. Một trong số họ kéo tay nó lại: "Ba mày rước đĩ vào nhà rồi”. “Mày có biết tiếp viên quán karaoke là gì không? Không khéo nó cuỗm hết tiền bạc rồi bỏ đi”.

Người cô ruột vừa nói xong thì bặm miệng chặt miếng sườn to trên tay. Tiếng “bụp bụp” liên tục át đi những lời xì xầm bỡn cợt. Chẳng ai chú ý đến gương mặt nó đỏ bừng bừng.

Từ hôm đó, nó luôn đề phòng dì. Trong nhà có gì quý giá, nó đều bỏ tủ khóa lại. Những thứ dì chạm vào, nơi dì đi qua, nó đều thấy dơ bẩn. Đến cái ghế dì hay ngồi, nó cũng tránh xa. Nó lo lắng thì thầm vào tai ba. Ba bảo dì Xuân là người tốt. Nó bĩu môi: “Tốt thế sao ba ngủ riêng?”. Ba nó bặm miệng, hai mắt hằn lên những sợi máu đỏ trừng trợn nhìn nó. Nó sợ nên vờ hụi hụi đuổi mấy con gà rồi lủi ra sau hè.

***

Mùa đông năm nay đến sớm. Gió thốc vào mái tôn kêu huỳnh huỵch. Không khí lạnh bủa vây căn nhà nhỏ. Cơn ho của ba Thêm mỗi lúc một dữ dội hơn. Nó nhón chân rón rén xuống giường, rùng mình khoác chiếc áo bông xuống bếp. Dì Xuân vừa chắt nước cơm xong, lùi ba củ khoai lang vào đống than đỏ rực.

Nó bắc ghế trèo lên giàn bếp lấy mấy con cá khô cho vào nồi rang sột soạt. “Sao lâu rồi dì không về thăm quê?”. “Dì là trẻ mồ côi.” Mặt dì ráo hoảnh nhìn nó. "Rồi sau đó?”. Nó nheo mắt. Dì hiểu điều nó muốn hỏi nên cười. Nụ cười rất khốn khổ. Dì đứng dậy cầm mấy lát gừng cho vào ấm nước ngun ngút khói. "Mười chín tuổi, dì bị lừa ký giấy nợ và buộc làm tiếp viên karaoke. Mỗi năm, lãi mẹ đẻ lãi con, trả mãi vẫn không dứt”.

Thêm mủi lòng nhìn sang. Dì Xuân đang lúi húi lùa mấy củ khoai lang vừa chín tới ra khỏi bếp. Chợt dì quay lại khẽ khàng: “Mấy lần dì gặp ba con ở bệnh viện. Ông ấy...”. Thấy Thêm đang chăm chú nghe, dì bần thần: “À... ông ấy đã chuộc dì ra và cho dì một mái nhà”.

Thêm trầm ngâm nhìn ra ngoài sân. Trời bắt đầu mưa rả rích. Tiếng ràn rạt trên mái tôn làm con Tím thức giấc. Nghe tiếng khóc, dì lau tay chạy nhanh vào buồng. Vừa thấy dì, nó nheo nhẻo đòi bồng. Dì rửa mặt, thay đồ cho nó. Đôi bàn tay thoăn thoắt và thuần thục. Từ ngày ở nhà với dì, nó chẳng quấn quýt Thêm. Đêm đến, nó ôm dì ngủ tới sáng. Thêm có thêm thời gian học hành và tỉ tê cùng mấy đứa bạn hàng xóm.

Hơn sáu giờ sáng, ngoài trời vẫn còn tối om. Dì Xuân dọn mâm cơm lên bàn. Mùi cá cơm khô rim nước mắm thơm phưng phức. Thêm bát thịt kho tàu béo ngậy và đĩa rau muống xào tỏi. Thêm quất hai chén liền. Ba nó cũng tấm tắc khen ngon nhưng chỉ ăn được vài muỗng. Dì nhìn ba nó cười nhưng môi xịu xuống như mếu. Ba nó đứng dậy vào phòng. Cơn ho đặc quánh, dai dẳng mãi không dứt. Ba khạc mạnh rồi im bặt. Nó dòm vào thấy ba sững sờ một lúc rồi cho gì vào túi. Ba nó ra khỏi nhà trong cái lạnh buốt vào da thịt.

Trời sâm sẩm tối, ba Thêm về. Người loạng choạng rồi đổ sầm xuống đất. Dì dìu vào chiếc giường tre gần bên bàn thờ mẹ, nơi ba vẫn thường ngủ mỗi đêm. Ông nhướn mày nhìn di ảnh mẹ, run rẩy nắm lấy đôi bàn tay hai chị em. Ba nó không nói được gì, chỉ gật đầu cười nhưng nước mắt chảy dài xuống má. Dì lặng câm. Thêm thút thít. Đứa em gái hoảng sợ khóc theo. Ba nó đã qua đời như thế.

***

Chiều sớm, gió thổi lồng lộng trên gò cát ngoài khu nghĩa địa. Thêm dựng xe đạp bên gốc thông già, ôm hai bó hoa cúc dại vừa hái trong vườn đặt lên mộ ba mẹ. Nó xới đất trồng thêm mấy cây huệ phía trước. Nán lại một lúc trên vách mộ, nó tưởng tượng họ đang ngồi trước mặt mà nói chuyện. Thỉnh thoảng nó nhoẻn miệng cười như thể vừa được khen ngoan. Khi nén hương tàn, con bé đứng dậy đi về. Vừa đi vừa đưa tay lên mắt quẹt vội. Mặt trời hắt lên lưng nó những tia nắng yếu ớt của ngày cuối đông, chiếc bóng đổ dài trên con đường làng heo hút.

Ngôi nhà nhỏ hiện ra sau lũy tre đằng ngà. Đứng từ đằng xa, nó đã thấy xe cô ruột cùng mấy họ hàng bên ngoại dựng trước ngõ. Tiếng nói oang oang vọng ra tới ngoài đường. “Bà con họ hàng cả mớ, mắc chi để tụi nhỏ sống với người dưng. Huống hồ con Thêm nó cũng chẳng ưa...”. Người chị họ nhìn sang dì Xuân.

Dì ngồi ôm đứa em gái trên võng. Mặt cúi xuống. Lúc này Thêm mới để ý mái tóc dì chẳng còn suôn mượt như trước. Tóc búi thành chùm phía sau rối bời, vài sợi rơi lõa xõa xuống vai. Khuôn mặt dì toát lên vẻ cam chịu, buồn tủi. Dì ngồi gỡ mấy vết mủ rau muống dính trên đầu móng tay cụt ngủn. Vừa ngước lên thấy Thêm, dì bảo: “Con xuống dưới nhà bới bát cơm ăn cho ấm bụng”. Thêm lắc đầu ngồi sụp xuống, tựa đầu vào bức tường loang lổ. Lúc bấy giờ, mọi người mới để ý đến nó. Cô ruột Thêm hỏi: “Chị em con về sống với cô hay mấy cậu?”. Nó không trả lời, khe khẽ nhìn sang dì Xuân. Dì quay đi tránh ánh mắt của nó rồi đi vào trong buồng. Nó nghe cánh tủ kêu “cạch, cạch” nên thắc thỏm chạy vào. Dì đang xếp mấy bộ đồ đã cũ mèm bỏ vào trong ba lô. “Dì đi đâu?”. “Dì về thành phố ở với bạn”. “Dì ở lại được không? Con không muốn dì đi. Nó thút thít”.

Vừa nói, nó vừa ôm lấy bờ vai gầy gò đang run lên bần bật. Mắt nó, mắt dì ầng ậng nước. Đứa em nhỏ chập chững bước vào níu chân dì nằng nặc đòi bồng. Bên ngoài, hai bên họ nội ngoại vẫn đang tranh cãi về việc ai sẽ nuôi chị em nó, học ở đâu, gửi trẻ chỗ nào. “Con Thêm đâu rồi?”. “Dạ! Con không đi đâu hết. Con ở với dì”. "Cái con bé này! Người nhà không ở, ở với người dưng! Thôi kệ nó!”. Cả nhà nội ngoại vội ra về như trút được gánh nặng sắp đè lên vai.

Thêm đứng dậy thắp hương trên bàn thờ ba mẹ. Dì vén lại mái tóc, dắt con Tím ra sân. Bầy gà trong vườn lục tục chạy lại. Dì vãi nắm thóc xuống đất, tóm được con gà mái tơ.

Chập choạng tối, không khí lạnh tỏa là là trên sân. Thêm vẫn còn ở ngoài vườn lượm thêm mấy nhánh củi thông, gác lên bếp hong khô. Dì giục nó vào trong nhà tắm rửa. Nồi cháo gà sôi ùng ục trên bếp. Dì rót nước ra cái ca nhựa, mùi lá chè xanh thơm gừng làm nó dễ chịu. Bên góc nhà, con Tím đang thò tay bắt mấy con vịt con trong chiếc thúng cũ đầy rơm, cười rần rật. Thêm để ý đôi bướm trắng đang lượn lờ trước cửa. Chúng dập dờn quanh nhà rồi đậu lên vai Thêm. Nó đưa tay đón lấy.

Trời trở gió. Đôi bướm lần lượt bay đi. Xa dần. Xa dần và mất hút trong làn sương mỏng. Bên chái bếp, Thêm và dì Xuân vẫn mải miết nhìn theo.

NGỌC MỸ KIM

;
;
.
.
.
.
.