Đình Hà Nha, quá khứ và tương lai

.

Đình làng Hà Nha được xây dựng cách đây hơn 250 năm, gắn với quá trình khẩn hoang, khai phá lập nên làng xã ở vùng đất Hà Nha nói riêng, Đại Đồng (huyện Đại Lộc) nói chung. Ngày nay đình không còn nữa nhưng nhiều sự kiện, dấu ấn lịch sử cách mạng quan trọng của địa phương liên quan đến ngôi đình qua các thời kỳ vẫn còn trong tâm thức của người dân Hà Nha.

Chí sĩ Trần Cao Vân (1866-1916). Ảnh: Tư liệu
Chí sĩ Trần Cao Vân (1866-1916). Ảnh: Tư liệu

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Đại Đồng, 1930-2015 (NXB Đà Nẵng, 2016) và qua gia phả của các tộc Lê (Vĩnh Phước), Nguyễn Đăng (Hà Thanh)... hầu hết cư dân đến sinh sống tại xã Đại Đồng nói chung, làng Hà Nha nói riêng từ thế kỷ XVIII trở về sau có nguồn gốc chủ yếu từ Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Đình, chùa và nhà sư Như Ý

Sau khi an cư lạc nghiệp, lập thành làng xóm, cuộc sống dần đi vào ổn định, để ghi nhớ công ơn khai khẩn của tiền nhân đối với vùng đất mới này, các thế hệ con cháu đời sau ở làng Hà Nha bàn nhau chọn vùng đất lành, cao ráo và cùng chung tay góp công, góp của xây dựng một ngôi đình để làm nơi thờ tự các bậc tiền hiền, hậu hiền - những người đã có công khai đất, lập làng. Đình làng Hà Nha ra đời từ đó.

Theo các vị cao niên trong vùng, đình Hà Nha ban đầu được xây dựng bằng tranh tre nứa lá trên một khu đất cao, mặt xây về hướng đông. Về sau, chư tộc họ cùng nhau chung góp xây dựng đình kiên cố hơn bằng đá, trát vôi, mái lợp ngói âm dương; các cấu kiện bên trong được chạm khắc bằng gỗ mít vườn lâu năm do những nghệ nhân trong làng tạo nên.

Trải qua những biến thiên của lịch sử, đình Hà Nha không những là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, thờ cúng, thể hiện sự tri ân công đức của các bậc tiền nhân mà còn là chứng nhân của biết bao sự kiện lịch sử bi hùng của làng xã, quê hương.

Khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, đình Hà Nha trở thành nơi tổ chức các cuộc họp bí mật những người yêu nước trong làng và các làng lân cận để bàn việc chống giặc. Đặc biệt, trong những năm 1888-1891, Chí sĩ Trần Cao Vân (1866-1916) nhiều lần ghé qua đây.

Sách đã dẫn cho biết, sau thất bại của Nghĩa hội Quảng Nam, Trần Cao Vân tìm cách ẩn mình tu tại chùa Cổ Lâm với thân phận là một nhà sư (lấy pháp danh là Như Ý) để che mắt kẻ thù, nhằm truyền bá tinh thần yêu nước tại địa phương. Chùa Cổ Lâm cách không xa đình Hà Nha nên ông nhiều lần đến viếng hương, lễ bái cầu quốc thái dân an và bí mật truyền bá tư tưởng yêu nước. Sau khi ngôi chùa bị tay sai của thực dân Pháp khám xét lùng sục, nhận thấy không thể ẩn mình trong chiếc áo tu hành, ông bèn về làng mở trường dạy học.

Bia Di tích Lịch sử Chùa Cổ Lâm nhắc đến việc ông từng đến đình Hà Nha trên bước đường hoạt động của mình. Ảnh: An Tường
Bia Di tích Lịch sử Chùa Cổ Lâm nhắc đến việc ông từng đến đình Hà Nha trên bước đường hoạt động của mình. Ảnh: An Tường

Trân trọng quá khứ, hướng đến tương lai

Tháng 2-1908, nhân dân làng Hà Nha và vùng phụ cận tập trung về đình Hà Nha phát động phong trào đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng của thực dân Pháp và cường hào phong kiến. Từ đó, các cuộc xuống đường đòi yêu sách, phản đối chế độ độc tài hà khắc của thực dân, phong kiến bắt đầu lan tỏa nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và sau đó ảnh hưởng rộng tới một số tỉnh miền Trung.

Để chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám 1945, đình Hà Nha là địa điểm tập kết lực lượng quần chúng, là nơi bí mật tập luyện, rèn đúc vũ khí. Với các loại vũ khí thô sơ như gậy gộc, dây dừa, dao rựa, búa, liềm... tất cả xuống đường khởi nghĩa bằng vũ trang giành chính quyền, lấy lại ruộng đất chia cho dân nghèo.

Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, vùng đất Hà Nha là nơi bị địch đêm ngày cày xới, lùng sục, là nơi hứng không biết bao bom đạn của kẻ thù, khiến cho quê hương ly tán, ruộng đồng xác xơ, nhà cửa bị đốt cháy, đền chùa sụp đổ và đình làng Hà Nha cũng nằm trong số phận đó...

Sau ngày quê hương giải phóng, Đảng bộ và chính quyền địa phương đã chọn vị trí ngay đình làng để xây dựng trụ sở làm việc. Tuy đình làng ngày nay chỉ còn trong ký ức, song trong tâm thức của người dân làng Hà Nha đình vẫn được xem như là một chứng nhân lịch sử chứng kiến bao thăng trầm, đổi thay của vùng đất này. Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hằng năm vào dịp xuân - thu nhị kỳ người dân làng Hà Nha đều chuẩn bị lễ vật tập trung về khu vực nền đình Hà Nha xưa, che dựng lều tạm để tổ chức lễ cúng, dâng hương tri ân, tưởng nhớ các bậc tiền hiền, hậu hiền, các vị thần có công phù hộ, độ trì cho dân làng...

Nhằm tri ân công đức tiền nhân, trân trọng quá khứ và hướng đến tương lai tốt đẹp, nhắc nhớ cho con cháu mai sau về truyền thống lịch sử của vùng đất Hà Nha - Đại Đồng, chính quyền địa phương cũng như nhân dân, chư phái tộc trên địa bàn xã Đại Đồng và làng Hà Nha có ý nguyện phục dựng lại đình làng Hà Nha thành một quần thể khang trang. Đây là niềm mong mỏi của người dân về một nơi thờ tự các bậc tiền nhân các tộc họ trong làng cũng như tưởng nhớ về anh hùng liệt sĩ những người con ưu tú trong công cuộc mở mang bờ cõi, khai đất lập làng và đấu tranh bảo vệ đất nước của cha ông, đồng thời ghi danh các con cháu học hành đỗ đạt...

AN TRƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.