Đồng xa vọng nhớ quê nhà...

.

Qua "Đồng xa cỏ ngọt" (NXB Dân Trí, 2024), nhiều bạn đọc sẽ nhận ra không phải tác giả đang kể câu chuyện của cánh đồng, mà cánh đồng đang kể câu chuyện của chính mình. Những cánh đồng dù chiêm trũng hay khô cằn, dù nước ngọt hay nước lợ, dù đồng bằng sông Hồng hay đồng bằng sông Cửu Long đều ngấm mạch nguồn văn minh lúa nước. Là chiếc nôi để hình thành văn hóa làng xã Việt Nam. Thủ thỉ, rì rầm, cánh đồng không chỉ kể câu chuyện về cỏ ngọt, nếp cái hoa vàng… Mà còn kể về tâm tình của những người con dứt áo rời làng buôn ba phố xá vẫn một lòng đau đáu nhớ thương quê…

“Đồng xa cỏ ngọt” của Hoàng Hiền là những mảnh ký ức xuyên suốt từ phố về làng, từ thực tại về với ấu thơ. Không gian ký ức của tác giả chính là ngôi làng nhỏ nằm bên dòng sông Cái hiền hòa. Nhưng khi đọc tập tản văn này tôi lại tìm thấy những ký ức lấm lem bùn đất, rờ rỡ tươi đẹp của chính mình. Sinh động đến mức tưởng như tác giả đã từng sống và lớn lên trên vùng quê trung du miền núi của chính tôi.

Hoàng Hiền quê gốc ở Kinh Môn (Hải Dương) nhưng chị đã theo gia đình vào Nam từ năm 18 tuổi. Suốt hai mươi năm qua, nguồn cội quê nhà luôn da diết khôn nguôi và trở thành nguồn cảm hứng trong sáng tạo văn chương của chị. Trong tản văn “Đồng xa cỏ ngọt”, có đoạn tác giả kể về việc tìm lại được người bạn thuở chăn trâu cắt cỏ từng rời bỏ quê hương. “Bạn nói có nhận ra tôi nhưng những kỷ niệm về quê nhà đã quên gần hết”. Thật vậy, theo thời gian nhiều vùng ký ức trong bộ não con người chỉ còn lại những khoảng trắng.

Ấy vậy mà đối với Hoàng Hiền ký ức về làng quê vẫn rõ nét: “Mỗi lần nghĩ về nhà cũ, bao giờ hình ảnh cái bể nước mưa cũng hiện lên rõ nét: từ vết nứt mọc đầy rêu ở bậc thềm đứng múc nước, từ bụi cỏ mật lún phún xanh mọc dưới chân bể thơm ngan ngát khi mùa xuân về, từ đám lá trầu không xanh mướt đến đàn chim hay bay về quẹt mỏ chiêm chiếp với đàn gà trong sân. Tất cả đều bình yên, đẹp đẽ và rõ nét như được chụp lại bằng trí nhớ” (Cái bể nước mưa).

Nỗi nhớ làng, nhớ quê trong “Đồng xa cỏ ngọt” còn là sự nuối tiếc khi làng quê đã đổi thay nhiều. Không chỉ vì cuộc sống hiện đại hơn, nước máy về đến tận bếp, nhiều nhà trong làng phá bỏ cái bể nước ngày xưa. Không chỉ vì “đồng đất quê nhà bây giờ đổi thay nhiều… Trẻ con không còn theo mẹ đi tát cá đồng xa”. Hay “sông không còn rộng mênh mang như xưa nữa”. Mà vì trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, máy móc thay thế sức lao động của con người và trâu bò nên rơm rạ trở thành thứ thừa thãi. “Người làng tôi chờ rơm tái rồi châm một ngọn lửa… Làng đốt rơm, xã đốt rơm, ngoại ô đốt rơm, nội thành “mù sương”.

Cây đa, cây xoan, cây gạo ở đồng Bái, đồng Chiềng cũng héo hon mà chết - thân cây khô nhẳng vươn những ngón tay gầy guộc lên trời” (Làng khói). Buồn vì những người nông dân tảo tần quen với nếp nghĩ người ta làm thế thì mình cũng vậy. Họ không chịu đổi thay cách nghĩ, cách làm nên rơm thì đốt bỏ mà “đất cứ cằn đi vì không có rơm rạ mục mà độn ruộng, chỗ nào cũng thấy vỏ phân bón hóa học, vỏ thuốc trừ sâu… Người đi xa về than rau thơm không còn thơm nữa, hạt gạo nhạt thếch, củ khoai không ngọt, củ sắn không bùi. Mẹ thiên nhiên vốn đã tạo ra chu trình tuần hoàn hoàn hảo lắm rồi, cớ sao người làng mình vẫn gồng lưng làm trái ý. Mà đâu chỉ làng mình…” (Làng khói).

Có khi tác giả dẫn người đọc tới những không gian khác. Nhưng dù ở đâu, làm gì thì tất cả những bình dị, thân thương nhất cũng đều khiến người ta nhớ đến quê hương. Như chiều chiều đứng trên sân thượng của ngôi nhà hiện tại nằm trong một quận vùng ven thành phố, nhìn các bác các dì lui cui quét sân quét ngõ thì tác giả “nhớ nao lòng tấm lưng đầm đìa mồ hôi của cha mẹ ở quê nhà, nhớ khoảng sân rộng suốt ấu thơ chạy ra chạy vào ngóng mẹ sau buổi chợ” (Cuối hẻm). Như khi ngồi cùng bạn ở bãi biển của một thành phố trẻ “ngắm những chiếc thuyền lớn tôi lại nhớ con thuyền của chú tôi tròng trành neo ở bến sông quê nhà”(Chỉ nghe sóng vỗ).

Hình ảnh về người mẹ đã mất chính là mạch nguồn cảm xúc xuyên suốt các tác phẩm trong “Đồng xa cỏ ngọt”. Với “Đường về nhà” nhiều bạn đọc sẽ tìm thấy mẹ mình đâu đó trong hình ảnh “mẹ làm cỏ sục bùn, mẹ quạc sâu cuốn lá, mẹ dặm lúa, tỉa hành, phát bờ cuốc góc. Từ cánh đồng, mẹ dạy “dễ rơi là hạt đầu bông”, mẹ dạy “lúa chín cúi đầu, sông sâu tĩnh lặng”, dạy vay người vực bát gạo cuối mùa thì đầu mùa phải trả lại đầy vun… Dẫu đi qua bao đắng cay tủi nhục mẹ vẫn dạy các con sống lương thiện hiền hòa”.

Dù đã khuất núi về trời nhưng dòng máu của mẹ vẫn chảy trong huyết quản những đứa con. “Mẹ đi rồi, tôi úp mặt vào nước và lửa mà rưng rức niêu cơm, mua một món ngon lại nghĩ mẹ sẽ chẳng được ăn thêm một lần nào nữa… Những niềm vui trong đời, vì vắng mẹ nên không còn trọn vẹn. Thấy một người già phơ phơ tóc bạc lại th​​​​​​ấy lòng mình day dứt vì mẹ chưa kịp về già.” Có lúc nỗi đau mất mẹ khiến tác giả thốt lên: “Tôi thấy mình là cái cây không còn gốc, sông rạch không còn nguồn…” (Mẹ là ánh đuốc).

Đọc xong “Đồng xa cỏ ngọt” tôi sẽ thấy có một con đường dần được hiện lên. Với người này đó là con đường để rời đi nhưng với người khác đó lại là con đường trở về nhà. Tôi đọc được một thông điệp chìm trong con chữ, đừng mải mê ảo tưởng cỏ ngọt đồng xa để đến lúc mất cả quê nhà…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.
.