Khi quy định... chỉ nằm trên giấy

.

1. Vé ca nhạc quy định: “Bạn vui lòng đến đúng giờ. 15 phút sau mở màn, vé không có hiệu lực”. Dòng chữ được in đỏ bên ngoài bì thư đựng vé. Nghiêm túc chấp hành, chúng tôi xúng xính đến trước 20 phút và sớm ổn định chỗ ngồi. Nhưng chương trình đã không diễn ra đúng thời gian và quá bốn mươi phút so với giờ mở màn, nhiều tốp người vẫn lạo xạo đi vào, xôn xao tìm ghế. Mặc dù quy định đã có nhưng ban tổ chức vẫn không quyết liệt thực hiện. Thành ra, quy định vẫn chỉ là dòng chữ nằm trên giấy. Thành ra, những người tuân thủ giờ giấc hôm ấy không chỉ chờ đợi, đánh mất thời gian của mình mà còn không trọn vẹn cảm xúc khi thưởng thức.

Việc quy định đúng giờ để bảo đảm nghệ sĩ và khán giả được thăng hoa trong nghệ thuật luôn là điều tất yếu trong tổ chức chương trình nhưng việc thực thi thì… “tùy hỉ”. Nơi nghiêm khắc từ chối người đến trễ. Nơi du di kiểu “dĩ hòa vi quý”. Việc thờ ơ trước những quy định chẳng riêng trong trường hợp này mà có thể dễ dàng bắt gặp ở bất cứ đâu. Dòng chữ ghế ưu tiên trên xe buýt như “vô hình”. Dòng vạch kẻ xếp hàng trước thang máy bị dẫm lên…

Không chỉ quy định “nhỏ”, ngay cả quy định “to” - pháp luật đã được ban hành, có hiệu lực về mặt pháp lý - cũng bị quên lãng. Mặc dù hành vi sử dụng điện thoại di động tại cây xăng có mức phạt từ 2 triệu - 5 triệu đồng theo Nghị định số 52/2012/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy nhưng vẫn còn nhiều người ung dung sử dụng. Mặc dù Nghị định số 176/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có các quy định về phòng chống tác hại thuốc lá quy định rõ: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng đối với một trong các hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; bỏ tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại những địa điểm được phép hút thuốc lá nhưng không ít người vẫn ngang nhiên thực hiện.

2. Ai phạt? Phạt như thế nào? Việc lúng túng trong thực thi các quy định, điều luật cũng như chưa nghiêm khắc xử phạt khiến tình trạng “nhờn luật” ngày càng có chiều hướng tăng. Vậy làm thế nào để quy phạm có giá trị thực tiễn? Nhiều quốc gia trên thế giới đã tăng cường áp dụng những hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi sai trái của người dân ở nơi công cộng, đơn cử như xả rác. Người xả rác ở Singapore không chỉ bị phạt tiền mà còn phải lao động công ích. Hình phạt tù vì xả rác bừa bãi đã được quy định trong luật lệ của quận Makassar (thành phố South Sulawesi, Indonesia). Luật pháp Hồng Kông (Trung Quốc) quy định xả rác nơi công cộng là một hành vi phạm tội; do đó, họ sử dụng biện pháp truy tìm ADN từ mẩu rác của người vứt rồi phác thảo chân dung thủ phạm dán khắp phố trong trường hợp không bắt được tại trận. Tại Anh, tội xả rác còn nặng hơn trộm cắp…

Rõ ràng, để xây dựng một xã hội chuẩn mực, tốt đẹp, văn minh hơn, kỷ luật thép là cần thiết­­. Tôi còn nhớ hồi học đại học, một người thầy luôn hiền lành với chúng tôi trong giảng dạy, tôn trọng ý kiến sinh viên nhưng cực kỳ nghiêm khắc về sự đúng giờ. Lần đầu tiên đến muộn, thầy yêu cầu xin lỗi cả lớp. Lần thứ hai, thầy kiên quyết từ chối cho vào lớp dù học trò năn nỉ thế nào. Từ khi bạn học đầu tiên bị “cấm cửa”, tình trạng đi học trễ chưa bao giờ lặp lại ở lớp học của thầy. Hay bạn tôi - người từng ra về trong tiếc nuối khi đến trễ một vở kịch - luôn thúc giục bạn bè, người thân đi sớm trong các sự kiện về sau.

3. Bên cạnh kỷ luật thép, việc xây dựng ý thức từ nhỏ vô cùng quan trọng. Điều này không chỉ cần sự hướng dẫn từ nhà trường mà hơn hết là sự làm gương của cha mẹ.

Những hành động nhỏ lặp đi lặp lại khi dừng đèn đỏ, khi xếp hàng… của phụ huynh đều sẽ tác động trực tiếp đến suy nghĩ và hành động của trẻ. Sự mẫu mực của cha mẹ chính là thước đo của các con, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục trẻ.

Chặng đường để quy định rời khỏi văn bản, áp dụng trong thực tiễn khó khăn nhưng không phải là không thể. Tin rằng, sự quyết liệt của các cấp chính quyền, sự ý thức của mỗi cá nhân, việc dám lên tiếng phản đối hành vi sai… đều có ý nghĩa. Hôm nay chưa đạt, ngày mai chắc chắn đạt. Ngày mai chưa đạt, chắc chắn tương lai sẽ đạt. Quan trọng là phải nghiêm túc, bền bĩ trong thực hiện!

HÀM CHÂU

;
;
.
.
.
.
.