Khoảng trời riêng đặc biệt của thơ

.

Theo tôi, vu vơ hay lơ ngơ đó là khoảng trời riêng đặc biệt của thơ. Đó là những khoảnh khắc nhà thơ tự thoát mình khỏi mọi vướng bận, để có thể tự do đi lơ ngơ giữa cuộc đời, và viết được bài thơ lơ ngơ cho riêng mình.

Nhà thơ Tế Hanh thời kỳ sáng tác rực rỡ nhất. Ảnh: Tư liệu
Nhà thơ Tế Hanh thời kỳ sáng tác rực rỡ nhất. Ảnh: Tư liệu

Đã từng có những câu thơ khuyết danh dễ thương như thế này: "Lạnh lùng thay láng giềng ơi/ Láng giềng lạnh ít sao tôi lạnh nhiều". Đây là thơ khuyết danh chứ không phải ca dao. Có thể xếp dạng thơ này vào dạng "thơ vu vơ” được không? Dù cái vu vơ này có nhằm tới đích. Đích thì đã rõ. Nhưng hai câu thơ này khiến người ta nhớ. Tự nhiên tôi cũng nhớ, dù không biết mình đọc ở đâu, từ bao giờ.

Có thể nói đó là thơ vu vơ găm vào ta một cách cũng vu vơ. Nó vừa tỏ vừa mờ, vừa lãng đãng vừa nhắm đích. Nhưng nó chỉ dừng lại ở đó.

Tôi nhớ một bài thơ của Tế Hanh, không thuộc thơ vu vơ, mà thuộc thơ lơ ngơ. Đó là cái chất của một nhà thơ vừa giản dị hồn nhiên vừa đặc biệt như Tế Hanh. Bài thơ ấy của ông trước hết găm vào tôi hai câu thơ: "Phố này anh đến tìm em/ Người qua lại tưởng anh tìm bóng cây”. Đó là hai câu thơ không thể giản dị hơn, nhưng cũng không thể kỳ lạ hơn. Làm nên cảm giác đặc biệt ấy vì hai câu thơ này rất… lơ ngơ. Và lơ ngơ là cái chất sâu thẳm của Tế Hanh và của thơ ông. Cả bài thơ thế này:

HÀ NỘI VẮNG EM

Thế là Hà Nội vắng em
Anh theo các phố đi tìm ngày qua
Phố này ở cạnh vườn hoa
Nhớ khi đón gió, quen mà chưa thân
Phố này đêm ấy có trăng
Cùng đi một quãng nói bằng lặng im
Phố này anh đến tìm em
Người qua lại tưởng anh tìm bóng cây
Anh theo các phố đó đây
Thêm yêu Hà Nội vắng đầy cả em

Nếu tôi nhớ không nhầm, thì “em” đây là một nữ nhà thơ, có thật, chứ không phải do Tế Hanh tưởng tượng ra. Tôi nhớ, một lần cũng lâu tới gần ba chục năm rồi, Tế Hanh với tôi và Nguyễn Thụy Kha cùng ngồi một quán ven hồ với “em” này. Rất vui và rất tình cảm. Đúng là Tế Hanh có "cảm” em này thật. Và tôi với Thụy Kha thì tích cực vun vào.

Chỉ vậy thôi. Và Tế Hanh có bài thơ ngắn mà tôi cho là một kiệt tác của thơ ông. Chỉ 10 câu thơ lục bát, Tế Hanh đã thể hiện trọn vẹn tính “lơ ngơ” của ông trong bài thơ này. Và khi “người qua lại” là người thành phố, không phân biệt được nhà thơ cao tuổi này lơ ngơ tìm cái gì, “bóng em” hay “bóng cây”, thì chỉ nhà thơ biết, riêng mình ông biết mà thôi.

Bây giờ có nhiều nhà thơ làm thơ tân kỳ, theo những xu hướng thơ mới nhất trên thế giới, nhưng rất ít, hoặc không có nhà thơ nào làm được những bài thơ vu vơ, nhất là những bài thơ lơ ngơ như thơ Tế Hanh. Mà theo tôi, vu vơ hay lơ ngơ đó là khoảng trời riêng đặc biệt của thơ. Đó là những khoảnh khắc nhà thơ tự giải thoát mình khỏi mọi vướng bận, để có thể tự do đi lơ ngơ giữa cuộc đời, và viết được bài thơ lơ ngơ cho riêng mình.

Thơ phải được viết đầu tiên cho chính nhà thơ là tác giả, sau đó mới tới cho người đọc. Tôi có cảm giác, khi viết được bài thơ lơ ngơ này, Tế Hanh đã nhìn lên vòm cây Hà Nội, dù lúc ấy mắt ông đã rất kém.   

THANH THẢO

;
;
.
.
.
.
.