Một mảnh ghép đáng trân trọng của lịch sử dân tộc

.

Có nhiều cách để tìm hiểu về lịch sử dân tộc, đất nước, nhưng có lẽ cách hấp dẫn nhất, thú vị nhất chính là đọc hồi ký của những “người trong cuộc” - những mảnh ghép nhỏ bé nhưng không thể thiếu đã góp phần làm nên bức tranh lịch sử trọn vẹn.

Hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước” (NXB Tri Thức, 2012) của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước (1992-2002), nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969-1976), nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1976-1986), là một trong những cuốn sách “phải đọc” với những ai muốn hiểu thêm, để yêu thêm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của các thế hệ cha anh.

Bà Nguyễn Thị Bình (tên thật là Nguyễn Thị Châu Sa) thuộc thế hệ những người đã trải qua cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và 30 năm xây dựng đất nước sau khi thống nhất năm 1975. Số phận cuộc đời đã “đặt” bà ở thời điểm để có thể đồng hành lịch sử dân tộc trong một giai đoạn dài và đặc biệt nhất của lịch sử Việt Nam hiện đại. Từ đó bà trở thành chứng nhân lịch sử, trở thành người trong cuộc, trở thành một trong những gương mặt đại diện cho ý chí độc lập, khát vọng hòa bình, và cả sự mạnh mẽ, quyết liệt nhưng cũng đầy nữ tính của người phụ nữ Việt Nam. Nhà giáo Vũ Khiêu lúc sinh thời đã dành tặng bà đôi câu đối: “Nam quốc riêng gì trai dũng lược/ Tây Hồ còn đó gái anh thư”.

Có lẽ tiêu đề cuốn sách “Gia đình, bạn bè và đất nước” đã nói lên những điều quan trọng nhất, thiêng liêng nhất đối với người phụ nữ đặc biệt này khi bà đặt bút viết những dòng đầu tiên trong bản thảo cuốn hồi ký ở tuổi 80 (2007). Cuốn sách lôi cuốn người đọc bởi văn phong giản dị, nhẹ nhàng, cảm động ở các chi tiết đời thường bà kể về cha mẹ, các em, về mối tình đầu và cũng là tình cuối khi người đó sau này trở thành chồng bà, về những năm tháng hoạt động cách mạng, tham gia chính quyền được sống giữa yêu thương của bạn bè, đồng chí...

Ở tuổi 80, bà nhớ về người cha đã ảnh hưởng rất lớn tới bà trong cách đánh giá con người thông qua thái độ với lao động: một người lười biếng thì không bao giờ có thể là người tốt; phải học cách tự làm mọi việc; phải rèn luyện thể dục thể thao...

Những trang viết về gia đình của cuốn hồi ký có lẽ là phần chạm đến trái tim nhiều độc giả nhất, bởi dường như ai cũng sẽ tìm thấy một phần nào đó của mình. Một thiếu nữ ở tuổi 16 đã phải thay mẹ giúp cha chăm sóc 5 đứa em. Một cô gái khi trưởng thành đã từ chối cơ hội ra Bắc để gặp lại người yêu chỉ vì lo cho bầy em còn nhỏ dại ở nhà không ai lo lắng vì mẹ mất sớm. Một phụ nữ sau bao tháng năm xa nhà vì công việc, cho tới lúc nghỉ hữu, vẫn giữ trong lòng nỗi mong mỏi được trở về quê nhà sống gần với các em. Đó chính là những gì đã trải qua trong cuộc đời bà Bình.

Với những người cùng thế hệ, họ sẽ không quá ngạc nhiên với câu chuyện tình yêu của bà. Nhưng có lẽ với nhiều bạn trẻ bây giờ, họ thật khó hình dung vì sao người ta có thể “hâm nóng” một mối tình trong suốt 9 năm bằn bặt xa cách chỉ với một dòng chữ hỏi thăm viết tay như vậy. Chuyện tình của bà Bình và ông Đinh Khang - chồng bà là thế. Một thời, họ đã tin và yêu nhau như thế.

Những tình sâu nghĩa nặng đó là minh chứng thật thuyết phục để hai chữ “gia đình” được đặt lên trước tiên trong tựa đề cuốn sách. Đó là nơi khởi nguồn, chăm chút và nuôi dưỡng nên một nhân cách và bản lĩnh Nguyễn Thị Bình trong suốt những năm tháng về sau.

Tất nhiên, nhắc đến bà Bình, những trang sử của chúng ta và các tài liệu nghiên cứu lịch sử của thế giới đều đã gắn liền cái tên Nguyễn Thị Bình cùng các tên tuổi khác như Xuân Thủy, Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh... với một sự kiện lịch sử: Hiệp định Paris ký kết ngày 27-1-1973. Để đi đến ngày lịch sử đó, bà Bình cùng các thành viên chủ chốt khác trong đoàn Việt Nam đã trải qua một quá trình đàm phán hòa bình kéo dài nhất trong lịch sử, từ tháng 11-1968 đến ngày 27-1-1973. Đó là khoảng thời gian mà chắc chắn khi rời Việt Nam vào tháng 10-1968 sang Paris để bắt tay làm nhiệm vụ, bà Bình đã không thể hình dung. Chừng ấy năm đằng đẵng chỉ với rất ít lần hiếm hoi được về thăm nhà, người phụ nữ ấy đã nhiều lần day dứt với câu hỏi của hai con “bao giờ mẹ được về?”.

Nhiều người hẳn đã xem đoạn video trích từ cuộc đối thoại của bà Bình với các nhà báo nước ngoài tại Paris. Đoạn video được lan tỏa vì nó cho người ta cảm nhận đầy đủ về tinh thần, khí chất của người phụ nữ bản lĩnh này khi bày tỏ rõ ràng, thẳng thắn về lập trường và quan điểm của Việt Nam trong các vấn đề liên quan tới cuộc chiến đang diễn ra ở miền Nam Việt Nam khi đó. Họ càng cảm nhận sâu sắc hơn những điều này khi đọc kỹ thêm về những gì đã diễn ra trong suốt cuộc đấu trí dai dẳng và giằng co đó. Một cuộc đàm phán mà phía Mỹ thay trưởng đoàn đàm phán tới 5 lần, còn phía ta chỉ thay một lần, đó là khi bà Bình thay cho ông Trần Bửu Kiếm làm đại diện cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam tham gia đàm phán.

Nhìn lại một cuộc đời với rất nhiều nội dung được cô đọng trong hơn 300 trang sách, mỗi người sẽ rút tỉa được một điều gì đó thật ý nghĩa với mình. Với tôi, tôi cảm động và nghĩ nhiều về lòng biết ơn mà tác giả cuốn hồi ký đã chia sẻ trong cuốn sách. Và tôi chợt nhận ra, có lẽ, tiêu đề cuốn sách cũng là sự bày tỏ lòng biết ơn của bà với gia đình, bạn bè và đất nước, những gì đã làm nên con người bà, và cũng là những gì bà đã dành trọn cuộc đời rất đẹp của mình để hướng về.

D. KIM THOA

;
;
.
.
.
.
.