Phía biển, những con sóng mải miết xô bờ, nhịp nhàng như hơi thở của đại dương không bao giờ ngơi nghỉ. Nhìn bình yên là thế, nhưng trước mỗi chuyến ra khơi, những lão ngư Đà Nẵng thường dành thời gian “trông trời, trông đất, trông mây”, bởi theo họ, mỗi tín hiệu từ thiên nhiên đều gửi đến thông điệp về những gì sắp xảy ra…
Ngư dân Cao Văn Minh (bên trái) nói máy móc có thể hỏng, nhưng kinh nghiệm dân gian thì không bao giờ mất đi. Ảnh: T.Y |
1. Sở hữu tàu cá công suất lớn đánh bắt ngư trường Hoàng Sa, ngư dân Nguyễn Văn Hoàng (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) buộc phải “nằm bờ” khi có bão. Còn lại, ông đều dong thuyền đánh bắt khơi xa. Những chuyến đi kéo dài cả tháng.
Theo ông Hoàng, mùa biển động, cá thường đi theo đàn, tập trung vùng nước sâu, vì thế đây là thời điểm thuận lợi để đánh bắt hải sản có giá trị kinh tế. Kinh nghiệm hơn 30 năm đi biển, ông không chỉ thành thạo việc lái tàu, mà còn có khả năng “nhìn biển” theo kinh nghiệm dân gian.
Ông kể, mỗi lần chuẩn bị ra khơi, ông cùng nhiều ngư dân khác dành thời gian quan sát bầu trời, cảm nhận làn gió và độ ẩm trong không khí. Tháng Bảy nhìn ra, tháng Ba nhìn vào. Ông lý giải, tháng Bảy nhìn ra biển, nếu có mây cuộn thành đụn sẽ có mưa lớn, trong khi tháng Ba nhìn vào núi Sơn Trà, nếu thấy trên đỉnh núi có mây nhiều sẽ có giông giật. Chưa kể, tháng Bảy cũng cần “xem đông, xem tây” để biết hướng gió mà đoán định thời tiết.
Gió đông biển êm, nhưng gió tây nổi lên thì phải cẩn thận. Ông Hoàng nói rằng kinh nghiệm này không có trong sách vở, mà là kết quả của quá trình lênh đênh trên biển, chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. “Mọi người không thể biết chắc biển sẽ nổi giông lốc lúc nào, nhưng nếu tinh ý, có thể nhận ra dấu hiệu của cơn bão từ sớm”, ông Hoàng nói, hướng đôi mắt hằn sâu vết chân chim về phía biển.
Với người coi biển-là-nhà như ông Hoàng, mỗi chuyến ra khơi là một lần thử thách bản thân. Ông kể, trong hàng trăm chuyến biển xa bờ, con tàu ĐNa 91047 do ông làm thuyền trưởng nhiều lần đối mặt với những cơn bão lớn. Có lần, thuyền gặp bão khi đang đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa.
Biển xanh ngả màu xám xịt, sóng cuộn dữ dội không ngừng. Những con sóng dâng cao, đưa tàu duềnh lên rồi bất ngờ rơi hẫng xuống. Thuyền chao đảo. Hàng chục tia chớp đan xen, kèm theo tiếng sấm khiến nhiều thuyền viên hoảng sợ. Giữa lúc nguy hiểm, bộ đàm mất tín hiệu, ông Hoàng phải dựa vào kinh nghiệm và sự phán đoán của bản thân để điều hướng tàu đi qua vùng nước an toàn. Ông bảo rằng, đi biển không chỉ cần sức mạnh mà cần phải hiểu biển và luôn sẵn sàng đối mặt với điều kiện thời tiết không lường trước.
Ngoài bão tố, người đi biển như ông Hoàng còn học cách ứng xử với những thay đổi nhỏ nhất từ thiên nhiên. Cách đây không lâu, khi tàu ngang qua vùng nước ấm cách bờ hàng trăm hải lý, cá tôm mất hút, ông nhanh chóng nhận ra đây là dấu hiệu cho thấy đáy biển đang đổi dòng hải lưu. Liền sau đó, ông lái tàu di chuyển đến vùng nước khác, nơi có thể có đàn cá di cư. Quả nhiên, tàu đánh bắt được lượng lớn cá thu, cá ngừ đại dương. “Cái này không ai dạy, mà do mình tự học từ những chuyến đi biển”, ông Hoàng cười, ánh mắt ánh lên niềm tự hào của một lão ngư dạn dày sương gió.
2. Dưới mỗi làng chài, người dân được truyền dạy khả năng “nhìn biển” trước chuyến ra khơi. Người lớn tuổi dạy người trẻ cách đánh bắt cá, cách “đọc” bầu trời, gió và sóng. Ngư dân Lê Minh Chuyên (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), thuyền trưởng tàu lưới rê có công suất 300CV đánh bắt ngư trường Hoàng Sa cho biết, trên tàu có máy đo sóng, máy định vị, nhưng vẫn không thể thay thế hoàn toàn kinh nghiệm của người đi biển lâu năm.
Theo ông Chuyên, mây trên bầu trời, màu sắc nước biển, thậm chí cả mùi gió cũng đều có thể là dấu hiệu dự báo thời tiết. “Máy đo sóng cho mình biết mức độ sóng biển, nhưng kinh nghiệm dân gian mới giúp mình đoán được thời điểm sóng đổi chiều hay thời gian gió mạnh kéo dài bao lâu. Cũng như, khi thấy gió thổi mạnh từ hướng nam mà nước biển lại có màu đục, thường là dấu hiệu của một cơn bão sắp đến”, ông Chuyên giải thích thêm.
Trong khi đó, ngư dân Cao Văn Minh (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) ví von đi biển mà không biết cách nhìn trời, nhìn gió, cũng giống như người đi rừng không mang theo bản đồ, có thể những lần đầu sẽ may mắn, nhưng về lâu dài, không có kinh nghiệm thì khó mà an toàn. Bởi trong thời đại công nghệ, máy móc cũng chỉ đóng vai trò hỗ trợ, còn việc hiểu và áp dụng kinh nghiệm dân gian vẫn là nền tảng vững chắc của ngư dân. Điều này giúp họ không chỉ sống hòa mình với biển, mà tránh được những rủi ro không thể lường trước.
Yếu tố “thiên thời, địa lợi” trong đánh bắt thủy sản cũng được ông Minh đưa vào kịch bản dân ca “Hồn biển”, phục vụ khán giả lần đầu tại Lễ hội cầu ngư phường Nại Hiên Đông năm 2021. Ông Minh cho rằng, không năm nào ngư dân không gặp cảnh “Sóng to gió lớn điên cuồng/ Sấm giăng chớp giật mưa buồn thê lương/ Giữa lòng sâu thẳm đại dương/ Mênh mông biển nước biết đâu là bờ”, vì thế chỉ có sự bình tĩnh và hiểu biết mới giúp họ vượt qua rủi ro, tai nạn trên biển.
Ông Minh cho rằng, máy móc có thể hỏng, nhưng kinh nghiệm dân gian thì không bao giờ mất đi. Đó là tài sản vô giá, là kiến thức mà thế hệ trước trao truyền cho chúng ta. “Nếu chúng ta không gìn giữ những giá trị này, không truyền lại cho con cháu, thì chẳng mấy chốc, những bài học quý về biển sẽ mất đi”, ông Minh đúc kết.
3. Bao đời nay, trong lòng ngư dân Đà Nẵng luôn là nỗi lo lắng thường trực: “Ra khơi bữa có bữa không/ Lạy trời đừng để tố dông cho mình/ Một ngày ba bảy trận dông/ Anh đi câu mực sao không thấy về”. Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe đúc kết dân gian nhận biết mưa gió theo chu kỳ thời tiết trong năm. Và thực tế, thời tiết trên biển không dễ lường, nhưng bằng sự quan sát, cảm nhận và kinh nghiệm lâu đời, họ đã đúc kết được những bài học quý thông qua ca dao, tục ngữ. Những câu như “Chớp thừng, chớp chảo/ Không bão thì mưa”, “Gió heo may, chẳng mưa dây thì bão giật”, “Nào ai chài lưới ngoài khơi/ Thấy mây đỏ ngọn thì bơi thuyền vào”, hay “Thâm đông, hồng tây, dựng may/ Ai ơi đợi đến ba ngày hãy đi” trở thành những chỉ dẫn hữu ích cho các thế hệ người đi biển.
Quá trình điền dã qua các làng biển Đà Nẵng cũng giúp nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe ghi nhận rất nhiều câu ca dao, tục ngữ liên quan đến thời tiết, biển cả. Ông cho biết, những câu nói này không đơn thuần là kinh nghiệm mà chứa đựng một phần tri thức văn hóa dân gian sâu sắc. Trong đó, dấu hiệu thời tiết “thâm đông, hồng tây” hay “mây đỏ ngọn” là những hiện tượng trực quan mà ngư dân dựa vào để đoán định thời tiết trước mỗi chuyến ra khơi.
Chung quan điểm trên, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng Đinh Thị Trang khẳng định nhờ những kinh nghiệm này mà người dân sống bằng nghề đánh bắt trên biển phần nào tránh được những mất mát về người cũng như tài sản.
Những tri thức dân gian làng biển phần lớn dựa trên sự quan sát hiện tượng tự nhiên như gió, chớp, sóng, mây, trăng, sao, con nước... Ví như, nhìn ra biển xa, phía đông ụ mây đọng nước, mặt biển hơi nước bốc lên mù trời, thế nào vài ngày tới cũng có biển động. Hay khi bầu trời xuất hiện mây màu trắng sữa, qua mây có thể nhìn thấy mặt trời, mặt trăng, phía dưới có nhiều mây dày và thấp thì có khả năng sắp tới thời tiết sẽ xấu vì áp thấp hoặc mưa bão…
“Trước đây khi chưa có máy móc, thiết bị định vị, ngư dân muốn vào bờ phải nhìn sao mai mọc ở hướng nào rồi theo hướng đó mà tiến. Hay khi nhìn lên núi Sơn Trà thấy mây phủ, sẽ biết thời tiết hôm đó không gió cũng mưa”, chị Trang nói.
Dù đoán định thời tiết giỏi đến đâu, ngư dân Đà Nẵng cũng không thể tránh khỏi sóng to, gió lớn trong những chuyến đi biển kéo dài hằng tháng. Như cách ông Cao Văn Minh cho rằng “thời tiết thất thường, nhưng với ngư dân xem biển là nhà, có sao cũng phải chịu”, câu nói ngắn gọn nhưng thể hiện sự kiên trì, quyết tâm bám biển của các thế hệ ngư dân bảo vệ ngư trường của Việt Nam trên Biển Đông.
TIỂU YẾN