MÙA BIỂN ĐỘNG

Vững tay lái giữa trùng khơi

.

Trên hành trình rẽ sóng nơi trùng khơi lộng gió, ngư dân gặp vô vàn khó khăn nhưng nhờ sự hỗ trợ của thiết bị hiện đại, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên... từ chính sách hỗ trợ tại Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 48) đã tiếp thêm sức mạnh để ngư dân vững tay lái, phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

Những chính sách hỗ trợ của nhà nước giúp ngư dân có thêm động lực vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ảnh: T.V
Những chính sách hỗ trợ của nhà nước giúp ngư dân có thêm động lực vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ảnh: T.V

Tôi gặp ngư dân Nguyễn Xấu (SN 1951, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cùng con trai Nguyễn Lợi (SN 1986) vào những ngày cuối tháng Chín trong tiết trời dịu mát. Lúc này, ba con ông Xấu đang chuẩn bị ngư cụ, nhiên liệu, gọi tìm bạn thuyền và dụng cụ cần thiết để tiếp tục vươn khơi những ngày đầu tháng Mười. Vừa nhìn biển khơi ông Xấu vừa bày tỏ, tàu của ông hoạt động nghề lưới rê chuồn và câu mực, cá ở ngư trường vùng khơi Hoàng Sa.

Với công suất 420CV, mỗi chuyến đi dài 15 ngày, cần 4 bạn thuyền, tổng chi phí dao động từ 50-60 triệu đồng cho nhiên liệu, thức ăn, đá và trả công cho thuyền viên. Đó là chưa kể các chi phí phát sinh khác như sơn tàu, nâng cấp tàu, sửa chữa các thiết bị, máy móc mỗi khi nước biển ngấm vào.

“Tháng Một đến tháng Năm là giai đoạn thuận lợi đánh bắt bởi lúc này con cá chuồn sinh sôi nảy nở ở vùng khơi. Từ tháng Sáu đến cuối năm, con cá chuồn theo luồng gió, con nước bơi ngược về vùng lộng, vùng bờ rất nhiều. Theo quy định tàu tôi đánh bắt vùng khơi nên từ nửa năm còn lại dựa vào may rủi vì ít cá. Nếu mỗi chuyến đi doanh thu khai thác mang lại không đủ để trả các chi phí thì sẽ lỗ và đôi lúc còn phải đi vay bù vào”, ông Xấu thở dài nói.

Tiếp lời ông Xấu, anh Lợi bộc bạch, riêng chi phí nhiên liệu mỗi chuyến đi khoảng 30 triệu đồng bởi nơi đánh bắt cách bờ gần 140 hải lý, hơn 28 tiếng di chuyển. Vì vậy, được hưởng chính sách từ Quyết định 48 và hỗ trợ của thành phố như máy giám sát hành trình VMS, máy thông tin liên lạc VX1700 và hỗ trợ bảo hiểm thân tàu 90%, 100% bảo hiểm thuyền viên... giúp ngư dân yên tâm bám biển và vực dậy cái nghề “đánh cược” tính mạng với tử thần.

“Muốn phát triển kinh tế biển, gia đình tôi buộc phải trang bị thiết bị hiện đại và để bỏ ra số tiền vài trăm triệu đồng là con số ngoài khả năng. Sau này, nhờ tiền hỗ trợ mỗi chuyến đi 75 triệu đồng, mỗi năm 4 chuyến, tổng 300 triệu đồng, giúp chúng tôi cũng như nhiều ngư dân khác bớt nỗi lo gồng gánh chi phí và có khoản tiết kiệm đầu tư cho tàu. Đồng thời, doanh thu đi biển tăng 20-30%", anh Lợi bộc bạch.

Nói về nghề, ngư dân Lê Dũng (SN 1975, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) thổ lộ, có gần 30 năm oanh tạc biển khơi, thấu hiểu từng vùng nước, con cá nhưng chưa bao giờ ông thấy đi biển thuận lợi như hôm nay. Sản lượng khai thác giảm so với trước nhưng nhờ chính sách hỗ trợ trang bị các phương tiện hiện đại, giúp ông cũng như các ngư dân khác có niềm vui và động lực bám biển.

Theo ông Dũng, tàu có công suất 840CV, quy định hỗ trợ mỗi chuyến 100 triệu đồng, mỗi năm 4 chuyến. Tàu khai thác nghề lưới rê hỗn hợp, mỗi chuyến đi chi phí 70-100 triệu đồng. Với dàn lưới bủa vây 6.000m trong phạm vi 7 hải lý thì cần ít nhất 7 thuyền viên và đi tối thiểu 15 ngày.

Những năm gần đây tìm bạn thuyền cũng khó khăn, không đủ 7 thuyền viên, tàu không thể vươn khơi dẫn đến nằm bờ và kèm theo nhiều chi phí phát sinh. Vì vậy, với ông, những chính sách hỗ trợ trên là sự động viên tinh thần rất lớn, để bù đắp các chi phí khi chuyến đi không hanh thông.

“Năm 2010, là năm đầu tôi được hưởng các chính sách hỗ trợ từ Quyết định 48, đó là điều vui mừng để ngư dân dễ bề xoay sở. Giống các ngư dân khác, tàu của tôi được trang bị ban đầu gồm máy giám sát, máy định vị và pin năng lượng mặt trời, nhằm tiết kiệm tiền dầu cho mỗi chuyến đi. Đồng thời, tôi được Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố và Bộ đội Biên phòng thành phố hỗ trợ mô hình sử dụng máy tầm ngư dò đứng, giúp tăng sản lượng khai thác hải sản, giảm chi phí nhiên liệu. Nhờ vậy, doanh thu mỗi năm tăng lên 40-50%, lãi 500 triệu đồng/năm”, ông Dũng vui vẻ cho biết.

Cũng như nhiều chủ tàu khác, ngư dân Lê Văn Thiên (SN 1977, phường Thuận Phước, quận Hải Châu), có 2 con tàu nghề câu tay cá và khai thác với công suất 800-825CV thì sự hỗ trợ chuyến đi biển và việc trang bị các phương tiện như là giải pháp cứu cánh cho những chuyến đi không thuận lợi. Bởi chi phí bỏ ra mỗi chuyến đi cho 2 con tàu khá lớn. Ngoài ra, sự hỗ trợ còn tiếp thêm cho anh thêm niềm tin vươn khơi, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và nâng cao ý thức khai thác hiệu quả nguồn lợi hải sản đúng nơi quy định.

Đại tá Hồ Sỹ Hậu, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố cho biết,từ đầu năm đến nay, theo thống kê của Bộ đội Biên phòng thành phố có 285 số chuyến biển được hỗ trợ từ Quyết định 48.

Trong quý 3-2024, có thêm 269 chuyến biển tiếp tục được hỗ trợ và 263 thuyền viên hỗ trợ bảo hiểm. Ngoài ra, những năm qua, Bộ đội Biên phòng thành phố còn trao tặng cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, áo phao, phao tròn, tờ rơi pháp luật… và tích cực tuyên truyền cho bà con ngư dân không khai thác thủy sản trái phép.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố, tính đến nay, có 579/589 tàu cá ở thành phố có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, giúp lực lượng chức năng đánh dấu vị trí, hỗ trợ khi tàu gặp sự cố. Thời gian đến, sở tiếp tục tham mưu UBND thành phố tiếp tục thực hiện, triển khai các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản bền vững.

Có thể nói, những năm qua, Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện, triển khai các cơ chế, chính sách cũng như thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân. Điều này tạo điều kiện, tiếp thêm động lực để ngư dân tiếp tục hành trình vươn khơi. Và ở khơi xa, mỗi ngư dân sẽ là một cột mốc sống, khẳng định gìn giữ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc thiêng liêng.

TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.