Tôi còn nhớ mình chuẩn bị cho năm học mới từ rất sớm. Đầu mùa hè, bố tôi đi lấy kem ở Hải Phòng về bán. Ngày ấy túi ni-lông chưa thông dụng như bây giờ, những que kem mát lạnh được bọc trong những tờ giấy báo. Bố tôi kể, tiệm báo cũ nằm gần nhà máy kem, muốn mua bao nhiêu cũng có. Ở thành phố nhìn trên vỉa hè đâu đâu cũng thấy người ta cầm tờ báo trên tay. Những tờ báo cũ về đến nhà mình là đã đi qua bao nhiêu tay người đọc. Mỗi lần bố tôi đi lấy kem về, tôi đón lấy xấp báo, lọc bìa những cuốn báo được in bóng đẹp để riêng, những tờ báo trắng tinh cũng thế, rồi xếp lại phẳng phiu gọn ghẽ và cất thật cẩn thận. Đó là vốn riêng của tôi.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Thường vào mùa hè, mẹ tôi trồng rất nhiều rau muống, rau lang. Mưa rào đổ xuống, rau cứ thế xanh mơn mởn. Chiều chiều, tôi ra đồng hái rau, bó lại bằng dây chuối xếp đầy cái rổ sề đem về. Năm giờ sáng hôm sau nghe các cô các chị trong xóm í ới tôi cũng dậy theo đi chợ, người thì bé, chợ thì xa, các chị các cô thi thoảng phải đỡ giúp tôi cái rổ rau nặng trĩu.
Những tờ báo đẹp tôi bỏ vào cái túi dây rút đeo trên lưng. Đến chợ, đặt rổ rau xuống, trải chiếc bao xác rắn xuống nền đất, từng tờ báo được bày ra sao cho thật bắt mắt, tùy vào họa tiết, độ bóng đẹp mà tôi bán mỗi tờ 200, 300 đồng. Những tờ báo ấy các bạn học sinh mê lắm, bọc bìa sách vở rất bền, họa tiết hoa mai, hoa đào, những cô chú mặc quân phục tươi cười đầy ắp không khí mùa xuân. Có phiên chợ tôi bán được hai hay ba ngàn đồng tiền báo. Tiền bán rau dùng để mua đậu phụ, mua giá đỗ. Tiền bán báo gom nhặt suốt mùa hè cũng đủ để ba chị em tôi có khăn quàng mới, cặp sách mới.
Thích nhất là những ngày đầu năm học, mẹ xin ở đâu đó bộ sách giáo khoa cũ, cuốn nào thiếu thì được mẹ mua cho cuốn mới. Tôi ngồi tỉ mẩn vuốt phẳng phiu những bìa sách, mép sách đã quăn queo, dùng hồ dán lại gáy sách, dùng bìa cứng cắt dán, vẽ một cái bìa thay thế cho những cuốn bị rách bìa. Khâu cuối cùng mới đem những tờ báo đẹp nhất, bóng nhất bọc bìa, dán nhãn. Tôi còn nhớ những cô bạn ngồi bên thích những cuốn sách vở của tôi lắm, có thể xoay ngang xoay dọc đọc những mẫu truyện ngắn hay bài thơ trên đó. Đọc đi đọc lại đến mức thuộc lòng. Ngày ấy, sách báo sao mà hiếm.
Chuyện giày dép của chị em tôi cũng rất “ly kỳ”. Thời đó nhà trường không yêu cầu học sinh mang dép quai hậu như bây giờ. Trẻ con đi học hầu hết mang dép nhựa, những đôi dép đứt không biết bao nhiêu lần, được hàn lại bằng mũi liềm hơ trên bếp than. Nghề bán kem hồi ấy của bố tôi có nhiều chuyện vui lắm, người ta có thể đem lúa, xoong nồi cũ, dép đứt, lông ngan lông vịt, vỏ chai... đổi kem. Thành ra mỗi chiều bố tôi chở chiếc thùng kem đã bán hết về, hai bên hông treo hai cái bao tải đầy ắp những “chiến lợi phẩm ấy”.
Tôi cầm đáy bao dốc ngược lên, bao giờ cũng tìm dép trước. Có khi may mắn được đôi dép còn nguyên vẹn chỉ bị đứt một quai, cũng có khi phải mang dép cọc cạch miễn sao là vừa vì thường phải đến Tết chị em tôi mới được mẹ mua cho dép mới.
Ngày ấy bạn bè nhìn quanh đứa nào cũng nghèo thành ra chẳng ai cười nhau cả, đi học mà đem theo vài chiếc kem que bố gói thật chặt trong giấy báo là bạn bè ríu rít suốt quãng đường đến trường. Tờ báo gói kem ấy cũng không bỏ đi đâu, đem đến lớp vuốt phẳng phiu rồi chuyền tay nhau đọc. Có khi chỉ là những mẫu tin ngành nông nghiệp, hướng dẫn phun thuốc trừ sâu…
Trường lớp ngày ấy cả thầy cô và học sinh phải tập trung trước mấy ngày dọn dẹp, quét đất chỗ chuột đào, lấy lá khoai chà lên bảng đen đâu vào đấy thì mới đến ngày khai giảng. Ngôi trường ấu thơ dù có cũ kỹ đến nhường nào thì cũng luôn đem đến cho chúng tôi những điều mới mẻ. Có đêm đông ngồi giặt quần áo trên hiên nhà, tận dụng ánh sáng hắt ra từ bàn học, mẹ tôi hỏi: “Con có biết vì sao bàn học của con luôn sáng không, vì ánh sáng hắt ra từ những trang sách đấy”.
Bây giờ, ngồi bọc sách vở cho con trước khi bước vào năm học mới, thi thoảng tôi vẫn kể cho các con nghe chuyện mình đi học ngày xưa.
HOÀNG HIỀN