Người trẻ bén duyên cùng bảo tồn

.

“Câu chuyện bảo tồn - góc nhìn từ các nhà bảo tồn trẻ” là talkshow thuộc khuôn khổ Hội nghị sinh viên về Bảo tồn thiên nhiên (SCNC) 2024 do Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Trung tâm Hành động vì động vật hoang dã Việt Nam (WildAct Vietnam), Hội Động vật học Frankfurt và Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh phối hợp tổ chức cuối tháng Tám. Tại đây, những câu chuyện, quan điểm liên quan vai trò của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ thiên nhiên được chia sẻ.

Những nhà bảo tồn trẻ tham gia Hội nghị sinh viên về Bảo tồn thiên nhiên (SCNC) 2024. Ảnh: L.V
Những nhà bảo tồn trẻ tham gia Hội nghị sinh viên về Bảo tồn thiên nhiên (SCNC) 2024. Ảnh: L.V

Không nhất thiết phải vào rừng, tiếp xúc với động vật hoang dã mới gọi là bảo tồn. Chúng ta vẫn có thể tham gia công tác bảo tồn từ hành động nhỏ, thông qua những chương trình, mô hình tuyên truyền, giáo dục ý thức…”, Nguyễn Cát Tường, sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ. Theo học chuyên ngành Tiếng Anh truyền thông - một ngành học không liên quan nhiều đến câu chuyện bảo tồn động vật hoang dã, thế nhưng Tường lại “bén duyên” với hoạt động này khi tham gia CLB ENV Đà Nẵng.

Tại đây, những tình nguyện viên trẻ tuổi như Tường tham gia khảo sát, phát hiện một số vụ việc vi phạm liên quan động vật hoang dã như săn bắt, mua bán trái phép và đã trình báo cơ quan chức năng. Đồng thời, Tường cũng tham gia tuyên truyền Luật Bảo tồn đa dạng sinh học, tuyên truyền hình ảnh đẹp của thiên nhiên để nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Hơn một năm trước, Tường tham gia khóa tập huấn Bảo tồn thú linh trưởng Việt Nam trong thời gian gần 1 tuần tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (tỉnh Gia Lai). Những ngày ở Kon Ka Kinh giúp Tường có thêm trải nghiệm, kiến thức về đa dạng sinh học. Trở về từ núi rừng, cô sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ tham gia lập fanpage “Wildlife Conservation Hub” nhằm chia sẻ những thông tin bảo vệ môi trường, giữ gìn thiên nhiên và kết nối những người tâm huyết với hoạt động bảo tồn.

Trong khi đó, Võ Hoàng Bảo, sinh viên Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh biết đến bảo tồn từ năm thứ hai trên giảng đường. “Em học về khoa học môi trường và bảo tồn là một phần trong đó. Bên cạnh những kiến thức được học về xử lý nước thải, khí thải, em có dịp tìm hiểu về động vật hoang dã, thiên nhiên thông qua môn đa dạng sinh học và bắt đầu hứng thú từ đó”, Bảo chia sẻ.

Sang năm thứ tư, Bảo tiếp tục trăn trở về hiện trạng những loài sắp tuyệt chủng, những con thú bị giam cầm và quyết định đi theo bảo tồn. Với hướng đi này, Bảo trở thành gương mặt thân quen trong nhiều dự án, hoạt động cộng đồng về bảo tồn động vật hoang dã, là tình nguyện viên bảo tồn ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước)… Tại SCNC 2024, Bảo xuất sắc đoạt giải 3 ở hạng mục Diễn thuyết dành cho nghiên cứu xuất sắc về hệ sinh thái đặc trưng của bán đảo Sơn Trà, cụ thể là các loài linh trưởng quý hiếm như Voọc chà vá chân nâu.

Đó là chia sẻ của 2 trong số 5 người trẻ tham gia talkshow “Câu chuyện bảo tồn - góc nhìn từ các nhà bảo tồn trẻ”. Với Bảo và Tường, câu chuyện học tập dưới tán rừng hay tham gia những dự án, hoạt động xã hội về bảo tồn và môi trường trong vai trò tình nguyện viên là dịp để người trẻ học hỏi, mở mang kiến thức và có định hướng sâu sắc về bảo tồn. Qua đó nuôi dưỡng, trui rèn bản lĩnh người làm bảo tồn, bởi những ngày tháng đi thực địa trong rừng sâu sẽ dễ nản nếu không đủ yêu thích và đam mê.

Theo anh Phan Phú, Kỹ thuật viên phúc lợi động vật của Tổ chức Động vật châu Á (AAF), để bước chân vào con đường bảo tồn, người trẻ cần phá bỏ những rào cản về ngôn ngữ, mạnh dạn giao tiếp, đặt câu hỏi khi muốn tìm hiểu và tạo đồng thuận giữa người với người trong công việc… Còn với tiến sĩ Nguyễn Trang, Giám đốc WildAct Việt Nam, thông qua việc chia sẻ tri thức và kinh nghiệm, SCNC cùng với “sức trẻ” sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực cho cộng đồng bảo tồn và sự phát triển bền vững của môi trường. Đây cũng là cơ hội để xây dựng những mối quan hệ đối tác mạnh mẽ, góp phần bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học của Việt Nam.

LÂM VIÊN

;
;
.
.
.
.
.