Nguyễn Ngọc Hưng và thơ Trung thu

.

Nguyễn Ngọc Hưng là một trong những tên tuổi quen thuộc trong mảng thơ viết về tuổi thiếu nhi. Đến nay, anh đã có 7 tập thơ dành cho tuổi thơ. Dù đời riêng gặp nhiều bất hạnh cùng trọng bệnh hành hạ hơn 40 năm qua, Nguyễn Ngọc Hưng vẫn vượt lên số phận, dành tiếng nói yêu thương, trong trẻo nhất của lòng mình, của đời mình cho các cháu. Trong hàng trăm bài thơ ấy, đề tài về Tết Trung thu được Nguyễn Ngọc Hưng dành một vị trí rất xứng đáng vì đây là Tết của tuổi thơ.

Trước Tết Trung thu không lâu, có một sự kiện gắn liền với tuổi thơ, đó chính là ngày khai trường bắt đầu cho một năm học mới: "Sau ba tháng nghỉ hè/ Trời đã thôi nắng nỏ/ Hơi gió lạnh se se/ Lờ mờ sương lá cỏ" (Sáng khai trường). Đây cũng là “Ngày toàn dân đưa trẻ tới trường”, nên cũng trở thành ngày gợi nhớ về kỷ niệm tuổi thơ: "Nhớ mùa thu năm trước/ Mây trắng trôi bồng bềnh/ Mẹ dắt con đi học/ Bố xoa đầu: Cố lên!" (Lên lớp hai).

Năm học mới đến trong rộn ràng không khí Trung thu, dọc đường phố ngõ thôn những chùm lồng đèn với muôn kiểu dáng ngộ nghĩnh bắt đầu được bày bán, thu hút ánh nhìn của tuổi thơ đang háo hức chờ ngày Tết của tuổi mình: "Lồng đèn đẹp quá/ Lại nhiều nữa nhá/ Cái nhỏ cái to/ Đỏ xanh đủ cả/ Ông sao, con cá/ Kéo quân, lò xo…/ Đang ngẩn cổ cò/ Đứng nhìn chị vẽ/ Bỗng Nga reo khẽ/ A! Trung thu rồi…" (Lồng đèn).

Cả không gian như ngập chìm trong không khí hội hè khi Trung thu đến: "Xôi, chè, cam, chuối… tỏa hương/ Thơm đợi muôn bàn tay nhỏ/ Hồn nhiên gió chạy khắp đường/ Báo tin: Trung thu rồi đó!" (Gọi trăng). Và dường như vạn vật đều hòa chung vào niềm vui của con người. Nào ếch, nào chẫu chàng, nào nhái bén…, đến lũ nhóc cỏ gà cũng trỗi nhạc ti toe: "Rộn ràng trống to trống nhỏ/ Tùng dinh… Ếch cốm đấy mà!/ Chẳng biết có gì vui thế/ Chẫu chàng, nhái bén… Đồng ca?/ Vểnh râu nghe ngóng gần xa/ Dế càng ngẩn ngơ biết mấy/ Hình như lũ nhóc cỏ gà/ Cũng ti toe vài điệu gáy…" (Gọi trăng). Khiến chú dế con cũng ngỡ ngàng nhìn, rồi gáy vang trời hòa cùng nhịp trống tùng dinh: "Đêm nay đêm gì vậy?/ Đang xoe mắt ngỡ ngàng/ Dinh tùng dinh… Trống giục/ Giật mình dế gáy vang!" (Trung thu trong mắt dế con).

Và chính đêm trăng Trung thu, cả làng dế đã tụ tập rủ nhau về mở hội thi để phân tài cao thấp. Nguyễn Ngọc Hưng rất tinh tế khi làm “giám khảo” cho cuộc thi này. Một “giám khảo” khá công tâm qua những góc nhìn thú vị và toàn diện, khiến cho “dế cụ tiên chỉ” cũng hài lòng khi chứng kiến đêm hội thi của cháu con mình: "Trung thu mở hội trăng ngà/ Anh em nhà dế hát ca rộn ràng/ Hoa hậu là o dế than/ Da đen nhem nhẻm như đang đốt lò/ Dế cơm chơi bản đờn cò/ Được thưởng một lá cỏ to nhất vườn/ Biểu dương sức mạnh phi thường/ Dế trũi ủi đất mở đường công binh/ Nhờ qua lắm trận phiêu linh/ Dế mèn đoạt giải điền kinh Tô Hoài/ Nghe dàn hợp xướng dế choai/ Nỗi buồn như cũng rơi ngoài đêm sâu…/ Nhìn con cháu một hồi lâu/ Dế cụ tiên chỉ vuốt râu… Mỉm cười!" (Hội làng dế).

Hòa tâm hồn mình vào không gian trong trẻo của tuổi thơ, Nguyễn Ngọc Hưng đã vẽ nên cảnh sắc Trung thu đầy ấn tượng. Những động tác của đoàn múa lân trên mặt đất làm xao động, làm ngơ ngác cả một trời Thu: "Tề Thiên múa côn/ Địa phe phẩy quạt/ Mây cuộn sóng cồn/ Lân rung lục lạc/ Ông trăng ngơ ngác/ Ngó xuống trần gian/ Gì vui thế nhỉ?/ Đỏ xanh tím vàng…" (Gì vui thế nhỉ). Cảnh rước đèn Trung thu được xem là trung tâm của ngày Tết tuổi thơ với nhiều hình ảnh dí dỏm, đầy màu sắc: "Em cầm ông sao đỏ/ Chị dắt anh cá vàng/ Cùng lân con lân mẹ/ Rước mừng Trung thu sang!" (Rước đèn).

Sau rước đèn là đến múa lân, và tâm điểm với tuổi thơ chính là giờ phá cỗ. Giờ phá cỗ mà không có sự chứng kiến của ông trăng trên trời là Tết mất vui cho dù mâm cỗ có đầy ú ụ: "Rước đèn nhé/ Múa lân nghe/ Cỗ nữa nè/ Vun ú ụ…/ À, chậm chút/ Không có ông/ Lấy gì trông/ Mà phá cỗ?" (Bé và ông trăng).

Trung thu không của riêng ai mà dành cho tất cả trẻ thơ. Chú bé cút côi đang tủi thân khi thấy ông trăng chê mình, không đến gần mình, nhưng rồi sau đó, bỗng òa vui khi trăng đã đến và cùng rước đèn phá cỗ: “Xuống đây chơi với tớ nào!”/ Ủa, mà ai đẩy trăng cao lên rồi/ Một mình một bóng cút côi/ Lẽ nào trăng cũng chê... Ôi, lẽ nào?/ Đang lau nước mắt nghẹn ngào/ Bỗng nghe văng vẳng: Không sao, em à/ Lồng đèn nha, bánh nướng nha/ Ai ngoan cũng được chia quà Trung thu..." (Giấc mơ đêm Trung thu).

Trung thu là Tết của tuổi thơ. Hãy dành tất cả những gì thương yêu nhất cho tuổi thơ là mệnh lệnh của mọi thành viên trong gia đình và toàn xã hội. Nguyễn Ngọc Hưng làm thơ nhiều cho thiếu nhi vừa để dành cho các cháu, nhưng cũng nói hộ và nhắc nhở cho tất cả người lớn chúng ta về khát vọng ấy. Chính vì vậy, ta không ngạc nhiên khi thơ thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Hưng được chọn khá nhiều vào sách giáo khoa cấp tiểu học trên cả nước.

MAI BÁ ẤN

;
;
.
.
.
.
.