Trong khuôn khổ chương trình “Về nguồn”, năm 2024 các Chi bộ trực thuộc Đảng bộ Báo Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động đầy ý nghĩa cho cán bộ, đảng viên và quần chúng ưu tú về một số di tích lịch sử của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Qua những cuộc trở về này để mỗi người được cảm nhận sâu sắc quá khứ lịch sử hào hùng của dân tộc, để nhớ về những nơi đáng nhớ.
Chi bộ Kinh tế - Thời sự, Chi bộ Hành chính - Cuối tuần - Văn xã về nguồn tại khu di tích lịch sử Đặc khu ủy Quảng Đà (Căn cứ Hòn Tàu), ngày 27-7-2024. |
Hòn Tàu
Chỉ cách Đà Nẵng hơn 40km nhưng với chúng tôi để có chuyến đi này phải nhiều tuần chuẩn bị. Cơ quan hầu hết đều nghe nói đến địa danh này, bởi nó liên quan trực tiếp đến một giai đoạn lịch sử của Báo Đà Nẵng. Mục đích chuyến đi là thăm lại khu căn cứ một thời gắn bó với cuộc kháng chiến cách đây gần 60 năm, cũng là dịp để chúng tôi tưởng nhớ một thời đáng nhớ. Đi để hiểu thêm các thế hệ cách mạng ngày trước, trong đó có các nhà báo chiến sĩ đã hoạt động, chiến đấu gian khổ và hy sinh như thế nào.
Hòn Tàu là dãy núi giáp ranh 3 huyện Nông Sơn, Quế Sơn và Duy Xuyên, có diện tích gần 100km2. Nhìn từ xa, dãy núi như bức bình phong che chắn an toàn, chính vì vậy Hòn Tàu được chọn làm căn cứ cách mạng giai đoạn năm 1968-1975. Cách nơi chúng tôi đến hơn một cây số về phía tây có một cái hang khá rộng, là chỗ “thư giãn” lý tưởng để cán bộ mỗi đêm khi rỗi rảnh ngồi nhìn về phía biển, nơi xa ấy là thành phố “Đêm đêm quầng sáng phía chân trời”. “Phía chân trời” đó là thành phố Đà Nẵng.
Là căn cứ địa của Đặc khu ủy Quảng Đà (gồm thành phố Đà Nẵng và một số huyện của Quảng Nam), nhiều quyết định quan trọng trước năm 1975 được thảo luận tại căn cứ này. Mới đó mà đã sắp 50 năm, ngày đó tôi được 3 tuổi và nhiều bạn trong đoàn chưa ra đời. Nửa thế kỷ cho một niềm vui hết đạn bom, chết chóc, bao nhiêu mùa khoai sắn đã bình yên trên vùng chiến địa này.
Thế hệ đi trước làm ra truyền thống, chúng tôi hôm nay được trở về nơi đây như một lời nhắc khôn nguôi: Mỗi người hãy giữ lấy những di tích lịch sử trong tâm tưởng, trong công việc và trong ứng xử mỗi ngày. |
Nhớ lại, cách đây 13 năm, lãnh đạo cơ quan được tham gia đoàn cán bộ đi tìm đồng đội do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức. Tôi được phân công lo hậu cần. Hôm đó, tôi được biết tại cái hang đá trên kia, tất cả lặng người không kìm được nước mắt. Tháng 5-1972, 10 cán bộ tuyên giáo, trong đó phần lớn là phóng viên Báo Cờ giải phóng Quảng Đà tránh bom trong cái hang lớn ấy. Bất ngờ một trận mưa bom B52 dội xuống, một tảng đá cực lớn nứt ra và bít kín miệng hang, bên trong có người hy sinh, có người bị thương.
Do điều kiện đường sá lúc bấy giờ, mà mãi đến sau năm 2010 mới đưa được máy móc để phá tảng đá kia, mở được cửa hang. Tất cả đều bật khóc khi thấy những bộ hài cốt quanh miệng hang - các anh đã tìm cách ra khỏi cái hang đá ác liệt đó... Bên những di cốt ấy, ai cũng nhói lòng khi thấy những cây bút kim tinh, máy ảnh, đồng hồ, vải dù.. còn sót lại. Thân nhân của các anh, người từ Hải Phòng, Quảng Trị, Thanh Hóa... cầm lại những di vật ấy, không ai còn nước mắt để khóc cho đến lúc làm lễ truy điệu. Các anh hy sinh khi tuổi còn rất trẻ, có người vợ mới sinh, có người vừa đến chiến trường này nhưng cũng có người gắn bó đã nhiều năm. Và cũng từ đó, thân nhân của các anh xem Báo Đà Nẵng là nơi chốn thân thiết.
Hôm nay Hòn Tàu khác rất nhiều, vẫn rừng thưa tháng Bảy, vẫn tiếng chim gù xa trong nắng, tôi nhìn con đường bê-tông uốn lượn duyên dáng đến nao lòng. Những hàng keo lá tràm xanh ngát, những đầm sen thanh khiết đầy xao xuyến của một vùng quê yên ả thanh bình.
Duy Xuyên
Chúng tôi được về Duy Xuyên, về thăm lại nơi chị Dương Thị Xuân Quý, nhà báo nữ duy nhất hy sinh trong kháng chiến năm 1969 tại chiến trường Quảng Đà. “Thôi em nằm lại/ Với đất lành Duy Xuyên”. Có nhiều bài viết đầy sâu lắng về chị, sự hy sinh của chị mãi mãi xứng đáng để ngợi ca, để suy ngẫm về lẽ sống và để tự hào. Người phóng viên ấy cũng là người mẹ trẻ mới 27 tuổi gửi con gái mới 16 tháng tuổi lại cho bà ngoại để “Miền Nam gọi hai chúng mình có mặt”. Chị chọn Khu 5, nơi chiến trường ác liệt vì nơi đây là thực tế phong phú nhất, dữ dội nhất. Nơi Mỹ đổ bộ đầu tiên, nơi có “trận đầu đánh Mỹ” nhưng cũng có chút riêng tư: chồng chị, nhà thơ Bùi Minh Quốc cũng đang “Mỗi đêm ra đi giản dị hiến mình/ Để làm nên buổi mai đầy nắng”.
Dầu được khuyên nên chọn đi thực tế ở một nơi nào đó “bình yên” hơn Quảng Đà, nhưng chị quyết đến nơi ác liệt nhất. Chị ghi trong nhật ký “Lo, mình lo chứ. Nhưng mình quyết tâm và nghĩ thế này: dù có chết thì cũng như bao người phải chết thôi. Nghĩ vậy, không thấy sợ nữa...”. Trong văn học cận đại có rất nhiều bài thơ về sự hy sinh, về những giọt nước mắt chia ly, nhưng với “Bài thơ về hạnh phúc” của Bùi Minh Quốc được nhiều người thuộc, nhiều người xúc động, và với nhiều người là một dấu ấn trong quá trình cảm thụ văn chương. Chúng tôi nghĩ đó là một trong ít bài thơ khóc vợ hay nhất.
Bên bia tưởng nhớ nhà báo liệt sĩ Xuân Quý, chúng tôi nghe lại bài thơ ấy trong xúc động vô cùng. Riêng tôi hình dung chị nhỏ nhắn và xanh xao, yêu con, yêu chồng và nhất là sự cương nghị, dứt khoát, rồi nghĩ đến giây phút kinh hoàng khi đạn thù găm vào thân xác chị, nghĩ về cái chết vì niềm tin chiến thắng của chị và của hàng triệu người Việt Nam. Hôm nay, chúng tôi về bên chị, lòng đầy ngưỡng mộ nhưng hơn tất cả là sự biết ơn. Nơi chị hy sinh không chỉ là địa chỉ đỏ, mà chị là tấm gương, là sự thôi thúc.
Những người làm báo chúng tôi, giờ đây sau hơn 55 năm, điều kiện làm việc khác trước nhiều, thực tiễn tác nghiệp cũng khác trước nhiều, “Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép” mãi mãi là lời dặn nghiêm khắc và chí tình về những việc hằng ngày của chúng tôi. Xin thưa với chị rằng, chúng tôi trước mỗi công việc, trước mỗi phân vân nào đó, xin được nghĩ về chị như một lời dặn cho riêng mình: “Thức dậy bao điều mới mẻ trong em/ Nơi ngọn bút nghe cuộc đời thôi thúc”.
Duy Xuyên đất lành để chị nằm lại, nơi “tương lai tươi thắm ngọt lành” hôm nay bình yên làng trên xóm dưới. Có thể chưa phải thái bình sung túc, nhưng tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp như tranh của xứ này. Nơi đây có nông thôn vào loại đẹp nhất của miền Trung. Duy Xuyên có Trà Kiệu, có Mỹ Sơn di sản văn hóa nhân loại… làng đẹp như một bức tranh đẹp, sum suê cây trái, chân trời xanh mướt, những đường quê uốn lượn như một ân tình. Cũng những trái bưởi, trái bòng tôi hay gặp, nhưng tôi chưa thấy cây bưởi dễ đến vài trăm quả như ở đây. Bông giấy tôi thấy nhiều nơi, nhưng khi đứng dưới sắc màu này mới thấy mấy chậu bông giấy nhà tôi còn lâu mới trở thành ngạc nhiên đây đó. Duy Xuyên đất lành… Một chuyến đi hơn một chuyến đi, đúng hơn là một cuộc trở về.
Chi bộ Tòa soạn về nguồn tại Khu căn cứ Cách mạng K20, ngày 3-8-2024. Ảnh: ANH CHUNG |
Căn cứ K20
Đọc cái tên thấy giống truyện trinh thám, thật ra đây là danh xưng nổi tiếng và quen thuộc của thành phố Đà Nẵng. Những năm trước năm 1975, nơi đây được gọi là “căn cứ lồi”, chúng tôi hiểu như là một trận địa bí mật của cán bộ, du kích ta ém quân, làm nhiện vụ. Nay thành một di tích lịch sử, chỉ vài mươi phút xe là tới.
Nghe thì không hình dung hết tính chất hùng ca một thuở của cha ông, chỉ khi trực tiếp đến cái địa danh này chúng tôi mới thấy thấm thía sự sáng tạo và can trường của những người dân, du kích, cán bộ thầm lặng và anh hùng năm xưa. Đà Nẵng là căn cứ liên hợp quân sự lớn thứ nhì ở miền Nam, đây là bản doanh của Quân đoàn 1 và sân bay vào loại nhộn nhịp nhất, vậy mà thật kỳ diệu, ngay trong trùng điệp đồn bót ấy những người chiến sĩ K20 thuở nào vẫn hoạt động, chiến đấu. Ban ngày xuống hầm, ban đêm trồi dậy hoạt động, tuyên truyền, tổ chức và dĩ nhiên chiến đấu với quân giặc.
Đến nhà thờ bà Nhiêu, nơi có 6 hầm bí mật được xây dựng từ năm 1962-1968 ở ngay dưới nền nhà thờ, góc trước sân nhà, sau vườn, dưới các bàn thờ và trong bếp. Được chỉ dẫn xem một hầm bí mật ngay trước sân nhà thờ bà Nhiêu, ngụy trang như bậc thềm bình thường mà thật sự thán phục lòng dân. Những năm ấy, lòng dân như lũy như thành. Phía Phước Trường có cây me trăm tuổi cũng là điểm hoạt động của du kích. Anh hùng Phan Hành Sơn với chiến công chiến đấu không cân sức ngay trong lòng Non Nước và đây, K20 như một niềm tự hào về sự dũng cảm, mưu trí. Nay nơi đây thành điểm lưu niệm, là di tích cách mạng.
K20 là căn cứ lõm, cũng có khi gọi là căn cứ lồi, nằm trong chuỗi căn cứ của một vùng rộng lớn “xôi đậu”: ngày giặc, đêm ta. Sẽ có chút ngạc nhiên và có thể không giải thích được nếu không trực tiếp đến. Vì sao ngay giữa mênh mông lòng địch như vậy mà vẫn kiên trung những “lõm” anh hùng. Những bình yên hôm nay, phố xá đường ngay lối thẳng, nhà cửa san sát vốn ngày trước là những cánh đồng cát trắng. Đồn bót và không xa phía biển là sân bay Nước Mặn ngày đêm trực thăng và L.19 lên xuống.
Qua khỏi danh thắng Ngũ Hành là mênh mông cát trắng, những Hòa Quý, Hòa Hải là địa danh của những làng xã. Cán bộ ta được dân che chở, ban ngày xuống hầm bí mật, giặc chà đi xát lại với chó bẹc-giê và lưỡi lê. Giặc đi càn và “xăm hầm” gần như không sót. Chuyện kể lại, những lúc giặc “xăm” trúng hầm, cán bộ ngồi dưới hầm và để bảo đảm không lộ bí mật, nên những cán bộ đã lấy khăn cầm sẵn, để khi lưỡi lê chẳng may “xăm” trúng người, sẽ lấy khăn ấy cầm nhẹ lưỡi lê, để làm gì? Để khi giặc cắm xuống hay rút lưỡi lê lên sẽ không thấy máu, nhưng quan trọng là đánh lừa địch, để địch có cảm giác bên dưới vẫn là đất chặt chứ không phải là khoảng trống của hầm.
Ký ức là sự lưu giữ lịch sử, chúng tôi chỉ muốn các bạn của chúng tôi hôm nay khi về căn cứ K20 hãy nhớ rằng nơi đây ngày xưa “Đất quê ta mênh mông/ Quân thù không xăm hết được/ Lòng mẹ rộng vô cùng/ Đủ giấu cả hàng sư đoàn dưới đất/ Nơi hầm tối lại là nơi sáng nhất/ Nơi con tìm ra sức mạnh Việt Nam” (Dương Hương Ly).
Thế hệ đi trước làm ra truyền thống, chúng tôi hôm nay được trở về nơi đây như một lời nhắc khôn nguôi: Mỗi người hãy giữ lấy những di tích lịch sử trong tâm tưởng, trong công việc và trong ứng xử mỗi ngày.
TRẦN THU THỦY