Đêm Trung thu, trời thường hay mưa nhưng không cản được tính ham vui của con trẻ. Đám rước lân có đuốc dầu lửa soi đường, đi hai bên là bầy con nít một tay cầm lồng đèn, tay kia cầm hai cây tre dài để giữ chỗ trống cho lân múa. Đoàn lân cứ thế đi quanh xóm, đến từng nhà. Trẻ con thì vừa đi vừa hát vang tạo nên khung cảnh vui như Tết.
Nghệ nhân Nguyễn Hưng là người làm Thiên Cẩu duy nhất ở Hội An hiện nay. Ảnh: X.S |
1. Tôi trở lại Hội An (Quảng Nam) vào thời điểm tròn một năm Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu (Tết Trung thu) ở đô thị cổ này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Gặp nhà văn, họa sĩ Trương Nguyên Ngã, ông phác họa bức tranh hồi ức về những mùa trăng cũ bên sông Hoài. Ở đó, là cảnh bầy trẻ trong xóm rộn ràng chuẩn bị vật liệu làm lồng đèn. Nhiều đứa trẻ có đủ điều kiện mua lồng đèn làm bằng nan tre giấy kiếng bóng lộn trên đường Lê Lợi, nhưng vẫn muốn tự làm một chiếc lồng đèn cho riêng mình. Tụ lại thành nhóm nhỏ, đứa đi tìm nan tre về vót mỏng; con gái để dành tiền tiêu vặt mua giấy kiếng đủ màu, chờ con trai làm xong khung đèn thì cắt giấy dán lên thành chiếc lồng đèn xinh xắn, chỉ chờ Trung thu là thắp đèn cầy rước đi quanh xóm.
Những đứa trẻ khác, với hoàn cảnh khó khăn hơn thì chạy quanh mấy tiệm cà phê để xin lon sữa bò về làm lồng đèn. Những ngọn đèn cầy cháy dở từ mấy dịp cúng kiếng cũng được đám trẻ lượm lặt, để dành rước đèn cho mùa Trung thu phố Hội… Những chiếc đầu lân cũ cũng được đám trẻ nâng niu, sửa lại để chơi qua nhiều mùa trăng. Chiếc trống lân ngày đó là chiếc thùng tôn đựng nước, được bọc căng mặt bằng mấy lớp áo mưa cũ rách, níu vào tang thùng bằng dây ruột xe cột hàng. Đôi xập xõa là nắp nồi nhôm… lén lấy từ bếp của mẹ. Đuôi lân có khi là tấm mền vải buộc nhánh lá cây.
2. “Trung thu mà không có múa Thiên cẩu cũng kể như không. Ngày cũ, dân Hội An gọi là múa Thiên cẩu. Về sau, có người mua đầu lân từ Sài Gòn về biểu diễn mới gọi là múa lân. Phái cũ và phái mới cãi nhau liên tục về tên gọi. Người Hội An vốn đề huề nên có thời gọi chung là “Múa lân - Thiên Cẩu”, khỏi cãi nhau, mất vui”, họa sĩ Trương Nguyên Ngã kể lại.
Nói về Thiên Cẩu - loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc trưng của Hội An thì không thể không nhắc nghệ nhân Nguyễn Hưng - người duy nhất còn chế tạo đầu Thiên Cẩu ở phố Hội. Thời thơ ấu, anh Hưng cũng mê múa lân như bao đứa trẻ khác. Không có điều kiện mua đầu lân, cậu bé Nguyễn Hưng cùng bạn bè trong xóm tập tành làm một con lân cho riêng mình. Trong hoàn cảnh thiếu thốn, đám trẻ xin giấy xi-măng, giấy báo cũ, rút ngọn tre hàng xóm về chẻ làm khung lân. Không có tiền mua sơn, anh lên màu bằng cách dùng dầu hắc trải đường làm màu đen, lấy thuốc đỏ làm màu đỏ, đập củ nghệ lấy màu vàng.
Trung thu của các em nhỏ tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Mai. Ảnh: LAM PHƯƠNG |
Từ chiếc đầu lân đơn sơ được “làm càn làm đại” năm ấy, sau hơn 40 năm, anh trở thành một nghệ nhân chuyên chế tác đầu linh vật Thiên Cẩu phục vụ cho các đội múa với đủ kích cỡ và hình thức. Những chiếc đầu Thiên Cẩu tinh xảo, làm hoàn toàn bằng thủ công được thị trường ưa chuộng, được các đoàn lân, đơn vị ở Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… và nước ngoài đặt mua. Mỗi con Thiên Cẩu mất từ vài ngày đến nửa tháng để hoàn thiện, mỗi chiếc mang hoa văn, đường nét và thần thái khác nhau.
Theo tư liệu từ Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, Thiên Cẩu khác với con lân từ phần sườn khung, đuôi, mang, đến cả mắt, mũi, sừng. Riêng phần đuôi Thiên Cẩu dài gần gấp đôi đuôi lân. Phần khung đầu Thiên Cẩu thường có cằm chúi thấp hơn tạo thế chồm tới, nom dữ dằn hơn lân. Phần mang và mắt, mũi Thiên Cẩu cũng to hơn, bành hơn về phía trước. Các bài múa Thiên Cẩu rất sinh động, thể hiện những ước vọng tâm linh của dân gian về sự tẩy trần, chúc phúc, tiêu trừ bệnh tật, đuổi tà, cầu mưa thuận gió hòa...
“Tôi đã thích và gắn bó Thiên Cẩu từ thời thơ ấu, Thiên Cẩu là nét riêng của đất và người Hội An. Bây giờ tôi có thể làm đầu lân theo đặt hàng của khách nhưng tuyệt nhiên không bỏ làm Thiên Cẩu”, anh Hưng nói. Trong bức tranh văn hóa của đất Faifo, người đàn ông 53 tuổi đã sống với Thiên Cẩu cả cuộc đời, và trên hết là gìn giữ loại hình này như một nét di sản, cũng là nâng niu một khoảng trời ký ức của tuổi thơ, từ những mùa trăng quê nhà.
Rời Hội An, tôi về lại Đà Nẵng, theo chân trẻ con coi múa lân trên phố. Thấy trong mắt những mầm non tương lai ánh lên niềm vui, tựa hồ mình ngày bé. Trung thu vẫn ở đó, hiện hữu trong mỗi thế hệ, là ký ức tuổi thơ mang theo đến lúc trưởng thành.
XUÂN SƠN