Những mùa trăng thương nhớ

.

Dù đã qua lâu lắm rồi cái thời nôn nao ngồi chờ đi hội đêm Trung thu, nhưng những mùa trăng thương nhớ vẫn ở trong tôi lung linh, màu nhiệm. Tôi vẫn hay nhìn mây đoán gió, nhìn sao đoán trời, cầu cho mưa thôi rơi ngày hội, để mỗi đứa trẻ được tận hưởng trọn vẹn niềm vui chỉ hiện hữu vài lần trong đời.

Đêm Trung thu, dưới ánh trăng huyền ảo, tiếng hát, tiếng ca, tiếng trống rộn ràng, tiếng cười khúc khích khuấy động cả làng quê đang yên ả. Ảnh: S.T
Đêm Trung thu, dưới ánh trăng huyền ảo, tiếng hát, tiếng ca, tiếng trống rộn ràng, tiếng cười khúc khích khuấy động cả làng quê đang yên ả. Ảnh: S.T

Trẻ con muôn đời vẫn hồn nhiên, trong trẻo. Trăng Trung thu bao giờ cũng tròn vành vạnh và hiền hậu vô cùng. Dù thời gian có làm đổi thay nhiều thứ, người ta vẫn không thể quên niềm hạnh phúc đơn sơ, mộc mạc thuở thiếu thời. Chính những kỷ niệm hồn nhiên ngày ấy là viên kẹo mang hương vị ngọt ngào lưu mãi trong tim, là điểm tựa nâng đỡ tâm hồn mỗi người vững tin bước đi trên con đường phía trước.

Vậy là trời đã sang thu. Mây cũng nhẹ nhàng rong chơi khắp nẻo, để lại bầu trời lồng lộng một màu xanh trong. Những chiếc lá khẽ khàng đong đưa theo hiu hiu làn gió. Đâu đó chợt vang lên tiếng trống thùng thình khi trầm khi bổng. Khoảnh khắc ấy đến cũng vừa lúc mùa Trung thu mới bắt đầu về!

Đối với thế hệ 8X chúng tôi, Tết thiếu nhi ngày xưa vui như hội. Từ trước đó hơn tháng, trẻ con trong xóm đã háo hức đến quên ăn quên ngủ. Con trai chia nhau đứa đi kiếm tre, đứa tìm giấy, đứa làm mắt, làm râu, đứa vẽ màu… để làm đầu lân. Con gái thì lo tập hát, luyện múa để diễn trong đêm rằm. Vui nhất là lúc cả đám chúng tôi cùng tụm lại làm đèn ông sao. Mỗi đứa vài đoạn tre vót mượt, dăm sợi dây cao su, miếng giấy bóng xanh đỏ, thêm nắm cơm nguội để phết là đủ cho chiếc đèn ngôi sao năm cánh. Từ chiều ngày mười lăm, cả bọn đã cơm nước sớm, sửa soạn mặc đẹp, háo hức chờ trăng để tung tăng vui hội.

Cảnh sắc quê xưa những đêm Trung thu đẹp đến nao lòng. Mặt trăng như chiếc đĩa bạc lơ lửng trên bầu trời đêm. Ánh sáng huyền diệu phủ khắp những hàng tre xào xạc, bàng bạc trên những con đường đất gập ghềnh, nhẹ tênh men lên từng ô cửa nhỏ, soi rõ đến từng mái nhà trong ngõ vắng. Trăng vừa lấp ló, chúng tôi rủ rê rồng rắn kéo nhau đến nhà đội của xóm, nơi mà người lớn thường xuyên họp bàn chuyện làng, còn trẻ con chỉ một lần được sang vào dịp Tết Trung thu.

Trong khoảng sân rộng với những viên gạch đã nhuốm màu thời gian, chúng tôi ngồi quanh, lắng nghe các cô bác dặn dò, động viên chăm ngoan học giỏi. Lúc đó đứa nào cũng có vẻ chú ý, nhưng thật ra tâm trí đã trót dồn vào mâm bánh kẹo to đùng chực chờ phá cỗ. Ngày đó, trẻ con rất thích kẹo bánh vì bình thường làm gì có tiền mua. Tôi vẫn không quên cảm giác thèm thuồng khi nhìn những cái kẹo đủ màu sắc hay mấy chiếc bánh vàng ươm thơm mùi nếp nướng. Khi xưa, mỗi lúc bụng gọi cồn cào, món mà đứa nào cũng nghĩ tới là mấy bát đường đen nhà dành lại sau vụ mía. Chỉ cần một cục nho nhỏ là đủ để nhâm nhi hồi lâu đến khi quên đi cơn đói. Vì vậy mà đứa nào cũng ngóng trông đến rằm Trung thu để được nhận quà. 

Bánh trung thu ngày xưa đơn giản lắm, chỉ có chút bột tạo hình con chuột, con heo với ít nhân thịt mỡ bên trong và nướng đến khi chín vàng lớp vỏ. Vậy mà chúng tôi thấy ngon lạ, lúc nào ăn xong cũng thòm thèm tiếc nuối. Mãi sau này và đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể tìm đâu được hương vị quyến rũ đến kỳ lạ ấy. Có lẽ ngày còn lam lũ, khi phải lo ăn cho no trước khi ăn cho ngon, người ta dễ dàng thấy hài lòng chỉ với những món ăn bình dị.

Đêm Trung thu, dưới ánh trăng huyền ảo, tiếng hát, tiếng ca, tiếng trống rộn ràng, tiếng cười khúc khích khuấy động cả làng quê đang yên ả. Niềm hân hoan thuở ấy kéo dài theo những đêm rong ruổi cùng đoàn lân đến tận khuya. Hồi đó toàn đi bộ, tụi tôi thay phiên nhau khiên trống vác lân. Mà đâu phải nhà nào cũng gọi vào để múa. Có khi lũ chúng tôi thập thò mãi ngoài cổng, gắng sức đánh trống to liên hồi nhưng rồi đáp lại là tiếng chó sủa inh tai, còn chủ nhà vẫn cửa đóng then cài im ỉm. Lúc ấy cả bọn đành lủi thủi kéo nhau đi.

Nhiều khi ham vui, lũ nhóc bọn tôi còn qua đến tận xã kế bên, khiến ba má đạp xe tìm kiếm muốn hụt hơi. Hồi đó múa lân đơn giản và nhà nào cũng diễn tựa nhau thôi. Vậy mà, bao nhiêu đứa trẻ là bấy nhiêu cặp mắt dán vào vào nhìn mải mê, như thể xem càng nhiều càng tận hưởng lâu hơn niềm hạnh phúc cả năm có một ấy.

Thương sao những năm trời đổ mưa vào đúng đêm mười lăm. Tụi tôi ngồi ủ rũ một góc nhìn ra ngoài trời, tiếng rơi tí tách bên hiên thay cho dồn vang tiếng trống. Nỗi buồn mênh mông như tràn cả vào khoảng không vô định. Trăng cũng tự mình lặng lẽ nấp sau màn mây, mang theo cả chú Cuội đi đâu mất, nhường chỗ cho bóng đêm dày đặc. Mặt mày đứa nào cũng méo xẹo, nước mắt cứ ướt ướt chực chờ rơi...

Cuộc sống hôm nay nhiều thay đổi, hiện đại và đủ đầy hơn. Trung thu bây giờ cũng khác ngày xưa. Có thể các con không còn tự mình trang trí đầu lân, không háo hức ngóng chờ bánh kẹo, nhưng niềm vui trẻ thơ vẫn nguyên sơ, trong trẻo, vẫn mong đến ngày nghe âm vang rộn ràng tiếng trống, vẫn muốn tự tay dán đèn lồng, vẫn trông được cùng ba mẹ xem rồng xem lân, vẫn hát ngân nga bài ca muôn thuở: “Tết Trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường…”.

HIỀN NGUYỄN

;
;
.
.
.
.
.