NÔNG NGHIỆP XANH

Thuận theo tự nhiên để phát triển

.

Với mong muốn tạo ra sản phẩm sạch, giảm chi phí canh tác và cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, nhiều doanh nghiệp cũng như hợp tác xã trên địa bàn thành phố đã phát kiến ra những mô hình thuận theo tự nhiên, vừa bảo vệ môi trường vừa mang lại sản phẩm tốt cho sức khỏe con người.

Ông Huỳnh Văn Mười (mặc áo khoác, đứng giữa) tích cực tham gia các hội chợ để học hỏi kinh nghiệm các doanh nghiệp khác và quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Ảnh: Đ.H.L
Ông Huỳnh Văn Mười (mặc áo khoác, đứng giữa) tích cực tham gia các hội chợ để học hỏi kinh nghiệm các doanh nghiệp khác và quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Ảnh: Đ.H.L

Mạnh dạn chuyển đổi công nghệ

Trước nhu cầu tiêu thụ thực phẩm an toàn ngày càng cao của người dân, từ lâu, ông Huỳnh Văn Mười, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Kim Thanh luôn nung nấu xây dựng cho mình một quy trình sản xuất nấm khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua nhiều năm kinh nghiệm sản xuất nấm theo phương pháp truyền thống, năm 2021, ông Mười dốc hết vốn liếng mạnh dạn đầu tư 1,3 tỷ đồng xây nhà xưởng tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Từ căn nhà cấp 4 ẩm thấp và cũ kỹ, ông cải tạo thành khu nhà 3 tầng trên diện tích 400m2 để sản xuất, chế biến và đóng gói các loại nấm thành phẩm.

Sau khi mở rộng quy mô theo hướng tăng chất lượng và sản lượng, điều đầu tiên ông Mười quan tâm nhất là khâu nguyên liệu đầu vào. Bởi việc xử lý tốt giá thể thì mới mang lại chất lượng nấm tốt. Ông Mười chia sẻ, hiện mùn cưa càng ngày càng khan hiếm do người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên giá nguyên liệu khá cao. Trong khi đó, mùn cưa ở địa phương không đáp ứng yêu cầu như tơi xốp, không bị ứ nước thì meo giống mới ăn tốt. Do đó, ông phải lấy nguyên liệu giá thể từ Gia Lai. So với các cơ sở sản xuất nấm ở các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương thuận lợi hơn trong việc vận chuyển khi có nguồn nguyên liệu ở Đắc Lắk, ông phải nghiên cứu pha trộn thêm một số nguyên liệu khác để giảm giá thành mới cạnh tranh được với thị trường. Tuy nhiên, để giá thể bảo đảm theo tiêu chuẩn, mùn cưa được chọn phải là những loại cây không đắng, không có nhiều mủ và được ủ qua để thanh trùng giá thể. Sau đó mới đóng nấm giống vào.

Không chỉ nghiêm ngặt trong khâu xử lý giá thể, ông Mười còn thực hiện nghiêm túc việc vệ sinh nhà trại, môi trường thông thoáng, không dùng thuốc trừ sâu từ khi sản xuất cho đến khi ra sản phẩm. Sản phẩm nấm tươi được ông bảo quản bằng tủ mát, sản phẩm khô được bảo quản bằng tủ sấy. Song song với việc kiểm định theo tiêu chuẩn VietGAP về trang trại, thuốc men, người lao động..., các nhà tiêu thụ như siêu thị, nhà hàng 6 tháng đến kiểm tra 1 lần để đánh giá sản phẩm trước khi ký hợp đồng. Đến nay, cơ sở của ông sản xuất trung bình 150kg/ngày thành phẩm các loại nấm mộc nhĩ, nấm rơm, đông cô, nấm hương, linh chi, bào ngư... Ông Mười cho biết, tất cả các sản phẩm tươi và khô đều được tiêu thụ hết tại các siêu thị, resort, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn thành phố. Việc áp dụng sản xuất theo kỹ thuật công nghệ cao giúp ông điều tiết được sản lượng tương thích với nhu cầu thị trường, từ đó chủ động khâu sản xuất, tránh tình trạng được mùa mất giá, nhất là vào những ngày rằm. Ngoài ra, hợp tác xã còn cung cấp sản phẩm cho một số tỉnh, thành phố như Huế, Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Vinh...

Ngoài cơ sở sản xuất nấm ở xã Hòa Phong, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh - dịch vụ thương mại tổng hợp Kim Thanh còn có các cơ sở sản xuất ở xã Hòa Ninh với diện tích 25.000m2 trồng các loại cây ăn quả, măng và làm đậu khuôn; cơ sở ở phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) có diện tích 400m2 chuyên trồng nấm linh chi, bào ngư và làm dược liệu; cơ sở ở phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) có diện tích 200m2 chế biến hoàn chỉnh các chế phẩm nông sản. “Hiện Hợp tác xã có tất cả 38 thành viên, trong đó có 2 doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn thành phố hỗ trợ thuê đất để mở rộng xưởng sản xuất và kêu gọi các doanh nghiệp, các hợp tác xã liên kết đầu tư công nghệ nhằm tạo nguồn lực mạnh hơn, đặc biệt là đầu tư công nghệ dây chuyền sản xuất hiện đại khép kín từ khâu chế biến cho đến khâu đóng gói để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng”, ông Mười nhấn mạnh.

Cũng với mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp như ông Mười, ông Nguyễn Tấn Phương, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp CNC Afarm đã mạnh dạn đầu tư trang trại sản xuất theo quy trình nông nghiệp công nghệ cao từ năm 2018 ở xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang với diện tích hơn 3 hecta. Trong đó, chuyên sản xuất rau ăn lá, dưa lưới hữu cơ và đông trùng hạ thảo. Chia sẻ về quá trình sản xuất, ông Phương cho biết: “Lúc mới khởi nghiệp, tôi sản xuất theo hướng thủy canh nhưng do điều kiện khí hậu khắc nghiệt dẫn đến chi phí giá thành sản phẩm quá cao. Để giảm giá thành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm, tôi nghiên cứu chuyển qua sản xuất theo mô hình hữu cơ kết hợp phương pháp dung hòa giữa nuôi cá và trồng rau.

Theo đó, công ty lấy trùn quế cho cá ăn, rồi từ phân cá cho ra phân trùn và bón lại cho đất tơi xốp. Với hệ thống tưới tiêu và bón phân tự động, mô hình sản xuất của Công ty CP Nông nghiệp CNC Afarm đã sản xuất rau và dưa lưới đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều siêu thị, hộ gia đình trên địa bàn thành phố tin tưởng đặt mua rau quả theo tháng và xem nông trại của công ty giống như vườn rau nhà mình”.

Tạo hệ sinh thái để khám phá và trải nghiệm

Song song với việc tạo ra sản phẩm sạch, các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh còn tạo nên một hệ sinh thái nhờ kết nối phát triển du lịch cộng đồng, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Công ty CP Nông nghiệp CNC Afarm có khu trải nghiệm Hestia Farm, hằng năm đón từ 20-30% tổng số học sinh thành phố đến tham quan và trải nghiệm.

Ông Nguyễn Tấn Phương cho biết, qua việc tham quan, nghe thuyết trình về công nghệ trồng rau, học sinh còn được trải nghiệm gieo hạt, giâm cành, trồng cây và thăm vườn nuôi dê, cừu, bồ câu, gà vịt ngỗng... Bên cạnh đó, các em còn dùng bữa trưa từ những sản phẩm trong vườn và tham gia các hoạt động nhóm, tham quan trải nghiệm làm bánh tráng, làm gốm tại các mô hình làng nghề như làng gốm, bánh tráng Túy Loan, đá Non Nước, tắm hồ bơi... Vào mùa hè, công ty còn đón thêm học viên các trung tâm Anh ngữ, trung tâm dạy kỹ năng sống, trường tư thục và các sinh viên đại học đến học tập kinh nghiệm làm nông nghiệp sạch như tìm hiểu công nghệ sinh học, xử lý vi sinh đất, trồng trọt... để về triển khai tại gia đình mình. Chị Nguyễn Thị Thu (35 tuổi, phường Hòa Thuận Đông, Hải Châu), là phụ huynh có con tham gia trải nghiệm tại Hestia Farm, cũng cho biết, sau khi nhà trường dẫn đi tham quan khu vườn rau, con tôi đã biết phân biệt các loại rau thông thường. Việc trải nghiệm cũng giúp con có thêm kiến thức về trồng trọt và có ý thức hơn trong việc sử dụng thực phẩm an toàn.

Bên cạnh mở rộng quy mô sản xuất, ông Huỳnh Văn Mười cũng mong muốn, cơ sở sản xuất và chế biến nấm của mình sẽ trở thành cơ sở hạt nhân, tạo điều kiện cho nông dân đến học hỏi và nắm bắt quy trình công nghệ sản xuất nông nghiệp sạch để nhân rộng trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế địa phương. “Cùng với làng nghề bánh tráng Túy Loan, làng rau Túy Loan, cơ sở sản xuất nấm chúng tôi sẽ nằm trong một quần thể gần gũi và tương tác với nhau để tạo nên một hệ sinh thái mới góp phần phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch ở địa phương. Du khách sau khi tham quan quy trình sản xuất và chế biến nấm, có thể trải nghiệm tự nấu nấm và ăn trực tiếp tại đây để cảm nhận hương vị sản phẩm tươi ngon”, ông Huỳnh Văn Mười gợi ý.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.