NÔNG NGHIỆP XANH

Xanh lại những mảnh ruộng hoang

.

Hàng chục hecta đất nông nghiệp bỏ hoang, không canh tác trong nhiều năm qua trên địa bàn huyện Hòa Vang đang dần được “phủ xanh” nhờ chính sách cải tạo, khôi phục sản xuất, chuyển đổi cây trồng phù hợp.

Nông dân xã Hòa Phú đang hướng tới việc phát triển cây bưởi da xanh trên diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang trong thời gian tới. Ảnh: T.S
Nông dân xã Hòa Phú đang hướng tới việc phát triển cây bưởi da xanh trên diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang trong thời gian tới. Ảnh: T.S

Khơi lại “bờ xôi, ruộng mật”

Mỗi sáng, khi trời còn mờ tối, anh Nguyễn Văn Dũng (SN 1985), thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang đã thức dậy, xỏ đôi ủng, chạy xe đến cánh đồng An Châu cách nhà vài cây số bắt đầu ngày làm việc mới. Tại đây, phải mất hơn giờ đồng hồ anh mới rảo hết một lượt khắp khu vực nuôi ốc bươu đen, trồng rau, trồng dưa hấu rộng hơn hecta do mình quản lý. Để có khoảng đất rộng này, anh đã thuê lại những sào đất lúa, đất màu bỏ hoang của các hộ dân trong xã với giá 100 triệu đồng trong thời gian 5 năm.

Anh Dũng chia sẻ, khi mới bắt đầu cải tạo, đất hoang hóa nhiều năm khiến việc “khôi phục đất” tốn nhiều công sức. Đất chai cứng, cỏ dại mọc đầy, không còn độ phì nhiêu. Để có thể yên tâm rải những hạt giống đầu tiên, anh tập trung dọn sạch cỏ dại, cày xới, bón phân hữu cơ để đất tơi xốp trở lại. Theo anh, phân bón hữu cơ không chỉ cung cấp dưỡng chất cần thiết cho cây trồng mà còn giúp cải thiện cấu trúc đất, tăng độ tơi xốp và khả năng giữ ẩm. “Dùng phân bón hóa học có thể nhanh hơn, nhưng lại làm đất nhanh bạc màu và gây ô nhiễm nguồn nước. Vì vậy, dù mất nhiều thời gian hơn, nhưng phân hữu cơ vẫn là lựa chọn tối ưu cho tương lai canh tác lâu dài”, anh Dũng nói.

Từ năm 2021 đến nay, nhờ kêu gọi người dân “tái sản xuất”, địa phương đã khôi phục hơn 15 hecta trong tổng số 20 hecta đất nông nghiệp hoang hóa. Trong đó có gần 10 hecta được cải tạo thành đất trồng lúa và 5 hecta trồng sen, súng, nuôi ốc bươu đen. Người dân vui khi sản lượng lúa trên vùng đất hoang hóa trong hai năm liên tiếp đạt khoảng 70 tạ/ha, mang lại niềm hy vọng về những mùa vàng bội thu". Ông Đặng Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tiến.

Quá trình cải tạo đất, anh sử dụng phân chuồng ủ hoai mục, phân xanh từ lá cây, cũng như tận dụng các phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, vỏ cây, thực phẩm nhà bếp để tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp bền vững. Ngoài bón trực tiếp vào đất, anh kết hợp kỹ thuật cày xới hợp lý để đất dễ dàng hấp thụ dinh dưỡng. Theo anh, việc duy trì độ màu mỡ cho đất không chỉ tốt cho cây trồng hiện tại, mà còn giúp những vụ mùa sau đạt năng suất cao hơn. Đồng thời, hệ sinh thái đồng ruộng cũng trở nên đa dạng hơn khi các vi sinh vật, côn trùng có lợi quay lại giúp đất cải thiện chất dinh dưỡng.

Khi đã yên tâm về chất lượng đất, anh bắt tay xây dựng trang trại nông nghiệp hữu cơ theo mô hình một bên nuôi ốc bươu đen thương phẩm, một bên trồng thử nghiệm nho, dưa hấu và rau, củ, quả theo mùa.

Trước khi quyết định thuê đất nông nghiệp hoang hóa mở trang trại sinh thái tại cánh đồng An Châu, anh Dũng đã có kinh nghiệm gần 2 năm thuê đất nông nghiệp ở xã Hòa Khương nuôi ốc với thu nhập trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng cho 3 ao nuôi ốc diện tích 1.000m2. Việc nuôi ốc bươu đen và trồng rau củ vừa có thể tận dụng toàn bộ diện tích, vừa tạo sự cân bằng sinh thái, cải thiện môi trường canh tác. Nước từ ao nuôi ốc bươu đen có thể tái sử dụng để tưới tiêu, bổ sung chất dinh dưỡng cho cây trồng, giảm bớt nhu cầu sử dụng phân bón và nước ngọt. Trong khi những loại cây như nho, dưa hấu đều mang lại giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ.

Không chỉ gia đình anh Dũng, nhiều nông dân khác trên địa bàn xã Hòa Phú bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc bảo vệ và cải tạo đất thông qua phương pháp canh tác bền vững. Những mảnh ruộng, rau màu vốn bỏ hoang lâu năm giờ đây dần lấy lại hình bóng “bờ xôi, ruộng mật” nhờ màu xanh tươi tốt. Ông Nguyễn Hải Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết, toàn xã có hơn 73 hecta đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có hơn 5 hecta bỏ hoang do ảnh hưởng dự án, thiếu nguồn nước tưới tiêu. Toàn bộ diện tích hoang hóa này sẽ được xã tập trung cải tạo, khôi phục để sản xuất nông nghiệp trong hai năm 2024, 2025.

Ông Cường cho hay, xã luôn ủng hộ những người có hướng đi sáng tạo và nỗ lực hồi sinh đất bỏ hoang như anh Nguyễn Văn Dũng. “Chúng tôi đang triển khai các chương trình hỗ trợ từ giống cây trồng, phân bón hữu cơ đến kỹ thuật canh tác cho người dân. Những nông dân có quyết tâm và biết áp dụng các mô hình nông nghiệp bền vững sẽ luôn được địa phương tạo điều kiện tối đa. Thời gian đến, chính quyền xã Hòa Phú không chỉ tập trung khôi phục đất đai, mà hướng tới việc xây dựng những mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái. Các trang trại nông nghiệp sạch như của anh Dũng là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm đưa Hòa Phú trở thành điểm đến thu hút khách trong tương lai”, ông Cường nói.

Tạo ra cộng đồng gắn kết

Tính đến đầu năm 2024, Đà Nẵng có khoảng 348,44 hecta đất nông nghiệp hoang hóa, tập trung chủ yếu ở huyện Hòa Vang. Ngoài phần lớn diện tích đất nằm trong vùng dự án chờ xây dựng (khoảng 276 hecta - PV) thì có khoảng hơn 13 hecta có thể khôi phục sản xuất như trước đây nhờ nỗ lực cải tạo, bổ sung nguồn nước, chất dinh dưỡng. Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng cho biết, thời gian qua, chính quyền địa phương đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng vùng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, qua đó đưa vào kế hoạch cải tạo, phục hồi sản xuất. Để đạt được mục tiêu này, từ năm 2024, Huyện ủy giao Hội Nông dân huyện và các xã thực hiện khôi phục ít nhất 2ha/xã/năm. Từ chủ trương trên, hội nông dân các cấp đã tham mưu Đảng ủy, UBND các xã áp dụng nhiều giải pháp như cải tạo mương dẫn nước, hỗ trợ giống cây trồng, kỹ thuật canh tác. Cùng với đó, khuyến khích người dân thử nghiệm những mô hình canh tác mới, như nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.

Đến nay, nông dân huyện Hòa Vang đã chung tay khôi phục hơn 51 hecta đất nông nghiệp bỏ hoang. Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nguyễn Thị Vân, diện tích khôi phục tùy vào điều kiện thổ nhưỡng và nguồn nước để lựa chọn cây trồng phù hợp, bảo đảm hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Các loại cây trồng có giá trị kinh tế, ít tiêu nước như rau màu, dưa hấu, ngô hay hành hương được ưu tiên trồng trong các khu vực thiếu nguồn nước tưới. Đối với vùng có điều kiện nước tốt hơn, bà con chuyển sang trồng lúa nước, sen, cây ăn quả và rau xanh. “Chúng tôi thường xuyên hướng dẫn người dân áp dụng những phương pháp canh tác mới như sử dụng phân bón hữu cơ và quản lý nguồn nước hiệu quả hơn. Mục tiêu là giúp người dân không chỉ khôi phục đất bỏ hoang mà còn nâng cao năng suất, bảo đảm thu nhập ổn định trong dài hạn”, bà Vân chia sẻ.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện Hòa Vang tập trung vào việc liên kết các hộ nông dân để hình thành những tổ hợp sản xuất nhằm giảm chi phí canh tác và gia tăng khả năng cạnh tranh mặt hàng nông sản địa phương. Ông Đặng Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tiến cho hay, từ năm 2021 đến nay, nhờ kêu gọi người dân “tái sản xuất”, địa phương đã khôi phục hơn 15 hecta trong tổng số 20 hecta đất nông nghiệp hoang hóa. Trong đó có gần 10 hecta được cải tạo thành đất trồng lúa và 5 hecta trồng sen, súng, nuôi ốc bươu đen. Ông Quang bày tỏ niềm vui khi sản lượng lúa trên vùng đất hoang hóa trong hai năm liên tiếp đạt khoảng 70 tạ/ha, mang lại niềm hy vọng về những mùa vàng bội thu.

Thời gian qua, trên nhiều cánh đồng ở Hòa Vang, những mảnh ruộng bỏ hoang ngày nào được thay thế bằng màu xanh của lúa, rau màu và những mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chất lượng cao. Sự chuyển mình này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, mà còn tạo ra một cộng đồng gắn kết, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong việc phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững trong tương lai.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.