"Tôi muốn hai biểu tượng này luôn đồng hành cùng nhau", Thị trưởng Paris, bà Anne Hidalgo, chia sẻ với một tờ báo Pháp khi nói về việc tháp Eiffel sẽ giữ lại biểu tượng Vòng tròn Olympic vĩnh viễn chứ không gỡ xuống sau khi Thế vận hội kết thúc.
Góc ảnh chớp được khoảnh khắc mặt trăng “lọt” vào giữa một vòng tròn trong 5 vòng tròn biểu tượng của Olympic 2024. Ảnh: Loic Venance/AFP |
Biểu tượng 5 vòng tròn Olympic lồng vào nhau được lắp đặt trên tháp Eiffel cho Thế vận hội mùa hè 2024 sẽ trở thành một phần vĩnh viễn của công trình này, theo lời bà Thị trưởng Paris chia sẻ với truyền thông Pháp vừa qua.
Trở thành một phần của Paris
Theo New York Times, bà Anne Hidalgo cho biết, đây là một “ý tưởng tuyệt vời” khi kết hợp biểu tượng của nước Pháp - tháp Eiffel, được xây dựng vào năm 1889 nhân dịp Hội chợ Thế giới, với biểu tượng toàn cầu là 5 vòng tròn lồng vào nhau, đại diện cho các châu lục. Nhân sự kiện nước Pháp đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa hè năm nay, những chiếc vòng này, gồm 5 màu xanh dương, đỏ, vàng, đen và xanh lá, đã được lắp đặt vào khoảng giữa tầng một và tầng hai của tháp, ở độ cao hơn 60m so với mặt đất.
"Chúng tôi đã làm việc suốt gần 10 năm để đạt được kết quả này, và nó không chỉ đơn thuần là về Thế vận hội Olympic và Paralympic. Thế vận hội là động lực thúc đẩy mọi sự thay đổi của thành phố. Paris sẽ không bao giờ như trước nữa: trong tâm trí của người Pháp, trong tâm trí của người Paris, và trong mắt cả thế giới". Bà Anne Hidalgo, Thị trưởng Paris. |
Tháp Eiffel, một trong những công trình nổi tiếng nhất thế giới thu hút khoảng bảy triệu lượt khách tham quan mỗi năm, đã trở thành biểu tượng của Olympic năm nay. Nữ ca sĩ Celine Dion đã có màn trở lại sân khấu đầy ấn tượng với phần biểu diễn từ trên tháp Eiffel trong lễ khai mạc. Tòa tháp cũng đã trở thành bối cảnh nền tuyệt đẹp cho các môn thi bóng chuyền bãi biển và bóng đá khiếm thị.
Bà Hidalgo nói đã viết thư cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để thông báo về ý tưởng giữ lại các vòng tròn Olympic vì tháp Eiffel là “một phần của di sản văn hóa quốc gia”. “Nhưng với tư cách là thị trưởng Paris, quyết định này thuộc về tôi,” bà nói, cho biết thêm là bà đã nhận được sự đồng ý của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC). Thành phố Paris sở hữu tháp Eiffel và là cổ đông chính của công ty điều hành tòa tháp này.
Bà thị trưởng Paris cũng chia sẻ vì bộ vòng hiện đang lắp đặt trên tháp có chiều rộng 29m và chiều cao 13m quá nặng, khó chịu được sức gió vào mùa đông nên sẽ được thay thế “càng sớm càng tốt” bằng một bộ vòng nhẹ hơn do tập đoàn thép toàn cầu ArcelorMittal sản xuất. “Chừng nào còn giữ được những chiếc vòng này thì chúng tôi sẽ vẫn giữ chúng; sau đó, chúng tôi sẽ lắp các vòng mới”, bà nói. Cũng theo bà Hidalgo, thành phố cần tìm giải pháp để “che đi” những chiếc vòng này nếu cần khi tháp Eiffel được chiếu sáng vào các dịp đặc biệt.
Những thay đổi lớn sau Olympic
Hidalgo, người giữ chức thị trưởng Paris từ năm 2014, hy vọng sẽ để lại dấu ấn với những thành tựu liên quan đến Olympic, chẳng hạn như nỗ lực làm sạch sông Seine để có thể tổ chức các nội dung thi bơi. Bà mong muốn giữ cho tinh thần hứng khởi và sự đoàn kết của Thế vận hội tiếp tục lan tỏa. “Paris đã thay đổi sâu sắc”, bà Hidalgo nói với báo Ouest-France, rồi tiếp: “Tôi muốn giữ mãi tinh thần lễ hội này!".
Không chỉ với biểu tượng các vòng tròn Olympic, bà Hidalgo còn mong muốn giữ lại ngọn đuốc Olympic, một biểu tượng khác được yêu thích tại Paris hiện vẫn đang được nâng lên bầu trời mỗi đêm từ khu vườn Tuileries Gardens tại trung tâm thủ đô. Tuy nhiên, địa điểm này nằm cạnh Bảo tàng Louvre, thuộc quyền quản lý của nhà nước Pháp chứ không phải thành phố Paris, và một số chuyên gia đã bày tỏ quan ngại về việc giữ lại ngọn đuốc ở khu vực này do các quy định nghiêm ngặt về di sản.
"Quyết định sẽ thuộc về tổng thống”, bà Hidalgo nói với tờ Ouest-France. “Nhưng theo quan điểm của tôi, ngọn đuốc nên ở lại vị trí hiện tại vì nó là một phần không thể tách rời của Thế vận hội Paris”.
Bà Hidalgo cho rằng Thế vận hội không chỉ là một sự kiện thể thao mà còn là động lực thúc đẩy những thay đổi tích cực và bền vững cho Paris. Thành phố đã trải qua nhiều cải cách, bao gồm việc cải thiện môi trường trên sông Seine. Ngoài ra, cũng trong phần trả lời phỏng vấn báo Ouest-France, bà Hidalgo cho biết tốc độ giới hạn trên đường vành đai của Paris sẽ giảm xuống 50km/h từ tháng 10 tới.
TRẦN ĐẮC LUÂN