Thương những phận người mưu sinh trong gió bão chưa kịp về nhà, thương những thân cây cổ thụ bao nhiêu năm tỏa bóng đã gắn bó với đất và người cả trăm năm, thương những cánh đồng đổ rạp công sức cả một mùa của người nông dân lam lũ. Từ thuở hồng hoang, con người ra sức chinh phục thiên nhiên nhưng lại vô cùng bé nhỏ trước thiên nhiên. Biết làm sao được khi con người và thiên nhiên luôn làm tổn thương nhau...
Người ta lại nhắc nhau trồng cây gây rừng, trồng tre chắn lũ. Dù thế nào nơi cây cối đã gục xuống cũng sẽ vươn lên những mầm xanh. Ảnh: S.T |
Trước cơn bão, tôi gọi về cho người cậu ở quê nhà, cậu tôi nói: “việc gì cần làm cũng làm rồi cháu ạ, trồng trọt thì năm này năm khác, có ít tiêu ít, biết làm sao”. Tôi còn nhớ trận bão khủng khiếp ở quê nhà năm nào cách đây gần ba mươi năm, khi ấy các phương tiện truyền thông đều hiếm hoi. Cả xóm mới có một chiếc đài, “đài báo bão” là cụm từ được truyền đi khắp làng xóm.
Người quê vốn lo xa, nào cắt cỏ cho trâu, che chắn chuồng gà chuồng lợn, gia cố mái nhà, tháo nước ở chân ruộng, rút rơm đem vào bếp, sát mẻ gạo cho đầy chum… Rồi bão tới, gió ùa đến bẻ gãy cành xoan, đánh gục những thân cau, chuối đổ rạp cả vườn. Ngồi trong nhà cũng biết ngoài vườn cây cối đã tan tác cả rồi, ngoài đồng lúa cũng đổ gục, ao nước đã tràn - cá lạch ra sông.
Nhà nông chỉ trông vào cánh đồng, mảnh vườn, ao cá. Năm ấy trẻ con đi học không có dép mới, ngày Tết cũng gói ghém chắt chiu. Sang Giêng là mùa giáp hạt, mùa đói vàng đói vọt, sắn mốc cũng phải ăn, miếng khoai trong nồi dựng lên dùng đũa gạt mới được lưng cơm phần cho người ốm trong nhà.
Bão quét qua Quảng Ninh, Hải Phòng rồi quần thảo ở quê tôi - mảnh đất nằm ven sông Kinh Thầy màu mỡ. Quê nhà mất điện, sóng chập chờn, trong tiếng được tiếng mất tôi nghe anh tôi nói cả xóm đã bị tốc hết mái nhà, cũng may đó là mái tôn chống nóng còn mái nhà đổ bê tông kiên cố nên ở trong nhà vẫn an toàn. Có điều người dân thường treo hành tỏi trên mái nhà để làm giống cho vụ đông nếu không kịp chuyển xuống nhà thì bị ướt và gió thổi văng đi hết.
Hàng chục mẫu chuối hứa hẹn thu hoạch vào dịp Tết đã đổ gục hoàn toàn. Mấy chục năm qua chưa có cơn bão nào có sức tàn phá khủng khiếp đến thế. Tôi hỏi anh sau bão có đi chống lúa đổ không, anh nói giọng thật buồn “lúa vừa trổ đòng, vụ này chắc là mất trắng, vớt vát được ít rơm rạ độn ruộng và phủ lên mặt luống hành tỏi, ngày xưa ông bà hay dạy làm nông “trông trời, trông đất, trông mây”, bây giờ anh mới thấm thía”.
Thông tin bão gió cập nhật liên tục, cả nước căng mắt dõi theo, đâu đó chiếc xe hơi lùi lại ven đường cứu một người phụ nữ đang ôm chặt lan can vì sức gió kinh hoàng, trên cầu Nhật Tân nhiều chiếc ô-tô đi chậm lại cản gió dìu đoàn xe máy qua cầu, thông tin nơi trú ngụ miễn phí cho người vô gia cư, bị nạn được chia sẻ… Tình người trong hoạn nạn ấm áp biết bao.
Nửa đêm thì cơn bão đi qua quê tôi, gió đã lặng chỉ còn mưa lớn, cậu tôi gọi lại khi thấy nhiều cuộc gọi nhỡ. Cậu nói: “không sao đâu cháu, bão mà, còn da lông mọc còn chồi nảy cây, mấy hôm nữa cậu sẽ thuê xe cuốc lật đất trồng hoa bán Tết, coi như để cho đất nghỉ, sang xuân lại trồng chuối, thân chuối mẹ thì gục chứ cây chuối non được che chở lại làm giống cho mùa sau”. Ngày trước, mỗi lần đài báo bão là dải đê chống lũ quê tôi lại kiên cố hơn, thanh niên trai tráng trong làng đều đi hộ đê, cơn lũ rút đi để lại một lớp phù sa màu mỡ trên cánh đồng khuyến nông, đất ấy trồng đậu trồng cà tốt bượt.
Chị bạn ở Hà Nội cập nhật tình hình hai cây sấu trước nhà vừa đổ gục, một lúc sau đã có công nhân cưa nhỏ, xếp lại gọn ghẽ để dẹp đường. Người ta chia sẻ hình ảnh những người lính mặc áo mưa sẵn sàng cho công tác cứu hộ cứu nạn khắc phục hậu quả sau bão. Các anh tôi, cậu tôi cũng đi quanh xóm thu nhặt cây cối gãy, xem có nhà nào cần giúp gì không. Người ta lại nhắc nhau trồng cây gây rừng, trồng tre chắn lũ. Dù thế nào nơi cây cối đã gục xuống cũng sẽ vươn lên những mầm xanh.
HOÀNG HIỀN